Bà N.T.N. phát hiện bệnh đái tháo đường đã hơn một năm. Đường huyết của bà trong năm qua được giữ ổn định nhờ ăn kiêng, tập thể dục đều đặn và uống một loại thuốc hạ đường huyết. Khoảng hai tháng nay đường huyết của bà trở nên khó kiểm soát, khát nhiều, tiểu thường xuyên và sụt cân, người rất mỏi mệt, kết quả thử đường huyết 420mg/dL. Sau vài ngày nằm viện, sức khỏe của bà và mức đường huyết trở về mức bình thường.
Sở dĩ đường huyết của bà N.T.N. tăng cao là do mỗi ngày uống thêm ba ly sữa, tương đương 600Kcal. Đây là phần năng lượng dư thừa ngoài mức các bác sĩ thiết lập cho bà trước đó.
Nguyên nhân do bà hiểu nhầm người đái tháo đường khi uống loại sữa dành riêng cho mình sẽ tốt hơn, đồng thời nhà sản xuất khuyên có thể uống đến ba ly sữa mỗi ngày. Sự nhầm lẫn của bà N.T.N. rất hay gặp ở người đái tháo đường, người bệnh tha hồ uống sữa dành riêng cho mình dẫn đến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn. Đây là một thực tế mà người bệnh đái tháo đường cần lưu ý.
Bệnh nhân đái tháo đường vẫn có thể uống được sữa và dùng các thực phẩm chế biến từ sữa. Tuy nhiên nên dùng những loại sữa không đường, ít hay không béo, hay các loại sữa được chế biến đặc biệt cho bệnh nhân đái tháo đường.
Sữa dành riêng cho người đái tháo đường cũng có rất nhiều loại và của nhiều hãng khác nhau. Ngoài các chất bột đường, đạm và chất béo được thiết lập với tỉ lệ gần giống bữa ăn của người đái tháo đường, còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất, axít béo không no một nối đôi tốt cho hệ tim mạch, các chất xơ giúp tiêu hóa dễ hơn.
Người đái tháo đường có thể dùng các loại sữa này để bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn bữa ăn. Vì sữa cũng là một phần của chế độ ăn nên người đái tháo đường phải tính toán sao cho hài hòa, đừng để vượt quá mức nhu cầu năng lượng mỗi ngày đã được bác sĩ thiết lập cho mình. Nếu ăn uống được thì không cần uống thêm sữa, nếu muốn uống một ly sữa mỗi ngày (200ml nước pha sáu muỗng sữa bột) phải bớt lại khẩu phần ăn tương đương 200Kcal cho ngày hôm đó. Ngược lại nếu vì bệnh hoặc những hôm ăn không ngon miệng, người đái tháo đường có thể uống nhiều sữa hơn để bù lại lượng ăn thiếu hụt.
Ngoài ra, ăn một hũ sữa chua không đường trước bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thu chất bột đường và ít làm tăng đường huyết sau ăn. Nên bỏ hẳn thói quen uống sữa trước khi đi ngủ. Có thể uống sữa vào buổi sáng hay buổi trưa. Vào những ngày mệt mỏi hay bị bệnh có thể dùng những loại sữa đóng hộp thay thế bữa ăn với năng lượng tương đương. Ngoài ra có thể ăn cháo, mì, hay bánh mì rẻ tiền và dễ kiếm hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận