Hiện trạng xuống cấp của Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - Video: PHAN TẤT ĐẠT
Những mảng tường bong tróc, trần nhà nứt toác từng mảng, mái ngói chỗ lành chỗ vỡ, rêu phong phủ khắp nơi... là hiện trạng của công trình kiến trúc được xem là biểu tượng của Đà Lạt - Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt.
Giới chuyên môn lo lắng nếu không có hướng tôn tạo toàn diện, ngôi trường sẽ mau chóng xuống cấp đến mức không còn cứu vãn nổi.
Dân sống trong lòng danh thắng
Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ban đầu có tên Grand Lycée Yersin, được khởi công xây dựng vào năm 1927, hoàn thành sau 8 năm bằng sức lao động của hàng nghìn phu người Việt. Công trình này hoang phế là hậu quả của cả một quá trình, khi khối kiến trúc này được trưng dụng không đúng chức năng.
Từ năm 1976, tỉnh Lâm Đồng dùng làm cơ sở đào tạo giáo viên. Khi đó trường chưa được công nhận là di tích cấp quốc gia, mà được xem như những khu nhà hoặc công sở khác nên có thể tác động, sửa chữa, cơi nới mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về di sản.
Người dân sống trong các căn phòng của Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH
Từ khi được giao sử dụng đến nay, trường đã thay đổi công năng một số phòng để bố trí chỗ ở cho cán bộ, giảng viên từ nhiều nơi về Đà Lạt công tác và được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý. Nhiều nhân viên của trường lập gia đình, sinh con cũng tiếp tục ở lại bên trong trường và biến những phòng học thành những căn hộ.
Tường phòng học bị bong tróc và thấm dột - Ảnh: MAI VINH
Hiện bên trong trường có khoảng 13 hộ dân. Trước đó số hộ ở trong các căn phòng của công trình kiến trúc này lên đến hơn 30 hộ.
Các căn phòng vốn là phòng học hoặc là phòng tạm trú của giáo viên được sử dụng như những căn hộ, nên bị cơi nới cho phù hợp với nhu cầu của người ở. Trải qua nhiều đời, việc tháo dỡ và cơi nới càng khiến các căn phòng thuộc di tích này hư hỏng nặng thêm.
Nhiều "chủ hộ" đã có nhà ở bên ngoài, đã về hưu nhưng vẫn duy trì "căn hộ" bên trong danh thắng để chờ được đền bù, giải tỏa.
Xuống cấp nghiêm trọng
Khu nhà được đánh giá quan trọng nhất Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là khu nhà mái cong, và nhà hiệu bộ.
Hiện tại không gian của hai khu nhà này có mùi ẩm mốc, dấu rêu phủ khắp nơi. Nhiều sinh viên cho biết có lần trần ximăng ở góc phòng bong ra rồi rớt xuống, may đúng vị trí không có sinh viên. Mỗi khi mưa to, phòng ướt sũng do nước tạt vào.
Tháp chuông là vị trí còn giữ được mái ngói đá đen (Ardoise) đặc biệt, tuy nhiên đã hư hại nghiêm trọng - PHAN TẤN ĐẠT
Từ khi trường được giao sử dụng công trình kiến trúc cổ này thì chỉ có tu sửa nhỏ như sửa bàn ghế hay chống thấm một số chỗ.
Gạch xây dựng công trình Grand Lycée Yersin theo thiết kế không thấm nước, không mọc rêu, nhưng giờ nước thấm, rêu mọc. Nguyên nhân được nhà trường xác định phần mái khu nhà bị hư nên nước thấm từ trên xuống, nước theo các khe nứt thấm từ trong ra ngoài.
Khu nhà mái cong nổi tiếng này bị các hộ dân là cán bộ của trường lấn chiếm làm nhà tạm ngay trong khuôn viên. Các căn nhà tạm nương theo tường khu nhà mái cong, lấy bức tường này làm tường nhà mình và đục lỗ chỗ để dựng khung nhà.
Trong lần tu sửa cách nay 24 năm, công trình được sửa mà toàn bộ mái ngói đá đen (Ardoise) đã bị thay thế, chỉ còn giữ lại ở tháp chuông - Ảnh: PHAN TẤN ĐẠT
Cách nay 24 năm, công trình này được tu sửa một bằng kinh phí từ ngân sách của tỉnh Lâm Đồng, khi toàn bộ mái ngói đá đen (Ardoise) của nhà mái cong và nhà hiệu bộ bị hư hại hoàn toàn.
Do không tìm được vật liệu thay thế, nhà mái cong phải vá víu tạm bợ vằng ngói đất nung màu đỏ thường dùng lợp nhà hiện nay. Tòa nhà hiệu bộ bị thay toàn bộ ngói bằng tôn sơn xanh.
Hiện toàn bộ công trình này chỉ có tháp chuông trên nhà mái cong còn mái ngói bằng đá đen nguyên bản.
Ngói đá đen được làm từ Pháp, thợ cắt xẻ từ những khối đá lớn thành ngói. Gạch ngói để làm công trình này được nhóm thi công vận chuyển từ Pháp sang khi xây dựng.
Ngưng cho tham quan vì thiếu kinh phí
Từ 12-4, Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tạm ngưng cho du khách tham quan công trình này, không thông báo ngày cho tham quan trở lại.
Ông Huỳnh Linh Bảo, hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cho biết: "Cực chẳng đành mới phải ngừng cho du khách tham quan. Thực tế trường không đủ điều kiện tiếp đón du khách và đảm bảo an ninh trật tự. Mỗi ngày cuối tuần có cả nghìn khách vào trường, mà trường chỉ có 1 bảo vệ, không có người hướng dẫn. Trường cần được đầu tư kinh phí để có điều kiện tiếp đón du khách đến tham quan".
Ông Bảo phân trần thêm: "Tổ chức du lịch trong trường phát sinh nhiều vấn đề tế nhị mỗi khi du khách ra về. Chúng tôi rất vất vả để cáng đáng chức năng du lịch trong nhiều năm qua.
Sắp tới chúng tôi xin cơ quan cấp trên một giải pháp cho việc này, có thể là thu một khoản phí tham quan nhỏ để có kinh phí tổ chức du lịch".
Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có hai khối công trình, nhưng nổi tiếng nhất là khối phòng học với tháp chuông cao vượt trội tạo điểm nhấn trong nội đô Đà Lạt - Ảnh: PHAN TẤN ĐẠT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận