Góc trưng bày hai chiếc bình gốm sơn mài đặc biệt của nhà sưu tập Đào Duy Thắng (giữa) - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây có thể nói là đợt hội tụ quy mô của các dòng gốm Bình Dương trải qua nhiều thế hệ. Nói như giới chuyên môn, triển lãm có thể xem như một dịp "hội tụ tinh hoa gốm Bình Dương".
Tại sảnh chính của bảo tàng, khách tham quan sẽ có dịp tận mắt chứng kiến những hiện vật gốc thuộc nhiều dòng gốm Bình Dương được chọn lọc từ các bộ sưu tập của hơn 50 "tay chơi" đến từ Bình Dương, TP.HCM, An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh...
Bộ sưu tập cối gốm của nhà sưu tập Dương Cao Sang - Ảnh: L.Đ.
Triển lãm lần này giới thiệu một loạt cối giã bằng gốm Bình Dương (sản xuất vào những năm 1930) của nhà sưu tập Dương Cao Sang, phản ánh nét sinh hoạt đặc thù một thời tại vùng đất Bình Dương - Lái Thiêu.
Bên cạnh các hiện vật tái hiện đời sống gia đình còn một số hiện vật đặc biệt, đó là chiếc lu nước cỡ lớn (cao 78cm) xuất xứ từ một gia đình quý tộc cuối thế kỷ 19 thuộc dòng gốm Lái Thiêu.
Đặc biệt hơn là chiếc bình cao 90cm ra đời khoảng năm 1950 với đề tài "Vinh quy bái tổ", thuộc bộ sưu tập của ông Bùi Quang Tùng.
Hiện vật xưa nhất là chiếc bình chứa nước khổ lớn cuối thế kỷ 19 có dòng chữ “Lái Thiêu thị Giáo Đường lộ”, thuộc bộ sưu tập của anh Trần Bình
Nhưng độc đáo hơn cả là hiện vật của nhà sưu tập Đào Duy Thắng: cặp lộc bình bằng gốm Thành Lễ sản xuất khoảng năm 1964, với kỹ thuật sơn mài trên cốt gốm được xem là hiếm hoi hiện nay.
Người giữ mối dây liên lạc giữa các nghệ nhân và các nhà sưu tập gốm Bình Dương cho triển lãm gốm lần này là ông Nguyễn Hữu Phúc - chủ nhiệm Câu lạc bộ Cổ vật thị xã Thuận An. Ông Phúc có giao tình lâu năm với nhà nghiên cứu Lý Lược Tam nay đã mất.
"Chính thế hệ những người như ông Lý Lược Tam hoặc nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng hiện ở TP.HCM đã gieo vào lòng anh em chúng tôi niềm đam mê tìm hiểu và thêm yêu nghệ thuật sản phẩm gốm Bình Dương" - ông Phúc vừa tâm sự vừa giới thiệu nhóm hiện vật của ông tại triển lãm có cả chiếc hộp trà bằng gốm Lái Thiêu, vốn là di vật của cụ Lý Lược Tam.
Từ những triển lãm "hội tụ tinh hoa" thế này, giới chuyên môn và các nhà nghiên cứu nhận ra điểm gặp nhau với nhà tổ chức: Đó là suy nghĩ sâu hơn về sự hiện diện của gốm Bình Dương trong dòng chảy tri thức và nghệ thuật của nước nhà. Vấn đề này hẳn còn chờ các nhà nghiên cứu, điền dã và sưu tầm tiếp tục.
Chiếc lu nước cỡ lớn (cao 78cm) của một gia đình quý tộc cuối thế kỷ 19 thuộc dòng gốm Lái Thiêu - Ảnh: L.ĐIỀN
Hơn một trăm năm qua, nghề gốm ở Bình Dương phát triển không ngừng, đã lần lượt hình thành các trung tâm sản xuất gốm mà người dân quen gọi thành "từng dòng": Lái Thiêu, Phú Cường, Tân Phước Khánh, Dĩ An...
Triển lãm cũng là dịp tôn vinh giá trị, vai trò của sản phẩm gốm sứ trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Việt nói chung và cư dân Bình Dương nói riêng. Đồng thời giới thiệu đến khách tham quan những nghệ nhân tài hoa, điêu luyện của nghề gốm Bình Dương.
Nhóm đồ gia dụng với hộp trà gốm Lái Thiêu của cụ Lý Lược Tam (bìa phải) - Ảnh: L.Điền
Bộ sưu tập đèn dầu lạc bằng gốm Phúc Kiến - Triều Châu - Ảnh: L.Điền
Hòn non bộ gốm Chòm Sao ít thấy - Ảnh: L.Điền
Bộ đồ trà gốm Lái Thiêu - Ảnh: L.Điền
Nhóm gốm gia dụng thương hiệu Thành Lễ - Ảnh: L.Điền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận