06/05/2021 14:31 GMT+7

Vaccine dạng viên, xịt sắp thế chỗ vaccine tiêm trong cuộc chiến chống COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Thay vì vaccine đựng các ống thủy tinh và phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu, vaccine phòng COVID-19 trong tương lai sẽ là vaccine dạng viên đóng vỉ và dạng xịt mũi.

Vaccine dạng viên, xịt sắp thế chỗ vaccine tiêm trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 1.

Vaccine của Vaxart được nghiên cứu, phát triển dưới dạng viên nén. Ảnh: sciencenews.org

Theo Sean Tucker, nhà khoa học trưởng tại hãng dược Vaxart có trụ sở ở San Francisco, loại vaccine mà công ty đang nghiên cứu phát triển sẽ là thuốc dạng viên, giống như viên vitamin thông thường.

Hiện Vaxart đã hoàn thiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một, có kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai vào mùa hè và giai đoạn cuối vào cuối năm nay. Ông Tucker hy vọng, trong vòng một năm nữa, thuốc của công ty sẽ được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cấp phép khẩn cấp.

Số lượng các công ty dược đang nghiên cứu, phát triển vaccine dạng xịt và dạng uống ngừa COVID-19 còn khiêm tốn so với hàng chục công ty đang đổ nguồn lực vào loại vaccine tiêm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong 93 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng hiện nay, chỉ có hai loại dạng viên và bảy loại dạng xịt.

Trong cuộc khảo sát do Vaxart thực hiện và công bố hồi tuần trước, 23% người Mỹ được hỏi cho biết họ không muốn tiêm ngừa vaccine COVID-19. Nhưng có 33% nói rằng sẽ dùng vaccine dạng viên nếu sản phẩm này xuất hiện trên thị trường. Theo tính toán của Vaxart, vaccine dạng viên ra đời sẽ giúp có thêm 19 triệu người Mỹ được chủng ngừa, đủ để quốc gia này tiến đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Về hiệu quả ban đầu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một do Vaxart tiến hành cho thấy, mẫu do công ty nghiên cứu phát triển cho phản ứng miễn dịch tế bào CD8+ T cao hơn so với vaccine của Pfizer và Moderna, cũng như có miễn dịch rộng rãi trước SARS-CoV-2.

Cùng thời điểm, việc nghiên cứu, bào chế vaccine dạng xịt cũng có tiến triển. Công ty dược Altimmune có trụ sở ở Gaithersburg, bang Maryland (Mỹ), đang thử nghiệm mẫu vaccine xịt mũi một lần, có thể cất trữ trong nhiều tháng ở nhiệt độ phòng, một điểm hoàn toàn khác biệt so với vaccine tiêm của Pfizer-BioNTech hay Moderna vốn yêu cầu phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu.

Giống như Vaxart, Altimmune cho biết vaccine của công ty tạo miễn dịch mạnh trong thử nghiệm lâm sàng, thông qua việc kích thích miễn dịch niêm mạc ở vùng khoang mũi và đường hô hấp. Đây sẽ là cách thức tốt để ngăn chặn lây nhiễm, nhất là lây lan virus từ một người mắc bệnh sang một người khác – nhà khoa học trưởng Scot Roberts của Altimmune phát biểu trước giới đầu tư mới đây.

Để đưa sản phẩm ra thị trường, những công ty như Vaxart hay Altimmune cần phải thuyết phục được các nhà quản lý rằng, thế hệ mới của vaccine không tiêm có độ an toàn cao. Kế đến, đó là giải quyết vấn đề tâm lý của dân chúng. Bởi với hàng triệu người, việc uống viên vaccine hay xịt mũi có vẻ như không phải là một hình thức chủng ngừa thực sự.

'Khi nhắc đến vaccine trước công chúng, thứ mà ghim ngay vào tâm trí người dân chính là ống tiêm. Còn với những người như chúng tôi, số đã từng công tác trong lĩnh vực này hàng thập kỷ, thì đó là suy nghĩ lối mòn. Vaccine dạng viên và dạng xịt ít nhất có hiệu quả ngang bằng với vaccine dạng tiêm đang được sử dụng hiện nay', Michael Russell, giáo sư y sinh, miễn dịch và là chuyên gia hàng đầu về vaccine dạng xịt tại Đại học Buffalo (Mỹ) nêu quan điểm.

Số lượng được nghiên cứu, phát triển ít, nhưng một khi vaccine dạng viên và xịt này được cấp phép sử dụng, nó có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến chống COVID-19 vốn đã và đang đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào khó khăn. Phát biểu trước giới chức y tế tại một phiên hội thảo trực tuyến hồi tuần trước, bà Soumya Swaminathan, chuyên gia hàng đầu của WHO nhận định, vaccine dạng xịt và dạng viên là những thông tin tốt lành.

Nếu được đưa vào sử dụng, vaccine dạng viên và dạng xịt này có thể sẽ tạo ra những tác động tích cực ở những nước nghèo, đang phát triển, số có nhu cầu tiêm chủng cao, nhưng điều kiện phân phối vaccine dạng tiêm còn hạn chế. Hai mẫu vaccine này có thể giúp giải quyết nhiều vướng mắc về hậu cần: Chúng có thể được chuyển qua đường bưu điện, việc thực hiện dễ dàng hơn 20-30 lần so với tiêm ngừa, có thể chuyển đến những nơi thiếu thốn tủ trữ lạnh và không cần đến một chuyên viên y tế có bằng cấp, trình độ làm việc tiêm ngừa.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên