21/01/2015 08:33 GMT+7

​Ưu đãi đặc biệt cho ngành sản xuất chip

ĐÌNH DÂN thực hiện
ĐÌNH DÂN thực hiện

TT - Như Tuổi Trẻ ngày 20-1 thông tin lần đầu tiên những con chip do các kỹ sư trong nước nghiên cứu đã được ứng dụng thành công trên thị trường.

Phòng thí nghiệm của Trung tâm R&D, Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Đ.Dân
Phòng thí nghiệm của Trung tâm R&D, Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Đ.Dân

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là thương mại hóa những nghiên cứu sau bước thành công từ phòng thí nghiệm.

Ảnh: Đ.Dân
Ảnh: Đ.Dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng từ các nghiên cứu này sẽ tạo ra những thế hệ doanh nghiệp sản xuất vi mạch (chip) cho VN.  Ông Quân nói:

- Các dự án phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của chúng ta tuy trải qua thời gian chưa dài, nhưng đã có sản phẩm vi mạch đầu tiên được sản xuất và thương mại hóa.

Tôi cho rằng đây là sản phẩm mang trí tuệ của VN, không có quốc gia nào lại không khát khao nắm giữ các công nghệ sản xuất có trình độ công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn.

Và chip là một phần tử quan trọng của nền kinh tế, biểu tượng của trí tuệ và năng suất lao động cao nhất. Từ những thiết kế vi mạch cộng với những phần nhúng trở thành bộ não của các ngành công nghiệp hiện nay, kể cả trong đời sống dân dụng. Vì vậy việc phát triển ngành này sẽ tạo động lực để công nghiệp hóa đất nước.

* Thực tế hiện nay việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu vi mạch từ phòng thí nghiệm rất khó, vậy bộ đã có những chính sách nào để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu và sản xuất vi mạch?

Từ những thiết kế vi mạch cộng với những phần nhúng trở thành bộ não của các ngành công nghiệp hiện nay, kể cả trong đời sống dân dụng. Vì vậy việc phát triển ngành này sẽ tạo động lực để công nghiệp hóa đất nước
Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN

- Bộ Khoa học và công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020. Trong đó, công nghiệp điện tử và tự động hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Đồng thời Chính phủ cũng có ba chương trình quốc gia lớn về khoa học và công nghệ mà doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng được các ưu đãi, đó là chương trình sản phẩm quốc gia mà vi mạch là một trong chín sản phẩm của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai là chương trình đổi mới khoa học và công nghệ, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, trong đó có những DN sản xuất điện tử và vi mạch. Và thứ ba là chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao hỗ trợ các nhà khoa học có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, trong đó vi mạch chính là một sản phẩm của chương trình quốc gia công nghệ cao.

Trong mấy năm qua, bộ chúng tôi kiến nghị Chính phủ tập trung cho những dự án lớn để có thể tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá. Đầu tiên là sản phẩm giàn khoan tự nâng 90m nước của Tập đoàn Dầu khí quốc gia.

Tiếp đến là dự án sản xuất vi mạch của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC). Đây là dự án khoa học và công nghệ lớn nhất trong lịch sử khoa học và công nghệ VN vì với nguồn vốn đã đầu tư 124 tỉ đồng (6 triệu USD) lớn hơn cả vốn cho dự án giàn khoan tự nâng (118 tỉ đồng).

Với các chính sách đầu tư tập trung cộng chính sách ưu đãi đầu tư công nghệ, kỳ vọng ICDREC sẽ tạo ra nhiều DN khởi nghiệp để có thể thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình và chuyển giao vào sản xuất kinh doanh.

Tiêu thụ 20 tỉ chip mỗi năm

Theo khảo sát của ICDREC (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), mỗi năm thị trường VN tiêu thụ 20 tỉ chip các loại. Dự báo thời gian tới với việc cho vào hoạt động metro và một số thẻ điện tử khác sẽ nâng lượng nhu cầu sử dụng chip hằng năm tại thị trường này thêm 4 tỉ chip.

* DN có thể tận dụng những chính sách hỗ trợ nào để các sản phẩm này ra thị trường được tốt hơn?

- Thứ nhất là ngân sách nhà nước đầu tư tập trung cho những sản phẩm quốc gia đã được Chính phủ xác định. Vi mạch là một trong những sản phẩm như vậy.

Tiếp đến, Nhà nước ưu đãi về thuế khi các dự án đầu tư nghiên cứu thành công tạo ra những DN khởi nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh. Đây là các DN khoa học và công nghệ sẽ được ưu đãi cao nhất về thuế và nhiều chính sách tín dụng khác của Nhà nước.

Về thuế thu nhập, các DN này được miễn hoàn toàn bốn năm đầu, giảm một nửa trong chín năm tiếp theo và 10% trong suốt đời dự án. Được ưu đãi khi thuê đất tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Ưu tiên đầu tư cho dự án để thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như phát triển sản phẩm...

Với những chính sách ưu đãi như thế cộng với các cơ chế chính sách ưu đãi cho người làm khoa học, hi vọng sẽ có nhiều tổ chức, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học... tham gia các chương trình quốc gia này và cho ra đời những DN khởi nghiệp với những sản phẩm khoa học và công nghệ đột phá cho nền kinh tế.

* Đầu tư một dự án vi mạch đòi hỏi nguồn vốn rất lớn từ 200-300 triệu USD, đây là một trong những trở ngại chính của các DN Việt, phía cơ quan quản lý giải bài toán này như thế nào, thưa ông?

- Đầu tư vào ngành vi mạch là một đầu tư tốn kém. Khâu quan trọng nhất là thiết kế và chế thử. Chúng ta thuận tiện vì có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Nhưng khi ra tổ chức sản xuất trên quy mô công nghiệp thì DN tự đầu tư và đây là vướng mắc lớn nhất vì đa số DN VN nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế.

Vì vậy Nhà nước giai đoạn đầu sẽ hỗ trợ. Như TP.HCM giao Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, một tập đoàn kinh tế nhà nước, tham gia vào đây để tạo cơ sở vi mô đầu tiên của VN.

Chúng ta hiện nay mới hoàn thành được một bước là “design by VN” tức người VN thiết kế được vi mạch nhưng vẫn phải đặt hàng sản xuất ở bên ngoài. Vì vậy đang tiến tới một bước thứ hai là “made in VN” tức vi mạch có thể sản xuất được tại VN nhưng có thể là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng tiến tới “made by VN” tức vi mạch được sản xuất tại VN bằng người và DN VN. Khi chúng ta làm được điều đó thì ngành vi mạch VN mới thật sự bắt đầu.

Sự năng động của DN ở đây rất quan trọng, đặc biệt khi chúng ta gia nhập lớn. Chúng ta phải thực hiện cam kết, không thể bao cấp cho DN như trước. Nên ở đây Nhà nước chỉ hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng đổi mới khoa học và công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, còn đầu tư sản xuất thì DN phải tự làm.

ĐÌNH DÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên