01/09/2022 13:27 GMT+7

Văn học Việt và những cuộc đi tìm

NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY
NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY

TTO - Nghĩ đi nghĩ lại, nhà văn thì chẳng có gì ghê gớm cả. Ghê gớm và độc đáo không ai khác chính là bạn đọc. Không có độc giả thì làm sao có nhà văn? Nhà văn viết làm gì khi không có độc giả?

Văn học Việt và những cuộc đi tìm - Ảnh 1.

Sách tìm đường đến với bạn đọc quốc tế hay trong nước đều nhọc nhằn như nhau - Ảnh: BÌNH MINH

Ở Sài Gòn, từ mấy chục năm nay, tôi luôn cố gắng duy trì một nơi ở và một chỗ làm. Ấy vậy mà có nhiều khi cảm giác như mình chẳng biết đi đâu về đâu, cái trạng thái tâm lý ấy cứ lặp đi lặp lại từ hồi tuổi hai mươi cho tới tận bây giờ khi tôi đã là một gã trung niên U50.

Chỉ cần một cây bút với tờ giấy là có thể thành nhà văn" - câu nói nghe có vẻ thú vị này thực ra là sự ngộ nhận to bự. Bởi nghề văn không phải là nghề ít tốn kém, trái lại, nó là nghề tốn kém bậc nhất. Chi phí cho nghề văn là bao nhiêu? Là cả một cuộc đời.

Đi tìm bạn đọc

Tốn kém bao nhiêu cho nghề văn?

Những lúc "lật đường tàu" như thế, tôi thường làm gì? Tôi thường lang thang trong thành phố rồi cuối cùng chui vô một tiệm cà phê nào đó bất kỳ. 

Tôi ngồi xuống, kêu một ly cà phê đen nóng và bắt đầu viết. Thường là những ghi chép rời rạc trên sổ tay. Cũng có khi là viết tiếp những bản thảo dở dang trên laptop. 

Cứ như thế. Hình ảnh của tôi, một phần nào đó, có lẽ là phiên bản của các nhân vật Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (tựa một cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano). Do đó dù tôi có làm gì, ở đâu, huyên thuyên cỡ nào, bạn vẫn có cảm giác tôi trầm lặng, một mình.

Nhưng có hai lần tôi "lạc lối" thực sự, tôi chủ động cắt đứt cả hai đường ray (một nơi ở và một chỗ làm, như tôi nói ở trên). 

Đó là khoảng thời gian tôi thấy cần phải tập trung để hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết: Sự trở lại của vết xước và Hát. 

Nói như thế để mọi người thấy rằng nghề văn không bao giờ là dễ dàng, ngay cả với một người viết ít tham vọng như tôi. 

Chỉ riêng việc để có thể hoàn tất tác phẩm mà mình yêu thích, thậm chí bạn cần phải trả giá. Và nghề văn không giống như bao nghề khác. Nghề văn là một nghề ít tốn kém?

Người viết nhiều hơn người đọc?

Từ lâu tôi nhận ra một thực tế vừa oái ăm vừa khó nuốt thế này: Nhân loại này luôn kêu gào (hay giả bộ kêu gào) rằng họ cần những tác phẩm văn chương hay để đọc, họ sẵn sàng tôn vinh những giá trị văn chương đích thực. 

Bên cạnh đó, nhà văn cũng được gắn bao nhiêu là trách nhiệm với sứ mệnh lớn lao. Nhưng trong thực tế có mấy người coi trọng nhà văn đâu? 

Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, nhà văn thì chẳng có gì ghê gớm cả. Ghê gớm và độc đáo không ai khác chính là bạn đọc. Không có độc giả thì làm sao có nhà văn? Nhà văn viết làm gì khi không có độc giả?

Có một thực tế đáng quan tâm là trước đây lứa nhà văn không phải là quá "hot" như chúng tôi, mỗi cuốn sách ấn hành đợt đầu tiên cũng ở con số 2.000 bản và cứ thế tái bản lai rai. 

Nhưng bây giờ hầu như không còn nơi nào mặn mà với văn chương hư cấu nữa, và số lượng in rớt xuống thê thảm, chỉ chừng vài trăm bản cho một đầu sách. Trong khi độc giả ngày càng thưa thớt bao nhiêu thì tác giả ngày càng nhiều lên bấy nhiêu.

Theo như tôi biết, hiện nay có hơn 1.000 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ở Hội Nhà văn TP.HCM, con số hội viên hơn 400 người. 

Trong khi số lượng sách in ra chỉ chừng 1.000 bản là nhiều, đã thế số lần tái bản gần như là vô vọng. 

Chỉ chừng chục năm trở lại đây thôi mà đời sống văn chương đã thay đổi rất nhiều. Những thay đổi không ngờ. Có một cái gì đó hơi hài hước nhưng tôi cho là đúng thực tế, đó là "người viết đang nhiều hơn người đọc".

Thực tế này làm tôi chợt nhớ tới một truyện ngắn - Đi tìm độc giả - của nhà văn người Đức Heinrich Boll. 

Câu chuyện kể về W, một nhà văn được giới phê bình đánh giá rất cao. Nhưng sách của anh ta in ra bán chỉ được... vài chục cuốn. 

Không nản lòng, W tiếp tục viết. Khi cuốn sách thứ 3 của W ra đời thì bên cạnh sự ca ngợi không tiếc lời của giới phê bình, nhà xuất bản (NXB) mở một chiến dịch gọi là "Đi tìm độc giả". 

Họ phát các tờ rơi tại các nhà sách, hễ ai mua sách của W thì điền thông tin vào, rồi NXB sẽ kết nối với W. Toàn bộ chi phí do NXB tài trợ.

Cuối cùng, chiến dịch cũng có kết quả. Sau mấy tháng phát hành, sách của W cũng bán được... một cuốn. 

Độc giả là một giáo viên đang kỳ nghỉ hè, anh ta đang sẵn sàng lên tàu từ phương bắc đến phương nam để gặp nhà văn W. Họ cũng gặp nhau trong căn hộ bé nhỏ của W. 

Cuộc hội ngộ với nhiều cảm xúc. Độc giả khen nhà văn vĩ đại quá. Còn nhà văn khen độc giả... cực kỳ độc đáo và vô cùng phi thường. Rồi thì anh giáo viên - độc giả độc đáo thò từ trong người ra một... cái bản thảo.

Thì ra cái ông độc giả này cũng chính là tác giả. Mặc cho nhà văn W nài nỉ, anh giáo viên vẫn ngoan cố chìa bản thảo ra. Anh ta muốn làm một nhà văn hơn là một độc giả. Và như thế là sẵn sàng từ bỏ đi tính độc đáo lẫn lợi ích của mình.

Heinrich Boll viết truyện này vào tầm khoảng 1946 - 1950, bối cảnh nước Đức sau Thế chiến II, mà nay nghe chừng vẫn "mang tính thời sự" ở Việt Nam. Việc "truy lùng độc giả" cho văn chương đích thực vẫn là "đỏ con mắt". Hiếm hoi có một độc giả thực sự thì họ lại sẵn sàng đánh mất "tính độc đáo" của mình để làm một thứ có đầy rẫy, đó là... các nhà văn.

"Muốn nói thật thì phải đọc thật"

Nói cho đúng, nhà văn nên biết ơn các độc giả của mình. Không có những nhà văn thiên tài nếu không có những độc giả thiên tài. 

Nhưng vẫn phải nói lại. Cái mà nhà văn mang tới cho độc giả không chỉ ở câu chuyện và thông điệp, mà còn ở nghệ thuật ngôn từ. 

Cũng như một bài hát luôn có hai phần là nhạc và lời. Như điện ảnh, ngoài câu chuyện, nhân vật, lời thoại..., còn có phần cốt yếu là ngôn ngữ hình ảnh. 

Theo tôi, sở dĩ văn chương hôm nay mất đi sức hấp dẫn bởi ít có nhà văn tận tụy với chữ để có thể thành "phù thủy ngôn từ". 

Nghề văn muôn thuở là nghề thủ công, nhà văn như những thợ mộc hay thợ kim hoàn cặm cụi. Trong khi cuộc sống hôm nay quá vội vàng, ầm ầm, ào ào.

Gần đây, tôi hầu như không tặng sách và cũng ít khi nhận sách tặng. Tôi tình nguyện và lặng lẽ mua sách, cả các tác giả mình kính trọng lẫn tác giả mình không ưa hoặc không quen. Tôi muốn làm tốt "nhiệm vụ" của một bạn đọc, ít ra cũng bỏ tiền mua sách thật và đọc thật.

Bởi tôi cũng nhận ra một điều không ít phần cay đắng rằng thời nay cái sự đọc dối, đọc giả, đọc thù tạc... rất nhiều, nhất là trong giới phê bình. 

Cho nên nếu muốn biết tác phẩm đó hay dở thế nào, không có cách gì khác hơn là mình phải tự đọc lấy. 

Tôi nghĩ là bạn đọc đúng nghĩa, nếu không sử dụng phương pháp Giải cấu trúc (Deconstruction - do triết gia người Pháp Jacques Derrida khởi xướng), thì hãy đọc kiểu hồn nhiên. 

Tức mọi sự hay dở đều soi xét trên văn bản mà thôi. Đừng tin vào bất kỳ kẻ nào cả. Nhưng sự đời hồn nhiên là điều rất khó.

Những ai yêu thích Milan Kundera hẳn khó bỏ qua một truyện ngắn hài hước sâu cay Sẽ không ai cười. 

Truyện kể về một giáo sư trợ giảng - một nhà phê bình hội họa được một tác giả nhờ viết một bài. Đây là bài viết có tính chất quyết định, vì công trình của ông ta đã bị tạp chí kia chê, chưa chịu đăng. 

Nhà phê bình cũng nhận ra đó là một công trình tệ hại, nhưng thay vì nói thẳng, ông lại tìm cách lảng tránh, thậm chí ve vuốt. "Vì chẳng ai muốn có thêm kẻ thù". Thế là ông tác giả kia bu riết lấy nhà phê bình. Bao tình huống điên rồ, dở khóc dở cười xảy ra như những cú đổ domino.

"Anh có thể bịa ra đủ thứ trên đời, chơi xấu người khác, dựng lên đủ mọi thứ dấm dớ, làm đủ loại trò đùa, thì anh vẫn không hề có cảm giác mình là kẻ nói dối; những lời nói dối ấy, nếu em cứ nhất định gọi chúng là những lời nói dối, chính là anh, là con người của anh; với những lời nói dối đó, anh không che giấu điều gì hết, khi nói những lời nói dối đó thật ra là anh đang nói thật. Nhưng có những điều mà anh không thể nói dối được..." - đó là lời của nhân vật nhà phê bình trong truyện ngắn mà tôi nhắc ở trên.

Nhưng muốn nói thật thì phải đọc thật, phải hiểu tận chân tơ kẽ tóc vấn đề. Milan Kundera viết truyện ngắn này vào khoảng năm 1959 - 1968. 

Và Heinrich Boll viết Đi tìm độc giả còn trước đó nữa. Trên toàn thế giới và ở đây cũng vậy, từ xưa tới nay chúng ta vẫn đi tìm bạn đọc, bởi đơn giản không có bạn đọc thì cũng chẳng có nhà văn.

Người bền bỉ đưa văn học Việt đến Hàn Quốc Người bền bỉ đưa văn học Việt đến Hàn Quốc

TTO - Giáo sư Ahn Kyong Hwan từ lâu đã là cái tên quen thuộc với giới văn học Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.

NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên