Phóng to |
Trong bài viết, nghệ sĩ Đặng Nhật Minh chủ yếu nhắc lại những thông tin và lập luận của vị trưởng ban tổ chức ngày lễ độc lập Nguyễn Hữu Đang, một thành viên của Chính phủ lâm thời vào thời điểm đó (vừa qua đời ở tuổi 95). Ở cương vị có thể coi là “toàn quyền” trong việc tổ chức buổi lễ mà cụ Đang phải “thú thật ngay rằng tôi chưa biết đích xác ai là người quay bộ phim đó. Tôi cũng chỉ có thể đoán theo hai khả năng mà cũng chưa dám nghiêng hẳn về phía nào: hoặc là hiệu Hương Ký quay hoặc là phái đoàn Patti quay”.
Thử phân tích theo hai giả thiết của cụ Đang. Patti, với tư cách là người đứng đầu cơ quan Cục Công tác chiến lược (OSS - tiền thân của CIA), đến Hà Nội ngày 22-8-1945 khi Việt Minh đã giành được chính quyền ở thành phố này từ trước đó vài ngày.
Nhưng ngay từ tháng 7-1945, một đơn vị đặc nhiệm OSS mang bí danh “Con Nai (The Deer)” đã nhảy dù xuống khu vực Tân Trào để phối hợp với Việt Minh chống phát xít Nhật theo thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và tướng Mỹ Chelnault, người đứng đầu lực lượng Đồng minh tại vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Đơn vị đặc nhiệm này đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp đón và hợp tác chặt chẽ. Một đại đội Việt - Mỹ đã được thành lập, có mặt trong lễ xuất quân sau Đại hội Quốc dân Tân Trào, tham gia vây quân Nhật tại Thái Nguyên và về Hà Nội ngay sau khi giành chính quyền không bao lâu.
Còn ông Patti từ Côn Minh đến sân bay Gia Lâm ngày 22-8, sau đó tiếp xúc với nhiều lực lượng chính trị và có những quan hệ tốt đẹp với Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, như trong hồi ức ông Patti cho biết nhiệm vụ của mình là đại diện Đồng minh đến để giám sát tình hình chuẩn bị cho các quan chức cao cấp của các nước Đồng minh đến thực hiện việc giải giáp quân Nhật, do vậy họ hết sức giữ ý không vượt quá thẩm quyền.
Đơn vị “Con Nai” cũng được lệnh chấm dứt những hợp tác quân sự để đợi lệnh rút về. Do vậy, ở Hà Nội những người Mỹ đã tránh tham gia những hoạt động chính thức. Vì thế ông Patti mặc dù nhận được lời mời đứng vào hàng quan khách dự lễ độc lập, nhưng ông đã khéo từ chối để đóng vai người quan sát và tránh tiếp cận khu vực lễ đài. Tuy nhiên như ông thuật lại, trong ngày 2-9-1945 những người Mỹ có mặt ở Hà Nội đã tranh thủ hòa vào đám đông dân chúng để quan sát một biến cố quan trọng, và có chụp ảnh quang cảnh chung trên đường phố và ở khu vực Ba Đình. Nhưng không thấy ông nói đến việc quay phim.
Nửa thế kỷ sau, tôi có may mắn được tham dự hai cuộc tiếp xúc giữa các cựu thành viên OSS của đơn vị “Con Nai” với các cựu chiến binh VN đã hợp tác với đơn vị này tại Hà Nội (1995) và New York (1997). Tôi cùng với một số nhà sử học nước ngoài (Mỹ, Na Uy, Đức) tham dự cũng có đề cập tới những nguồn sử liệu bằng hình thì họ cho biết có chụp được một số ảnh nhưng đến nay cũng thất lạc nhiều và phim quay thì không có.
Trong nhiều năm qua tôi tiếp tục tìm kiếm các hình ảnh liên quan đến những người Mỹ này, thì có nhận được một số lượng không đáng kể và vẫn chưa có thông tin nào về việc quay phim cả. Vả lại, nếu phía Mỹ có thì trong một số bộ phim tài liệu lớn về chủ đề chiến tranh VN được xây dựng trong thời gian qua, những tư liệu lịch sử này đã được công bố chính thức. Phía người nước ngoài khi sử dụng những đoạn phim mà chúng ta đã công bố đều ghi rõ là tài liệu của VN.
Như vậy, còn lại giả thiết tác giả là người VN, cụ thể là người của hiệu ảnh Hương Ký. Phân tích những tình tiết có liên quan mà cụ Đang cung cấp thấy có nhiều điều hợp lý, vì việc sử dụng máy quay phim đến thời điểm này tuy còn hiếm nhưng cũng không xa lạ gì đối với người VN. Nhưng điều quan trọng hơn hết là hiện nay có được tấm ảnh từ dưới hướng lên lễ đài chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, đứng bên phải Cụ có một người cầm ô và đáng chú ý là từ phía bên trái có một người đang quay phim hướng ống kính về phía Cụ Hồ.
Góc quay này ứng với đoạn phim quay Người đọc Tuyên ngôn nhìn nghiêng mà chúng ta đã được xem. Quan sát trên ảnh thấy đó không phải là người nước ngoài. Như thế thông tin từ bài báo của cụ Đang có một chi tiết chưa chính xác vì đã nói là không ai được phép lên lễ đài quay phim.
Tấm ảnh này chúng tôi được ông David Marr, một nhà nghiên cứu sử học Úc gốc Mỹ, cung cấp và theo ông cũng do người Mỹ chụp (công bố trong sách Why Vietnam?, bản gốc tiếng Anh). Như vậy chính những thước phim ấy là do hiệu ảnh Hương Ký thực hiện và diễn biến thái độ chính trị của ông chủ Hương Ký trong bối cảnh đất nước nhiều biến động như vậy có thể dẫn tới việc những thước phim này không được chuyển cho ban tổ chức ngay thời điểm đó.
Bởi thế, cho dù phải ngót ba thập kỷ sau (1974) “châu mới về hợp phố”, những thước phim ấy được trao cho Nhà nước Việt Nam một cách toàn vẹn về chất lượng cũng là một biểu thị đáng mừng và đáng trân trọng của những người VN - dù đã có thời không đồng hành nhưng vẫn gìn giữ những chứng tích quí giá về cuộc cách mạng và vị lãnh tụ của cuộc cách mạng đó. Dẫu sao đây cũng vẫn còn là một giả thiết để tiếp cận với kết luận cuối cùng, và mong rằng những người là nhân chứng của cuộc tiếp nhận này (ví như nhà báo Hồng Hà) nên công bố rõ hơn những gì còn phải giữ bí mật vì phải thực hiện cam kết với người trao những thước phim này.
Đã hơn ba thập kỷ kể từ lúc nhận di sản này, cũng đã đến thời khắc giải mật để đáp lại việc làm đầy trách nhiệm của một trong những người Việt Nam có thể khác chính kiến nhưng đầy trách nhiệm với lịch sử dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận