Tại triển lãm còn bố trí không gian trà với bộ bình trà bằng gốm Lái Thiêu truyền thống - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây cũng là đợt hội ngộ đông đảo của 69 nhà sưu tập tư nhân các tỉnh thành, với hơn 450 hiện vật nằm trong các bộ sưu tập cá nhân được trích xuất đưa đến trưng bày.
Trong nhiều năm nay, Câu lạc bộ Gốm Lái Thiêu hoạt động như một cách duy trì sự hiện diện của các dòng gốm Nam Bộ ngay trên mảnh đất Lái Thiêu danh tiếng từng là nơi phát xuất nhiều sản phẩm gốm độc đáo.
Và trong giới sưu tập, những "tay chơi gốm" tìm đến nhau theo cách tự nhiên "đồng thanh tương ứng", để đến nay mọi người có thể chứng kiến các bộ sưu tập từ nhiều nơi tụ về.
Xa nhất là nhà sưu tập Thu Hòa ở Hà Nội - người nhiều năm nay từ phương Bắc vẫn tha thiết yêu các dòng gốm phương Nam. Còn lại là các nhà sưu tập trải dài từ An Giang, Sa Đéc, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM...
Triển lãm lần này cả Nhà nước và tư nhân cùng thống nhất chọn các sản phẩm gốm Lái Thiêu làm chủ đạo, bên cạnh đó là gốm Biên Hòa, Cây Mai, cả các sản phẩm Thành Lễ cũng góp mặt.
Các hiện vật trưng bày đa phần là gốm gia dụng và các sản phẩm gốm mỹ thuật, trang trí. "Vì dịp này nhằm tôn vinh nghề gốm gắn với Ngày Di sản văn hóa nên các sản phẩm gốm thờ cúng được giảm bớt", ông Nguyễn Hữu Phúc - chủ nhiệm CLB Cổ vật Thuận An - chia sẻ.
Thay vào đó, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm độc đáo. Như chiếc thống men xanh cỡ lớn của lò Nam Phong với dòng chữ "Nghĩa An tân hiệu lạc thành", cho thấy đây là sản phẩm độc bản do Nam Phong làm để tặng nhân dịp "khánh thành trường mới Nghĩa An".
Chiếc thống men xanh của lò Nam Phong làm tặng Nghĩa An tân hiệu - Ảnh: L.ĐIỀN
Hay như bộ sưu tập cổ đồ là tranh vẽ đề tài chậu hoa, bonsai trên gốm gia dụng: bình trà, gối, nhạo rượu, ống bút đến từ nhà sưu tập Quang Cường ở An Giang. Lần này cũng xuất hiện một cặp đôn hình quái thú gốm Lái Thiêu rất lạ: thân voi, chân kỳ lân, đầu sư tử.
Cặp đôn hình quái thú của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải (phải) ở Lái Thiêu - Ảnh: L.ĐIỀN
Một nội dung độc đáo trong đợt triển lãm này là góc trưng bày của anh thợ Huỳnh Xuân Huỳnh - người đang làm thợ tại lò Vương Xuân trên đất Lái Thiêu.
Anh Xuân Huỳnh đem đến triển lãm các hiện vật mô tả công việc và một vài công đoạn của nghề gốm cổ Nam Bộ như: bao nung (hộp đựng sản phẩm gốm khi nung), con kê (lót giữa các sản phẩm khi phải chồng lên nhau lúc đưa vào lò nung), bàn dộng (nắn lại các đồ gốm sống bị méo lúc phơi), bàn xoay, và cả khuôn in hai con cá mắt lồi thật độc đáo.
Anh thợ Huỳnh Xuân Huỳnh và góc trưng bày tại triển lãm - Ảnh: L.ĐIỀN
Triển lãm mở cửa tại Trung tâm Văn hóa thành phố Thuận An (đường Nguyễn Trãi, khu phố Nguyễn Trãi, thị trấn Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) kéo dài từ 23-11 đến 29-11.
Các nhà sưu tập tư nhân cùng chung tay làm triển lãm - Ảnh: L.ĐIỀN
Một số sản phẩm gốm đang triển lãm:
Bộ đôn và tĩn đựng nước bằng gốm Cây Mai được đắp nổi khéo léo các đề tài mai điểu và phụng, cúc, tùng
Các phù điêu gốm Biên Hòa trang trí trong gia đình từ bộ sưu tập của Đào Duy Thắng
Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Phúc giới thiệu chiếc cối gốm Lái Thiêu có in niên đại 1938
Chiếc bình gốm Biên Hòa có đề tài Bà Triệu cưỡi voi
Bộ sưu tập cổ đồ từ An Giang
Nhà sưu tập Nguyễn Đỗ và chậu hoa gốm Thành Lễ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận