Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM vừa quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với một bản án lao động của TAND tỉnh Long An với lý do bản án đã sai sót nghiêm trọng trong áp dụng căn cứ pháp luật trong xét xử vụ án lao động.
Vận dụng quy định "quyền ly hôn" để sửa án lao động
Theo nội dụng vụ án, ông Lê Hữu Tuấn (ngụ TP Tân An, tỉnh Long An) nguyên là giám đốc điều hành của Công ty cổ phần du lịch Bông Sen (trụ sở tại phường 1, TP Tân An).
Tháng 5-2015, công ty Bông Sen ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tuấn với lý do “hoạt động kinh doanh của công ty Bông Sen không thuận lợi, các vị trí công việc đã có nhân sự đầy đủ nên không có công việc mới thích hợp để bố trí ông Tuấn”.
Theo thông báo của công ty, từ khi nhận được thông báo ông Tuấn không cần đến công ty làm việc nữa nhưng vẫn được hưởng các chế độ đến đầu tháng 7-2015.
Đến ngày 2-7, Chủ tịch HĐQT công ty Bông Sen ký quyết định chính thức chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tuấn. Không đồng tình, ông Tuấn khởi kiện vụ án lao động trên ra tòa.
Ngày 28-1-2016, TAND TP Tân An tuyên bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tuấn, hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty Bông Sen.
Đồng thời, tòa cũng tuyên buộc công ty phải bồi thường cho ông Tuấn tiền lương những ngày ông không được làm việc tại công ty tính từ ngày chấm dứt hợp đồng đến thời điểm tuyên án.
Công ty Bông Sen đã kháng cáo bản án trên.
Ngày 26-4-2016, TAND tỉnh Long An ra bản án phúc thẩm, nhận định công ty Bông Sen chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tuấn là trái pháp luật.
Tuy nhiên, từ tháng 7-2015 ông Tuấn đã sang làm việc cho công ty khác nên căn cứ “vào khoản 1 Điều 42, Điều 305 Bộ luật dân sự sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của công ty Bông Sen”.
Bản án phúc thẩm chỉ buộc công ty Bông Sen trả cho ông Tuấn 2 tháng tiền lương theo quy định của luật lao động chứ không phải trả toàn bộ tiền lương tính từ thời điểm chấm dứt hợp đồng đến thời điểm bản án sơ thẩm đã tuyên.
Áp dụng pháp luật không phù hợp
Theo kháng nghị của Viện KSND nhân dân cấp cao TP.HCM, “khoản 1 Điều 42 Bộ luật dân sự năm 2005 là quy định về quyền ly hôn”. Do đó, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An viện dẫn điều khoản trên làm căn cứ để giải quyết vụ án lao động trong trường hợp này là đã áp dụng pháp luật không phù hợp.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm nhận định căn cứ để công ty Bông Sen ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là do thay đổi cơ cấu là không thỏa đáng, vì ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tuấn, công ty Bông Sen đã bổ nhiệm 2 người khác làm giám đốc và phó giám đốc.
Bên cạnh đó, bản án phúc thẩm cho rằng sau khi chấm dứt hợp đồng, ông Tuấn đã làm việc cho đơn vị khác nên không phải bồi thường là vận dụng luật chưa phù hợp.
Theo VKS, quy định “những ngày người lao động không được làm việc” là đối với mối quan hệ lao động trực tiếp phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chứ không phải mối quan hệ lao động mới phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động khác.
Do đó Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị toàn bộ bản án lao động phúc thẩm của TAND tỉnh Long An theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án của TAND tỉnh Long An trên để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Điều 42 Bộ luật Dân sự 2005: Quyền ly hôn Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận