Lam Chiều cùng người mẹ bệnh tật triền miên trong căn nhà xóa đói giảm nghèo - Ảnh: HẠNH NGUYỄN |
Sinh ra trong một gia đình nhỏ thuộc diện nghèo nhất xã, cuộc sống càng thêm bất hạnh khi sớm mồ côi cha từ nhỏ.
Theo chân cán bộ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đến thăm gia đình em Lý Lam Chiều (12 tuổi, học sinh lớp 6 trường THCS Đông Thành).
Trong căn nhà tường gạch tình nghĩa xóa đói giảm nghèo đang dần xuống cấp, mái nhà thủng lổ chổ nhìn thấu trời, Lam Chiều hồn nhiên líu lo: “Mẹ bệnh dữ lắm chú ạ! Đi học về là cháu nấu cơm, đồ ăn cho em. Tối đến thì học bài, chép bài rồi chỉ em học…”.
Bà Huỳnh Thị Ánh Nguyệt - cán bộ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em xã Đông Thành kể lại: "cháu Lam Chiều từ khi mới sinh ra thì cha đã qua đời. Mẹ em hiện bị bệnh nhiễm trùng mật nặng do sỏi áp xe gan phải nằm bệnh viện theo dõi sát sao. Lam Chiều phải sống với bà ngoại 80 tuổi bị bệnh tim nằm liệt giường. Mọi chuyện ăn học Lam Chiều phải tự lo lấy và trông chờ vào tình làng, nghĩa xóm giúp đỡ."
Bà Nguyệt cho biết thêm: “Chỉ mới vài ngày nay thôi, trong lúc mẹ các cháu nằm bệnh viện, tôi có vào thăm gia đình cháu thì cũng là lúc bà ngoại cháu qua đời. Hai chị em Lam Chiều còn quá nhỏ nên hàng xóm và cán bộ địa phương phải túc trực phụ giúp lo ma chay. Mẹ Lam Chiều hay tin chạy đôn chạy đáo xin bác sĩ cho về, nhưng bị từ chối do bệnh tình quá nặng. Đến nỗi cán bộ hội phụ nữ phải sang tận nơi xin cho mẹ cháu về nhà. Mặc dù gia cảnh thuộc hộ nghèo nhưng Lam Chiều là học sinh giỏi suốt 6 năm liền”.
Lam Chiều còn có một đứa em trai tên Lý Gia Tường (10 tuổi), nhưng nhà chỉ có mỗi 1 chiếc xe đạp cũ kỹ. Ngoài việc học ở lớp, Lam Chiều còn phải quán xuyến chuyện nhà, nên cậu em đành phải cuốc bộ quản đường xa đến trường. Mọi thu nhập chính trong gia đình phụ thuộc vào việc bán rau của người mẹ. Thế nhưng, bây giờ người mẹ bị bệnh nặng không thể làm ra tiền khiến hai chị em đứng trước nguy cơ buộc phải bỏ học.
Ánh mắt đầy vẻ thơ ngây, nhưng cô bé tỏ ra khá lanh lợi, Lam Chiều cho biết, mẹ bệnh nằm viện hai chị em sống với bà ngoại ở nhà. Đến khi bà mất, hai đứa trẻ rơi vào cảnh bơ vơ.
Khi được hỏi về bí quyết học giỏi trong khi phải đảm đang việc nhà, Lam Chiều tiết lộ: “Lên lớp con chỉ cần lắng nghe thầy cô giảng, về nhà chỉ cần làm bài tập, chép bài đầy đủ và thường xuyên. Con cũng chỉ em con học như vậy. Còn nấu ăn, con thấy mẹ làm con bắt chước làm theo. Cứ mỗi tối, ăn cơm xong là con học bài, vậy sẽ thành học sinh giỏi”.
Thân hình gầy gò, suy kiệt, khuôn mặt xanh xao đầy nỗi khắc khổ do bệnh tật hoành hành triền miên, bà Lý Thị Lượng (43 tuổi, mẹ Lam Chiều) tâm sự: “Giờ bệnh nặng quá rồi, phải nằm viện chờ mổ. Bác sĩ nói phải mổ nhưng mổ bao nhiêu tiền tôi chưa biết. Giờ lo cho hai đứa nó quá, tôi mà không qua khỏi không biết tụi nhỏ sẽ ra sao”, nói đến đây bà Lượng rơm rớm nước mắt. Bà giải bày: "Cũng vì chồng mất quá sớm mà hai con phải mang họ của mẹ".
Ông Thạch Hùng (40 tuổi, hàng xóm của Lam Chiều) cho biết: “Thấy tụi nhỏ nghèo khó quá chúng tôi cũng chỉ giúp được miếng thịt, bó rau, lon gạo. Hoàn cảnh như vậy tụi nhỏ sao mà học hành cho nổi, tương lai tụi nó sao mà mù mịt quá”.
Trong căn nhà trống huơ, trống hoác, chẳng có thứ gì lấy làm quý giá, dĩ nhiên, chiếc bàn chiếc ghế để những đứa trẻ ngồi học cũng chẳng có. Được hỏi, Lam Chiều bối rối chạy ra ngoài hiên nhà mang vào chiếc đòn tự chế từ 3 miếng gỗ “khoe” đó là chiếc bàn học tập của hai chị em.
Lam Chiều chạy một mạch vào buồng lấy ra chiếc cặp cũ, sách vở tươm tất, viết thì được cắm cùng bàn chải đánh răng, hồn nhiên kể: “Lúc bà ngoại còn sống nằm trên giường thì con ngồi học dưới đất, giờ bà mất con ngồi trên giường. Con học vậy đó chú…”
Nói về ước mơ của mình, Lam Chiều chia sẻ em chỉ mong mẹ mau chóng hết bệnh để về hái rau bán kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học. “Ước mơ của con là sau này sẽ làm cô giáo, hoặc bác sĩ để chữa bệnh cho những người bị bệnh giống mẹ” - Lam Chiều nói.
Bà Phạm Thị Kim Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A4 của Lam Chiều chia sẻ: Em là một trong những học sinh chịu khó. “Lam Chiều là học sinh giỏi, xuất sắc của trường. Trong năm học tới đây, tôi rất mong cả hai chị em sẽ có điều kiện tiếp tục đến trường”, cô Hồng cho biết.
Chiếc xe đạp cũ kỹ là đôi chân giúp Lam Chiều hàng ngày tới trường, đi chợ lo chuyện bếp núc - Ảnh: HẠNH NGUYỄN |
Bàn học tập tự chế của Lam Chiều - Ảnh: HẠNH NGUYỄN |
Căn nhà của Lam Chiều giờ cũng đã xuống cấp, nhìn thấu trời xanh - Ảnh: HẠNH NGUYỄN |
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất để phần nào chia sẻ khó khăn với các em. Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận