08/12/2003 22:11 GMT+7

Vấn nạn chảy máu cổ vật tại Việt Nam

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nạn chảy máu cổ vật là điều nhức nhối đối với những người làm văn hóa. Trong nỗ lực nâng cao nhận thức đối với vấn đề gìn giữ di sản, UNESCO đã tổ chức hội thảo "Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa" vào hôm nay (8-12) và 9-12 ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều cơ quan trong và ngoài nước. Hội thảo đã đặt ra những vấn đề xung quanh tình trạng trộm cổ vật ở VN và những giải pháp trước vấn nạn đáng quan tâm này.

mDWwPae7.jpgPhóng to
Cổ vật là mục tiêu của nhiều vụ trộm và buôn lậu ở VN (Tượng Phật này đã bị đánh cắp)
Nạn chảy máu cổ vật là điều nhức nhối đối với những người làm văn hóa. Trong nỗ lực nâng cao nhận thức đối với vấn đề gìn giữ di sản, UNESCO đã tổ chức hội thảo "Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa" vào hôm nay (8-12) và 9-12 ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều cơ quan trong và ngoài nước. Hội thảo đã đặt ra những vấn đề xung quanh tình trạng trộm cổ vật ở VN và những giải pháp trước vấn nạn đáng quan tâm này.

Báo động tình trạng trộm cổ vật

Tại hội thảo, đại diện Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng lịch sử VN, Tổng cục Hải quan, tổ chức UNESCO... đều thừa nhận thực tế: nạn buôn bán trái phép tài sản văn hóa đã ở mức báo động.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ VH-TT, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2003, ngành Hải quan VN đã phát hiện tới 16 vụ xuất lậu cổ vật qua biên giới.

7tqzjpp7.jpgPhóng to
Một hiện vật từ 5 con tàu đắm do Bảo tàng Lịch sử VN trục vớt tại phía Nam
Tiêu biểu là các vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Carmona Antonio Miguel (quốc tịch Mỹ), về hành vi xuất khẩu 2 thanh kiếm nguồn gốc Đông Nam Á niên đại đầu thế kỷ XX hay vụ ông Jurdy John Kenneth (quốc tịch Canada) xuất khẩu trái phép 10 cổ vật, trong đó có 5 rìu đá niên đại 3.500 năm...

Không chỉ qua con đường xuất ngoại, buôn lậu cổ vật ngay trong phạm vi các tỉnh, thành ngày càng gia tăng.

Theo ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng Di sản Văn hóa, Bộ VH - TT, chuyện tượng Phật, đồ thờ, sắc phong ở đình, làng... bị trộm cắp đã trở thành "cơm bữa".

Điển hình là các vụ chùa Tây Phương (Hà Tây) bị mất cắp tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ mít; các đình Ninh Xá, chùa La Dương, đình Ba Nhà (Hà Tây) mất đồ thờ; chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mất tượng; chùa Ngô Xá (Nam Định) mất đầu tượng Phật thời Lý bằng đá...

Mặt khác, song song với việc cổ vật bị trộm cắp thì nạn đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học như văn hóa Óc Eo (An Giang), di chỉ làng Vạc (Nghệ An), di chỉ Cát Tiên (Lâm Đồng), mộ cổ Đống Thếch (Hòa Bình), Chu Đậu (Hải Dương)... cũng diễn ra tràn lan. Hơn thế nữa, "những hiện vật bị đào bới, trục vớt trái phép này được bày bán công khai, bất chấp những quy định pháp luật", ông Bài bức xúc.

"Trên thế giới, đã có những nhà sưu tập dám bỏ cả gia tài để mua một cổ vật trong một cuộc bán đấu giá. Ở VN, số lượng người sưu tầm hiện vật đang ngày càng phổ biến. Thế nhưng thực tế pháp luật VN lại chưa có cơ chế thông thoáng cho sự ra đời và hoạt động của các nhà sưu tập tư nhân đó. Và vì thế, cổ vật, theo quan niệm hiện nay, vẫn thuộc sở hữu Nhà nước. Mà cha chung thì không ai khóc! Không cho công khai buôn bán và cho quyền sở hữu tư nhân cũng là lý do quan trọng dẫn đến thất thoát tài sản văn hóa".

Thế nhưng ngược với thực tế trên, các giải pháp chống "chảy máu" cổ vật từ các cấp quản lý vẫn tỏ ra khá lúng túng và nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Văn Hồng (Phó Vụ trưởng Pháp chế) nhận định: "Sở dĩ việc xuất khẩu, mua bán trái phép cổ vật tràn lan là do VN bị vướng mắc về cơ chế chính sách và thiếu những quy định liên ngành". Trong khi đó, người trực tiếp quản lý thì lại chưa hề được hướng dẫn chi tiết việc thực thi Luật Di sản Văn hóa.

Một nguyên nhân khác khiến công tác bảo vệ cổ vật gặp khó khăn, theo ông Etienne Clement - trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Campuchia - còn là các bảo tàng thường không nhiệt tình trong việc trình báo mất trộm bởi họ sợ tiền bảo hiểm cho các bộ sưu tập sẽ tăng lên và bảo tàng không có khả năng chi trả.

Những giải pháp ngăn chặn nạn buôn lậu cổ vật tại Việt Nam

Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành với nhau và giữa các quốc gia thông qua Internet và Interpol.

Interpol mới đây đã ký kết văn bản hợp tác với ICOM, cam kết phối hợp bảo vệ các tài sản văn hóa trên thế giới. Interpol cũng đã thiết lập một cơ sở dữ liệu về những cổ vật bị mất cắp kết nối với 182 nước trên thế giới. Tuy nhiên, ông Đặng Nguyễn Khang, Phó chánh Văn phòng Interpol tại VN cho biết, trong điều kiện thực tế VN, việc khai báo cổ vật và tài sản quốc gia bị mất cắp chưa đuợc kịp thời.

"Rất khó bảo vệ di sản văn hóa nếu không có sự đồng thuận ở cấp khu vực, quốc tế cùng những chiến lược toàn cầu. Bởi hiện nay, buôn lậu cổ vật đã trở nên quy mô, có thể sánh với các đường dây ma tuý xuyên quốc gia".

Với kinh nghiệm quản lý chống nạn buôn bán trái phép cổ vật tại Cam-pu-chia, ông EtienneClement - một trong những tác giả của cuốn hướng dẫn thực hiện công ước UNESCO - rất coi trọng mối quan hệ hai chiều chặt chẽ giữa bảo tàng - cảnh sát và Interpol - ICOM cùng các cơ quan chức năng khác.

Theo ông, “Khó khăn chủ chốt là thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan. Nhân viên bảo tàng thì không quen làm việc với cảnh sát. Còn cảnh sát thì không biết phân biệt đâu là hàng giả, đâu là cổ vật thật. Tại nhiều nước, các cơ quan này hoàn toàn tách rời nhau.Những người làm văn hóa, đặc biệt là nhân viên bảo tàng và các nhà khảo cổ học không có quan hệ làm việc với cảnh sát và hải quan. .”

Thực tế là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với Interpol vẫn còn rất yếu bởi Interpol tại VN vẫn đang rất rảnh rỗi.

Ông Đặng Nguyễn Khang, đại diện Interpol thừa nhận: "Sự phối hợp giữa Interpol và các cơ quan chức năng tại VN chỉ mang tính tình thế nên nhiều lúc cả hai bên đều bị động. Việc tổ chức hội thảo như thế này tôi nghĩ phải tăng cường hơn nữa và phải thể chế những yêu cầu hợp tác quốc tế hiện nay chúng ta đang hội nhập. Sự phối hợp giữa Interpol và các cơ quan chức năng thì đã có. Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý Nhà nước của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều vấn đề phải quan tâm hơn thì việc phối hợp giữa các ngành các cấp trong việc chống loại tội phạm này mới đi vào cụ thể được".

Nâng cao nhận thức

“Theo Luật di sản văn hóa quy định, nhà nước không cấm việc buôn bán cổ vật, nhưng nguồn gốc cổ vật ấy phải hợp pháp. Những cổ vật bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo các luật như luật dân sự, luật tố tụng hình sự.”

Một điều quan trọng khác là làm sao nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

Ở nhiều nước trên thế giới, buôn bán tài sản văn hóa đã trở thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao. Hơn nữa, việc sưu tầm đồ cổ còn là một cái thú và mốt của những người giàu có. Việc này khiến nạn buôn bán cổ vật trái phép ngày càng phát triển và khó kiểm soát.

Một vấn đề khá quan trọng trong việc chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa còn nằm ở chính trình độ của những người đang hàng ngày hàng giờ làm công tác này trong việc nhận biết đâu là cổ vật thật, đâu là giả.

Ông Đặng Nguyễn Khang (Interpol) khẳng định: "Hiện nay, việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn chưa chuẩn. Đến giờ phút này, không riêng gì các sĩ quan bảo vệ pháp luật mà tôi cho rằng hiện nay kể cả hải quan và công an đều có kiến thức rất hạn chế về sự đánh giá cổ vật nên việc huấn luyện phải thường xuyên hơn nữa. Ngoài việc nhận biết tài sản văn hóa cũng như giá trị của nó thì việc tổ chức ngăn chặn khi có tình huống đột xuất vẫn còn nhiều điều phải bàn".

Vừa qua, phát hiện gây choáng về quy mô di tích hoàng thành Thăng Long nơi quảng trường Ba Đình đã thu hút sự chú ý của công chúng. Từ sự chú ý đặc biệt đã dẫn đến các giải pháp bảo vệ tương ứng. Nhưng rải rác trên nhiều nơi ở VN là những di tích - có thể tồn tại lặng lẽ hơn - nhưng đối diện trước các nguy cơ không được quan tâm đúng mức.

Những biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật trái phép

- Xây dựng các văn bản pháp quy làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này- Đề nghị ngành công an thành lập tổ chuyên án để truy tìm các ổ trộm cắp, buôn bán cổ vật và lập hồ sơ truy tố trước pháp luật- Thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin giữa cơ quan văn hóa và cơ quan công an từ trung ương đến địa phương- Chính quyền địa phương mở rộng cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân về chấp hành pháp luật bảo vệ di sản văn hóa-Lập danh mục cổ vật tại các di tích- Có kế hoạch đầu tư khai quật khảo cổ học hàng năm nhằm đưa các di vật dưới lòng đất về bảo tàng; tăng cường các biện pháp tuyên truyền và bảo vệ di sản- Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ ngành bảo tồn, bảo tàng, công an, hải quan về nghiệp vụ giám định và quản lý tài sản văn hóa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên