27/07/2009 07:47 GMT+7

Vận nước phải đặt lên trên

VŨ HƯƠNG NAM (Trường tiểu học Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc)
VŨ HƯƠNG NAM (Trường tiểu học Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc)

TT - Để có được sự đoàn kết toàn quân, Trần Quốc Tuấn đã hi sinh rất lớn. Là con, ông đã không làm tròn ước nguyện của cha mình. Là cha, ông đã phải rút gươm đòi chém đứa con mà ông cho đó là nghịch tử. Ông vĩ đại không chỉ vì ông là một vị tướng tài ba mà còn ở sự hi sinh vượt qua tình cảm gia đình, đặt vận nước lên trên hết...

Cuộc thi “Tự hào sử Việt” - Giai đoạn 2 - Oanh liệt Chi Lăng - Đống Đa

* Đáp án câu hỏi kỳ 2 (Trích các bài dự thi)

1. Bốn vị nào sau đây đều là danh nhân văn hóa nổi tiếng thời Trần:

d/ Mạc Đĩnh Chi - Hàn Thuyên - Chu Văn An - Lê Văn Hưu

2. Ai là tác giả bài thơ: Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực, Vạn cổ thử giang san.

Tạm dịch:

Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu.

Cảm nhận của bạn về bài thơ trên:

“...Đây là bài Tụng giá hoàn kinh sư của danh tướng Trần Quang Khải. Bài thơ ghi lại một cách hào hùng hai chiến công vang dội của quân dân Đại Việt vào mùa xuân Ất Dậu (1285) cùng khát vọng xây dựng đất nước thái bình thịnh vượng.

Hai câu đầu là hai trang ký sự chiến tranh. Vị ngữ “đoạt sáo” (cướp giáo) và “cầm Hồ” (bắt giặc Mông Cổ) được đặt ở đầu câu như một nốt nhấn trong khúc ca khải hoàn. Máu xương của ba quân cùng tài thao lược của tướng soái đã góp phần làm nên chiến công Chương Dương, Hàm Tử oanh liệt! Chỉ hai câu thơ, tác giả đã gợi nên bao cảm xúc, ý nghĩ sâu xa về lịch sử, về truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Phần hai là những suy nghĩ của tác giả về giang sơn Tổ quốc, về tiền đồ dân tộc. Giọng thơ trở nên sâu lắng thâm trầm. Nhà thơ tự nhắn nhủ mình và cả con dân Đại Việt: muốn giang sơn được bền vững đến muôn đời thì phải luôn gắng sức. Bởi lẽ, khi đất nước đứng trước sự xâm lăng của Hốt Tất Liệt thì “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” (Trần Quốc Tuấn) nên khi hòa bình càng phải giữ đúng hào khí Đông A đó: đồng lòng cùng nhau gầy dựng giang sơn để Tổ quốc mãi trường tồn với thời gian...”.

Trần Hoàng Anh Khoa (Lớp12A9 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)

3. Tóm tắt câu chuyện “Dâng sớ chém 7 nịnh thần”? Bạn nghĩ gì về khí tiết của người dâng sớ?

“...Chu Văn An nổi tiếng là bậc thánh hiền, ngay khi đỗ thái học sinh, ông từ chối làm quan, không màng danh lợi về quê mở trường dạy học. Vua Trần Minh Tông biết tài của Chu Văn An mời ông vào triều dạy học cho thái tử và các con đại thần. Đến đời vua Trần Dụ Tông, thấy nhiều đại thần xung quanh vua là nịnh thần, nhà giáo Chu Văn An đã dũng cảm dâng sớ, hạch tội và xin chém bảy kẻ tội thần. Vua không nghe, ông liền treo ấn từ quan về ở ẩn. Thất trảm sớ nổi tiếng của nhà giáo Chu Văn An vẫn còn được truyền tụng mãi đến muôn đời sau.

Chuyện dâng Thất trảm sớ đã làm ông vượt lên trên những người khác cùng thời và trở thành bất tử. Đó là ông dám nhìn thẳng vào sự thật, dám vạch rõ những sâu dân mọt nước và hơn hết là dám đối mặt với quyền lực đen. Ông đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm, vai trò của người trí thức với đất nước dẫu ông biết rằng trong tương lai, ông và gia đình có thể sẽ phải đối mặt với đòn trả thù của những kẻ nịnh thần...”.

Nguyễn Trường Vũ (P. kỹ thuật, Đài truyền hình Đồng Tháp)

4. Hãy thuật lại câu chuyện Trần Quốc Tuấn “Vì nước quên thù nhà”. Cảm nghĩ của bạn về câu chuyện này.

- Nhờ Trần Thủ Độ mưu lược, Lý Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng, mở đầu nhà Trần. Lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có người nối dõi. Trong khi đó Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) đang có thai. Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ cho vua để chắc có người nối dõi. Trần Liễu nổi loạn, Trần Thủ Độ dẹp tan nhưng tha chết cho ông.

Trần Liễu mang hận trong lòng. Có người con là Trần Quốc Tuấn thông minh xuất chúng, văn võ song toàn, Trần Liễu những mong con có thể rửa nhục cho mình. Lúc sắp mất, Trần Liễu trăng trối với Trần Quốc Tuấn: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Nhưng Trần Quốc Tuấn đã dẹp thù riêng. Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, ông hiểu sâu sắc rằng trong vương triều mà có sự mất đoàn kết thì kẻ có lợi chính là quân giặc. Có lần ông đem chuyện xích mích xưa để thử lòng các con mình. Một trong các con ông là Trần Quốc Tảng có ý khích ông nên cướp ngôi vua. Ông rút gươm định chém Quốc Tảng nhưng nhờ các con và những người tâm phúc can ngăn, ông mới bớt giận nhưng bảo rằng: “Từ nay cho đến khi nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử, phản thầy này nữa”.

Ông đã giao hảo hòa hiếu với thượng tướng thái sư Trần Quang Khải (con của Trần Cảnh). Chuyện kể rằng có lần Trần Quốc Tuấn đã mời Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm cho Trần Quang Khải.

Sự đoàn kết giữa hai vị tướng đứng đầu triều đình chính là gốc rễ của đại thắng.

Để có sự đoàn kết này, Trần Quốc Tuấn đã hi sinh rất lớn. Là con, ông đã không làm tròn ước nguyện của cha mình. Là cha, ông đã phải rút gươm đòi chém đứa con mà ông cho đó là nghịch tử. Ông vĩ đại không chỉ vì ông là một vị tướng tài ba mà còn ở sự hi sinh vượt qua tình cảm gia đình, đặt vận nước lên trên hết.

Đặt Tổ quốc cao hơn tất cả, đó là phẩm chất tối cần thiết của một người lãnh đạo.

Câu hỏi kỳ 3

1. Hãy cho biết cải cách kinh tế quan trọng nhất của Hồ Quý Ly? (không quá 200 chữ)

2. Hãy kể về Hội thề Đông Quan. Cảm nghĩ của bạn? (không quá 400 chữ)

3. Đoạn nào trong Bình Ngô đại cáo thể hiện như một bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước ta? Cảm nghĩ của bạn về đoạn trên. (không quá 400 chữ)

bPpdfNVv.jpgPhóng to
VŨ HƯƠNG NAM (Trường tiểu học Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên