Đại học phi lợi nhuận nhìn từ MỹTrường tư lại lùm xùm vì lợi nhuận
GS Trần Hồng Quân (phải) điều hành hội thảo - Ảnh: Thanh Hùng |
Việc này diễn ra vào thời điểm Bộ GD-ĐT đang soạn thảo điều lệ trường ĐH sửa đổi và trên thực tế, trường ĐH tư thục đang được xới lên nhiều bất cập xuất phát từ mâu thuẫn quyền lợi của người góp vốn.
GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, định hướng hội thảo trao đổi xung quanh quy chế tổ chức hoạt động của Trường ĐH Phan Châu Trinh, một trường công bố từ khi thành lập hoạt động không vì lợi nhuận, để từ đó góp ý xây dựng điều lệ chung của trường ĐH tư thục phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhiều đại diện các trường tư thục tại hội thảo lại nắn nội dung cuộc họp sang hướng khác, mong muốn trao đổi kỹ để góp ý với Bộ GD-ĐT soạn thảo một điều lệ trường ĐH sửa đổi, trong đó có một chương quy định về ĐH tư thục không vì lợi nhuận.
Bởi theo PGS.TS Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, thì “Có những trường ở VN mang danh hoạt động không vì lợi nhuận nhưng thực chất không phải thế”.
Chuyện nhập nhèm này còn xảy ra khi có những trường thành lập ban đầu với mục tiêu không vì lợi nhuận nhưng những thay đổi trong thành phần góp vốn trong bối cảnh hoạt động chưa có hành lang pháp lý chặt chẽ đã khiến trường trở nên là nơi phục vụ lợi ích của một nhóm cá nhân.
Mỗi người góp vốn, chỉ nên đại diện cho 1 lá phiếu
GS Trần Hồng Quân: Sẽ gửi kiến nghị lên Bộ GD-ĐT “Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ tập hợp những ý kiến đóng góp, kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT nhằm bổ sung vào quy định trong điều lệ trường ĐH sửa đổi đối với trường tư thục không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng ta bàn về trường không vì lợi nhuận cũng không nên phủ nhận vai trò, đóng góp của trường hoạt động vì lợi nhuận. Chỉ có điều cần phải làm rõ hơn những quy định đối với mỗi loại hình trường để tránh các vấn đề bất cập như đã xảy ra trong thực tiễn vừa qua”. |
GS Trần Phương, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - một trường tư thục thuộc diện “không vì lợi nhuận”, cho rằng Luật giáo dục ĐH cũng đã “định nghĩa” trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận là người góp vốn không chia lợi tức hoặc chỉ được hưởng mức lãi suất bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu trường do nhà đầu tư sáng lập với mục đích có lợi nhuận áp dụng nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng vốn thì trường không vì lợi nhuận phải đảm bảo nguyên tắc “mỗi cổ đông chỉ đại diện cho một lá phiếu”.
Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ hiện có giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng vốn gây dựng ban đầu chỉ có 500 triệu đồng.
“Người đóng góp ít nhất là 10 triệu đồng và người đóng góp hàng tỉ đồng cũng bình đẳng như nhau khi biểu quyết các vấn đề về trường. Người được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị không phải người có số vốn cao nhất mà là người có uy tín nhất do hội đồng cổ đông bầu nên” - ông Phương chia sẻ cách làm của trường mình.
Theo GS Trần Phương phân tích, điểm yếu của các trường là trao quyền lực quá nhiều cho người góp vốn sẽ dẫn đến việc tranh giành quyền lực giữa những nhà đầu tư; mâu thuẫn giữa nhà đầu tư (muốn có lợi nhuận) với nhà giáo dục khó tránh khỏi.
Và để có lợi nhuận, HĐQT trường sẽ phải thuận theo những quyết định cắt xén kinh phí đào tạo, không thể xây dựng được quỹ tích lũy tập trung của trường, chất lượng đào tạo đi xuống, ảnh hưởng tới quyền lợi người học.
Trong khi đó, nếu đảm bảo được nguyên tắc “mỗi cổ đông một lá phiếu” thì sẽ hài hòa được các lợi ích và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Cũng chia sẻ với suy nghĩ này, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - cho rằng: “Những vấn đề phức tạp từ ĐH Hoa Sen là bài học cho các trường có tôn chỉ mục đích không vì lợi nhuận và cũng là điều mà các nhà biên soạn điều lệ trường ĐH cần phải nghiên cứu để bổ sung quy định chặt chẽ hơn”.
Bà Phượng nhận xét: “Quyền lực của nhà đầu tư quá lớn do được luật quy định, trên thực tế lại chính là yếu tố dẫn đến những phức tạp. Sự tín nhiệm là tiếng nói của người có tiền bạc, người được dồn phiếu chứ không phải tiếng nói của người có tài, có tâm thật sự. Sự thiếu chặt chẽ trong quy định này đã và sẽ có thể khiến những giá trị viện trợ của nước ngoài, tài sản của Nhà nước trở thành tài sản cá nhân”.
Cần quy định rõ ràng hơn
Trường ĐH hoạt động không vì lợi nhuận có phải cam kết tuân thủ tới cùng mục tiêu này không? Nhiều ý kiến khác nhau tại hội thảo đã được đặt ra.
Ông Trương Quang Mùi, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng không cần thiết đặt ra yêu cầu phải “cam kết” giống như một giấy phép con cho trường.
Vì những trường ĐH tư thục hoạt động có lợi nhuận hay không vì lợi nhuận cần được xác định ngay từ khi thành lập trường với những điều kiện rõ ràng đối với người góp vốn. Cách thành lập trường rồi mới quyết định mục tiêu lợi nhuận hay không vì lợi nhuận theo biểu quyết của cổ đông là việc không đúng, cần phải được điều chỉnh.
Ông Bùi Thiện Dụ lại cho rằng “cam kết” cần xem là việc bắt buộc đối với các trường công bố đi theo hướng không vì lợi nhuận. Vì “cam kết” này là yếu tố mang tính pháp lý ràng buộc các nhà sáng lập trường không đi chệch hướng đã định.
“Việc lập ra một trường không vì lợi nhuận, nếu muốn thay đổi thì cần khai tử nó để lập một trường có mục tiêu khác, chứ không nên nhập nhằng như cách làm của nhiều trường hiện nay” - ông Dụ nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng điều lệ trường ĐH sửa đổi tới đây phải làm rõ hơn nữa các loại hình trường công, trường tư có lợi nhuận và trường tư không vì lợi nhuận.
Trong đó, trường không vì lợi nhuận cần một hành lang pháp lý chặt chẽ, cụ thể hơn. Đơn cử như không cho phép chuyển nhượng vốn nhằm tăng quyền lực cho một vài cổ đông, không chia tài sản do trường tích lũy.
GS Trần Phương kiến nghị “giấy chứng nhận góp vốn không được tự do chuyển nhượng như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán”.
Đây là những yếu tố mà GS Trần Phương xem là cốt lõi để đảm bảo những vấn đề quan trọng trong việc điều hành nhà trường được quyết định bởi những người có uy tín, trách nhiệm và không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết.
Khi Cục Thuế đòi nợ GS Trần Phương kể câu chuyện trường ông bị Cục Thuế đến đòi nộp tiền thuế doanh nghiệp, mặc dù ông đã có đủ chứng cứ trình bày trường mình “không vì lợi nhuận”. Nhưng phải đến khi ông điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo Bộ Tài chính chất vấn mới được cho “miễn”. Nhưng việc “miễn” này giống như một sự “bỏ qua, thể tất” chứ không phải quy định đàng hoàng. Ông Nguyễn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết quy định phối hợp với các cơ quan ngang bộ cũng đã có nhưng trên thực tế việc phối hợp này chưa được thực hiện trong việc xây dựng trường ĐH tư thục. Cụ thể như Bộ Tài nguyên - môi trường không có những động thái hỗ trợ để trường tư được giao đất, Bộ Tài chính không có hướng dẫn trong việc miễn thuế đối với trường không hoạt động vì lợi nhuận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận