15/09/2009 04:01 GMT+7

"Uống thuốc" qua miếng băng dán

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)

TT - Hiện nay có loại thuốc dạng băng dán lên da (còn được gọi là cao dán) nhằm trị hoặc phòng bệnh. Tuy nhiên, thuốc ở dạng này có hai loại cho hai tác dụng.

bObxCKvA.jpgPhóng to
Sử dụng miếng dán điều trị đau cổ - Ảnh: N.C.T.

- Loại dán lên da cho tác dụng tại chỗ (như cao dán Salonpas) chỉ có tác dụng giảm đau ở vùng dán.

- Loại dán lên da nhưng cho tác dụng toàn thân (không khác gì thuốc uống hay tiêm) kiểu như dán thuốc lên da ở ngực nhưng trị được đau thắt ngực, phòng nhồi máu cơ tim.

Người dùng thuốc rất cần biết miếng băng dán thuộc loại nào để có sự thận trọng đúng mực.

Miếng băng dán lên da nhưng dược chất sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu và cho tác dụng toàn thân được gọi là hệ điều trị xuyên da (transdermal therapeutic system, viết tắt là TTS).

Lầm tưởng băng dán

Không phải bất cứ dược chất nào cũng có thể bào chế ở dạng băng dán xuyên da. Ví dụ, một chế phẩm có tên Silicon Syprex Scar Sheet được giới thiệu là miếng băng dán lên vết sẹo có khả năng làm đầy sẹo lõm hoặc cải thiện sẹo lồi.

Nhiều người lầm tưởng chế phẩm vừa kể là loại băng dán xuyên da cho tác dụng toàn thân, tức dược chất vào máu rồi đến sẹo làm đầy sẹo. Trong khi chế phẩm chỉ chứa silicon cho tác dụng tại chỗ, và cơ chế làm đầy sẹo thì chính nhà sản xuất cũng ghi nhận chưa được biết rõ. Không biết rõ chế phẩm có khi tiền mất tật mang...

Như vậy, dù đường dùng thuốc có khác nhưng dạng băng dán xuyên da cho tác dụng không khác thuốc uống hay thuốc tiêm mà lại có các ưu điểm: không gây tai biến và bất tiện như dạng thuốc tiêm; không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hóa bởi gan như dạng thuốc uống; có thể cung cấp dược chất một cách liên tục không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày; nếu cần ngưng ngay sự điều trị chỉ cần bóc miếng băng dán ra khỏi da...

Do có nhiều ưu điểm nên băng dán xuyên da được dùng điều trị nhiều bệnh lý: Nitroderm TTS chứa trinitrin dùng trị đau thắt ngực, phòng nhồi máu cơ tim, Scopoderm TTS chứa scopolamin dùng phòng chống say tàu xe, Estraderm TTS chứa estrogen dùng trị rối loạn mãn kinh do thiếu hormon sinh dục nữ, Fetanyl TTS chứa fetanyl dùng trị đau nhức nặng như đau ung thư giai đoạn cuối, Nicoderm TTS chứa nicotin dùng cai hút thuốc lá...

Do băng dán xuyên da là dạng thuốc cho tác dụng toàn thân nên phải thận trọng khi dùng và lưu ý những điều sau:

- Dán đúng vị trí theo hướng dẫn. Như dán Nitroderm TTS vào vùng da trước ngực, dán Scopoderm TTS phòng say tàu xe vào vùng da khô sau tai bốn giờ trước khi lên xe.

- Việc dùng miếng băng dán loại nào, thời điểm dán, dán trong thời gian bao lâu hoàn toàn do bác sĩ điều trị quyết định. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dạng loại phóng thích 5mg hoạt chất nhưng có khi phải dùng loại phóng thích 10mg trong 24 giờ... Người dùng thuốc không nên tùy tiện dùng theo ý mình.

- Dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ. Như Fentanyl TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp hoặc Scopoderm TTS chứa dược chất chống co thắt, chống nôn đồng thời có thể gây tác dụng phụ liệt đối giao cảm là làm khô miệng, táo bón, rối loạn điều tiết mắt...

Trường hợp bị tác dụng phụ phải ngưng ngay điều trị bằng cách bóc băng dán khỏi da, nếu đang dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết.

- Có một số loại băng dán trong khi dán vẫn có thể tắm rửa nhưng không được chà xát chỗ dán bằng xà phòng.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên