13/09/2020 11:20 GMT+7

Út Năm: Không thể đi lùi

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - 18 tuổi đậu đại học, cùng lúc Út Năm bươn chải đủ nghề, từ giúp việc theo giờ, bán hàng đến dạy thêm, miễn sao có tiền đóng trọ.

Út Năm: Không thể đi lùi - Ảnh 1.

Từ những đồ dùng mà bố mẹ thường sử dụng, Nguyễn Thị Năm ấp ủ đam mê thiết kế - Ảnh: HÀ THANH

Bạn nên tạo thương hiệu cá nhân để nhiều người hiểu được năng lực của mình. Khi doanh nghiệp cần, sẽ tìm đến, đồng thời tiết kiệm thời gian đi tìm việc nhưng mình có thể có được công việc tốt nhất.

Nguyễn Thị Năm

Đôi vai oằn xuống, nhưng bạn vẫn quyết tâm vừa học vừa làm. Sau 5 năm, bạn đã "rinh" về tấm bằng thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc.

"Vào đời" sớm

Khi lễ tôn vinh 88 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện của thành phố Hà Nội vừa diễn ra, Út Năm tay giữ tấm bằng, mắt dõi ra ngoài cửa. Út Năm nói nhỏ: "Bố mẹ đang đến với mình".

Bạn bảo bố mẹ phải vượt hơn 150km từ Thanh Hóa ra thủ đô nhưng đường sá xa xôi, trời mưa lớn nên không kịp chứng kiến giây phút con gái đứng trên bục vinh danh. Út Năm là tên thường gọi của bạn Nguyễn Thị Năm (23 tuổi), sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Mãi đến khi kết thúc buổi lễ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sinh (69 tuổi) mới gặp được con. Giọng thều thào sau ca mổ thanh quản, ông Sinh cố nén xúc động: "Từ trước đến giờ họ hàng nào có một ai, nay gia đình rất tự hào vì có con học giỏi, đạt danh hiệu thủ khoa. Vợ chồng tôi ráng ra đây chung vui với cháu".

Trong khán phòng ngày hôm ấy, mọi người lặng đi trước tấm gương nghị lực của Năm. Bố là cựu chiến binh, mẹ là cựu thanh niên xung phong, sức khỏe cả hai đều yếu. Anh chị trong nhà đã lập gia đình nhưng kinh tế khó khăn, nên Năm trở thành lao động chính trong nhà. Những lúc muốn quỵ đi vì mệt, song nghĩ đến bố mẹ, Năm tự vực dậy chính mình.

"Bố mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng về kinh tế, mình phải tự sức đi học", cô gái nhỏ ngấn lệ khi nhắc đến bậc sinh thành. Bố Út Năm bị ung thư, mẹ lại biến chứng tiểu đường type 2, tròn 18 tuổi, bước vào ngôi trường mới cũng là lúc Năm phải làm đủ việc.

Bạn nhận giúp việc theo giờ, được 30.000 - 40.000 đồng/giờ tiền công, bán hàng ở siêu thị, bán đồ gốm, làm gia sư... rồi nhận thêm việc thiết kế đúng chuyên ngành, miễn sao có tiền trang trải cuộc sống.

Năm đầu tiên mải làm thêm, bạn chỉ đạt học lực khá. Sau đó, Năm phân bổ thời gian hợp lý giữa học và làm, chỉ nhận công việc không ảnh hưởng đến chuyện học.

"Đôi lúc mình căng thẳng, phải nằm viện vì quá sức. Nhưng nếu dừng lại thì đi lùi, nên cứ tiến về phía trước thôi", cô gái quả quyết.

Bí kíp của cô thủ khoa là tranh thủ làm luôn bài tập trên lớp, đi làm về sẽ dành khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ hoặc thức đêm để hoàn thành bài tập, không để tình trạng "ngập chìm" trong bài vở. Ngoài giờ đến lớp, bạn học hỏi từ bạn bè, những người giỏi hơn mình để hiểu sâu về chuyên ngành. Năm năm liền bạn đều nhận học bổng của trường, thêm học bổng từ doanh nghiệp, nhờ vậy mọi thứ chi tiêu cũng đỡ hơn.

Xây thương hiệu cá nhân

Út Năm cho biết đam mê thiết kế bắt nguồn từ chính ngôi nhà nhỏ, từ những đồ dùng mà bố mẹ thường sử dụng.

"Ở nhà bàn ghế có cái cao cái thấp, khi ngồi bố mẹ không thoải mái lắm, hay như chiếc máy xay sinh tố, nồi cơm điện... trong quá trình dùng cũng có thể gây nguy hiểm cho mình. Do vậy, mình mong muốn làm những sản phẩm phục vụ con người với nhiều tính năng và an toàn hơn", Út Năm ấp ủ. 

Cô nàng 9X đã giới thiệu bộ sưu tập "Một nửa cuộc sống", với nhiều thiết kế ấn tượng như ghế nghỉ cho người già, robot cắt cỏ, robot quản gia... Đặc biệt sản phẩm tốt nghiệp "bộ bàn ghế ăn" của Năm đang được lưu giữ và sẽ tham gia triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc.

"Bộ bàn ghế ăn là món quà mình dành tặng cho bố mẹ. Nhà của mình khá nhỏ lại hay tập trung đông anh em. Khi sử dụng bộ bàn ghế này có thể ngồi từ 6 - 8 người khá thoải mái gắn liền với nhiều tính năng", Năm chia sẻ.

Trong nhiều cuộc thi, triển lãm, cô bạn giành kha khá giải thưởng như "Hợp tác triển lãm nghệ thuật và thiết kế quốc tế KMUTN 2018" (Thái Lan), giấy khen "Sinh viên giỏi - hệ đào tạo chính quy", giải nhì cuộc thi sáng tác apphich "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của trường.

Năm 2019 dù chưa tốt nghiệp, Năm nhận được lời mời làm việc cho một đơn vị thiết kế đồ nội thất, đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống con người.

Năm "bật mí", thực ra bạn không cầm hồ sơ đi xin việc theo cách thông thường như nhiều bạn trẻ khác mà tự tạo thông tin cá nhân (tương tự CV) trên một trang thiết kế. Nhờ vậy doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin về ứng viên và tuyển dụng nhanh chóng.

"Ngành nào cũng vậy, bạn nên tạo thương hiệu cá nhân để nhiều người có thể hiểu được năng lực của mình. Khi doanh nghiệp cần, sẽ tìm đến, đồng thời tiết kiệm thời gian đi tìm việc nhưng mình có thể có được công việc tốt nhất", Năm hào hứng nói.

Mở trung tâm hội họa cho trẻ em

Với thành tích học tập ấn tượng, Nguyễn Thị Năm là một trong 88 thủ khoa đầu ra xuất sắc được vinh danh vào sổ vàng truyền thống của thủ đô năm 2020. Năm mơ ước sẽ cùng những người bạn mở một trung tâm mỹ thuật dành cho trẻ em có đam mê hội họa, đồng thời tích cực trau dồi tiếng Anh để săn học bổng.

Nữ sinh khởi nghiệp với sen đá bằng đất sét, cho Nữ sinh khởi nghiệp với sen đá bằng đất sét, cho 'tuổi thọ' 10 năm

TTO - Từng kinh doanh sen đá online, nhận thấy việc chăm sóc có nhiều khó khăn và cây dễ chết, Nguyễn Thị Mỹ Dung (trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với loại sen đá được nặn từ đất sét.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên