Thật vậy, từ năm 1959 đến 1991, người nước ngoài không được đặt chân tới Nizhny Novgorod vì tính chất đặc biệt của thành phố này: là nơi tập trung nhiều tổ hợp công nghiệp quân sự quan trọng của Liên Xô cũ như nhà máy xe hơi Gorky (GAZ), xí nghiệp đóng tàu hải quân Krasnoye Sormovo hay tổ hợp nghiên cứu và sản xuất thiết bị không gian Polyot.
Vậy nên dù là thành phố lớn thứ 5 của Nga, Nizhny Novgorod lại chỉ như một cô gái ngủ quên bên dòng Volga thơ mộng vừa được World Cup đánh thức và mang lại cơ hội ra mắt với thế giới bên ngoài.
Tôi đến Nizhny Novgorod vào một sáng sớm đầu tuần cho một trận đấu vòng bảng trong khuôn khổ World Cup năm nay. Nếu không run rủi nhờ tấm vé mà mình vất vả có được, có lẽ tôi cũng không nghĩ mình sẽ đặt chân đến đây.
Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước ra khỏi nhà ga, đó là một vẻ đẹp cũ kỹ. Những tòa nhà mang kiến trúc đặc trưng của nước Nga thời cận đại, xen lẫn những tòa nhà xù xì thời Xô viết. Nizhny Novgorod mang lại cảm giác của một tỉnh lỵ bình thường.
Một Nizhny Novgorod xen lẫn nét cổ kính và giản dị
Không hiện đại, nhộn nhịp như Moscow hay Saint Petersburg, ngày mới ở Nizhny Novgorod là những hàng người đứng chờ xe buýt đi làm buổi sáng. Vài người tranh thủ ghé vào một quầy hàng trên vỉa hè kêu một ly Kvass, loại thức uống từ bánh mì lên men của người Nga.
Người Nga uống Kvass như người Việt uống cafe hay sữa đậu nành buổi sáng, kêu vội một ly nhỏ giá chỉ khoảng 20 rub (khoảng 8.000 VND), vừa uống vừa chờ xe buýt.
Kvass cho buổi sáng
Một người đàn ông trên đường đi làm
Thỉnh thoảng trên đường đi dạo, tôi gặp vài ông bà cụ mang chút rau trồng trong vườn ra vỉa hè bán. Một cái chợ cóc nho nhỏ ngay bến xe buýt trung tâm.
Những bó rau tươi xanh cho những bà nội trợ đi chợ sáng. Thật khó để tìm điều này ở trung tâm Moscow hay Saint Petersburg, nơi nhịp sống hiện đại đã đưa chợ cóc vào các siêu thị lớn.
Một quầy rau vỉa hè
Với hệ thống metro chỉ với 2 tuyến đường, giao thông công cộng ở Nizhny Novgorod có sự đóng góp tích cực của những chiếc xe buýt đã cũ, từ loại trolley-bus chạy bằng điện cho đến loại bình thường vẫn chạy tốt sau hàng chục năm, xứng danh "nồi đồng cối đá" của nền công nghiệp Liên Xô cũ cũng như nước Nga ngày nay.
Xe buýt ở Nizhny Novgorod
Đường vào trung tâm thành phố là những con đường rợp bóng cây xanh. Không ồn ào náo nhiệt, Nizhny Novgorod vào ngày thường vẫn yên tĩnh.
Người ta có thể dễ dàng thấy những cụ già thong dong đi dạo, những người đồng nghiệp vừa đi vừa trò chuyện. Một nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng.
Một góc đường ở Nizhny Novgorod
Một quầy tạp hóa vỉa hè, bán báo, thuốc lá và nước uống
Vẻ đẹp thật sự "ngủ quên" của Nizhny Novgorod hiện ra khi tôi đi vào trung tâm thành phố. Có một điều ít ai biết, thành phố này gắn liền với đại văn hào Maxim Gorky vĩ đại. "Thành phố của Gorky", biệt danh của thành phố nói lên tất cả.
Từng sống ở đây suốt 25 năm, Nizhny Novgorod có ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp của Maxim Gorky. Nếu là một người hâm mộ nhà văn thiên tài này, người ta có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc đã đi vào tiểu thuyết của ông, nhất là bộ 3 cuốn tự truyện Những trường đại học của tôi, Thời thơ ấu, Kiếm sống.
Có lẽ vì thế mà trong suốt 60 năm từ 1932 đến 1990, Nizhny Novgorod mang tên là Gorky. Đến Nizhny Novgorod ngày nay, những ai say mê Maxim Gorky có thể dành vài ngày chỉ để tham quan hết bảo tàng về ông, đến thăm những nơi gắn liền với tên tuổi của nhà văn.
Từ quảng trường Gorky, bức tượng của nhà văn sừng sững nhìn thẳng vào con đường trung tâm Bolshaya Pokrovskaya, con đường đưa người ta tới sân vận động Dynamo, nơi mà ông là thành viên danh dự hay nhà hát Gorky, nơi ông hay lui tới với nguời bạn Feodor Chaliapin và cho đến bây giờ vẫn còn trình diễn những vở kịch của ông.
Quảng trường Gorky
Nhà hát Gorky
Con đường Bolshaya Pokrovskaya đưa người ta tới điện Kremlin của thành phố. Nơi lưu giữ rất nhiều chứng tích của một thời quá khứ huy hoàng của Nizhny Novgorod.
Từ nhà thờ Archangel Michael, người ta có thể cảm nhận lịch sử gần 800 năm của thành phố. Một cuộc đi dạo dọc theo tường thành, sông Volga bên dưới hiện ra êm đềm và thơ mộng.
Nhà thờ Archangel Michael, điểm nhấn của Kremlin Nizhny Novgorod
Du thuyền dọc sông Volga
Ở bên kia bờ sông, người ta tìm thấy một quá khứ huy hoàng khác của thành phố. Hội chợ Nizhny Novgorod từng là một trong những hội chợ lớn nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19.
Dấu ấn của những ngày ấy dù đã phai nhạt ít nhiều nhưng vẫn phảng phất mà Trung tâm triển lãm thành phố là một ví dụ.
Trung tâm triển lãm Nizhny Novgorod từng là nơi tổ chức Hội chợ Nizhny Novgorod
Tượng Lenin ở Nizhny Novgorod
Thư giãn bên bờ sông Volga, xa xa là sân vận động Nizhny Novgorod được xây mới hiện đại đứng cạnh nhà thờ St. Alexander Nevsky
Nhưng đọng lại hơn cả ở Nizhny Novgorod này là sự giản dị dễ gần của con người nơi đây. Tôi gặp nhiều nụ cười của người dân địa phương, dù trên xe buýt, trong một khu chợ hay trên con đường trung tâm của thành phố.
Đó là vẻ đẹp "ngủ quên" của Nizhny Novgorod, nơi mà nét xưa của nước Nga và vẻ đẹp lao động thời Xô viết vẫn còn phảng phất trong khi sự hiện đại hóa của đô thị vẫn chưa biến mặt người thành những khối hình lạnh lùng.
Một khu chợ nhỏ chỉ cách con đường mua sắm hiện đại vài bước chân
Nụ cười buổi sáng trên đường đi vào thành phố
Nụ cười lao động của Nizhny Novgorod
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận