Phóng to |
Tuổi Trẻ trao đổi với ông Trần Thất (ảnh) - vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), người tham gia khởi thảo dự án luật này về mô hình văn phòng công chứng tư nhân. Ông nói:
- Bình quân mỗi tỉnh hiện có hai phòng công chứng, một số thành phố lớn có năm phòng công chứng. Toàn quốc hiện có 350 công chứng viên làm việc tại 121 phòng công chứng, không đủ sức phục vụ nhu cầu công chứng của người dân.
Riêng TP.HCM, bình quân mỗi phòng công chứng hằng ngày phải chứng nhận khoảng 150-200 hợp đồng giao dịch, chưa kể nhiều giấy tờ khác, trong khi chỉ có 5-6 công chứng viên ở mỗi phòng. Ít phòng công chứng quá cũng khiến người dân đi lại khổ sở, phải xếp hàng và chờ đợi lâu. Chủ trương mới của Đảng, Nhà nước là cần phải xã hội hóa hoạt động này.
* Thưa ông, có thể hình dung ra sao về tổ chức, hoạt động của những văn phòng công chứng tư nhân?
- Theo dự thảo Luật công chứng (Bộ Tư pháp trình Chính phủ vào 10-2 tới), dự kiến tiếp tục duy trì hệ thống phòng công chứng nhà nước hiện có, nhưng sẽ mở ra hệ thống văn phòng công chứng do người dân đầu tư về mặt kinh phí, về cơ sở vật chất và kể cả về con người. Không nhất thiết công chứng viên cứ phải là công chức nhà nước, chỉ cần người dân có đủ các điều kiện theo pháp luật qui định thì có thể đứng ra lập văn phòng công chứng.
* Có sự phân biệt nào về những loại văn bản, hợp đồng được và không được chứng nhận giữa văn phòng công chứng và phòng công chứng nhà nước?
- Không có sự phân biệt nào cả. Chúng tôi nghĩ rằng công chứng viên nhà nước và công chứng viên ngoài nhà nước đối với người dân đều phải chịu trách nhiệm như nhau.
* Rõ ràng là thuận tiện hơn, nhưng đổi lại người dân sẽ phải chịu những chi phí như thế nào khi tới văn phòng công chứng ngoài nhà nước, thưa ông?
- Đầu tư cho phòng công chứng nhà nước và cho văn phòng công chứng ngoài nhà nước tất nhiên sẽ chênh lệch, sau này sẽ có các qui định cụ thể. Tuy nhiên, đối với 121 phòng công chứng nhà nước hiện có, nơi nào có thể chuyển sang tự trang trải về mặt tài chính được thì chúng tôi dự định sẽ khuyến khích.
Chẳng hạn ở Hà Nội, TP.HCM, hoạt động công chứng rất tấp nập, nhiều việc và số thu khá lớn, vì vậy sẽ phải có chủ trương khuyến khích lập các văn phòng công chứng. Nhà nước sẽ không đầu tư vào đó nữa mà ưu tiên cho vùng núi, vùng sâu...
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận