10/12/2013 12:07 GMT+7

Ước mơ nơi đầu nguồn Thu Bồn

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Len mình dưới chân những dãy núi cao ở xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) thuộc hệ núi Ngọc Linh với đỉnh cao 2.598m, sông Tranh chính là thượng nguồn của dòng Thu Bồn.

Kỳ 4: Vươn lên sóng nướcKỳ 1: Cảng thị của "con đường tơ lụa trên biển"Kỳ 2: Kinh đô lụa làKỳ 3: Lễ hội dòng sông

yckHNc57.jpgPhóng to
Chị Hồ Thị Hiến vui bên những thửa ruộng bậc thang sắp gặt ở làng Long Túc 3 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Tên sông Tranh được gọi từ điểm xuất phát này đến đầu địa phận xã Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức) thuộc vùng trung nguồn thì được thay vào tên Thu Bồn. Với dòng chảy dài gần 250km, chuyện về Thu Bồn không thể thiếu những câu chuyện nơi đầu nguồn...

Đồng xanh bên núi thẳm

Do có phần chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu Tây nguyên, cuối mùa hè vẫn còn những cơn mưa chiều đổ xuống đất Trà Nam. Chuẩn bị cho mùa gặt mới, cư dân Xơ Đăng ở thôn 5 xã Trà Nam đã làm lại những nhà chứa thóc nằm rải rác bên đồng ruộng. Không ai ngờ dưới những ngọn núi cao chạm mây, bên con nước thượng nguồn chảy gấp, địa hình rất đỗi hiểm trở lại là nơi trải dài những đồng ruộng bậc thang cao sản.

“Đầu nguồn con sông Tranh chảy dọc theo đất thôn 5 của mình. Mang Lanh, Tông Đế là hai làng ở bên đầu nguồn sông Tranh. Từ làng mình đi chừng buổi đường là đến núi Ngok Ôi của xã Ngọc Yêu thuộc huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum, đó là nơi bắt đầu của sông Tranh...”, ông Nguyễn Thanh Đề (63 tuổi) - cựu bí thư đảng ủy xã Trà Nam, cư dân làng Tông Đế - giải thích.

Theo ông Đề, đoạn sông Tranh chảy qua thôn 5, xã Trà Nam được lớp tiền bối ở đây gọi là sông Tăk Ka Đi, đến thời chống Mỹ mới được cư dân gọi quen là sông Tranh.

Người Xơ Đăng là cư dân chính ở Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang - ba xã thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nằm ở sườn Đông Ngọc Linh giáp giới với tỉnh Kon Tum. Họ chỉ mới từ vùng núi Ngọc Linh của Kon Tum đến khai khẩn đất này để sinh sống từ trước năm 1945.

PpLfHx02.jpgPhóng to
Cầu 14 - cây cầu cuối cùng bắc qua đầu nguồn sông Tranh của đường Nam Quảng Nam. Từ đây con đường hướng về dãy núi cao phía trước chừng 15km là đến địa phận Kon Tum - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Đất đai ở quê cũ bên Kon Tum chật, không màu mỡ. Rồi thì nạn bắt làm xâu, vì sự hà khắc của quan Pháp, của các cai tổng người Kinh nên một ít người Xơ Đăng mới lần sang ở đây. Thấy làm ăn được, kẻ trước rủ người sau, dần dần ba xã này đều có người Xơ Đăng mình đến ở...”, ông Đề - người được coi là vị già làng của cả xã Trà Nam - kể.

Giỏi khai vỡ, tạo lập ruộng bậc thang chẳng kém cư dân vùng Tây Bắc, người Xơ Đăng ở Trà Nam đã biến những vùng đất vốn là rẫy nương khô khốc thành đồng ruộng nước màu mỡ. Họ đào mương, đặt ống dẫn nước từ sông Tranh, từ các khe nhỏ đưa vào ruộng. Hễ có đất hoang, rừng cây nhỏ là họ biến thành ruộng nước.

Giữ được giống lúa địa phương, chọn lọc thêm những giống mới thích hợp, chăm ruộng lúa hết mình, gần ba chục năm nay cư dân nơi thăm thẳm rừng sâu này đã có đủ được hạt thóc ăn từ những cánh đồng bậc thang đầy ấn tượng. Giữ rừng tốt, giảm tối đa việc đốt rừng lấy đất làm rẫy để giữ nguồn nước và tăng chất hữu cơ tự nhiên cho đồng ruộng, tuyệt đối không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, hạt thóc từ những cánh đồng ruộng nước của cư dân trong vùng đúng là “thóc sạch”.

Khai vỡ được nhiều ruộng nương, theo cư dân, cũng chính từ rất sớm những “di dân” nơi đầu nguồn con nước lớn này biết được nghề rèn mà trước đó họ chỉ toàn cậy vào vùng đồng bằng với đầy áp lực về giá cả, đường vận chuyển.

Con đường mới

Khó nói hết nỗi vui của người dân các làng Long Túc 1, 2, 3 (xã Trà Nam) bên con đường mới được mở dài chừng 4km nối thông các làng này với đường Nam Quảng Nam - một tuyến quốc lộ nối bờ biển Tam Thanh - TP Tam Kỳ, Quảng Nam (và các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất) với cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum).

“Chuyện có con đường như thế này dân mình không ai tưởng tượng được”, anh Đinh Thành Gương (32 tuổi) nói trong lễ mừng nhà mới khi dời nhà từ chân núi ra bên con đường mới ở làng Long Túc 2.

9mh40C5l.jpgPhóng to
Dân làng Tông Đế - một trong những ngôi làng nơi đầu nguồn sông Tranh - tắm giặt ở bến nước sông Tranh kề làng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Các làng Long Túc 1, 2, 3, Long Riu, Tu Rô, Tông Đế, Mang Lanh dọc đầu nguồn sông Tranh - tức đầu nguồn Thu Bồn - được coi là nơi hẻo hút nhất ở vùng Trường Sơn Nam Trà My. “Lo như đi Long Túc, Mang Lanh”, câu cửa miệng của những giáo viên các trường tiểu học, THCS Trà Nam mỗi lần từ trường xã đến “cắm bản” dạy học ở những bản làng này bởi họ phải băng rừng vượt dốc từ trường xã đến đó trọn một ngày!

Có đường mới lại có thêm trường mới. Ngôi trường cũ là phân hiệu của chung hai cấp tiểu học, THCS Trà Nam ở làng Long Túc 3 vốn tuềnh toàng nay được xây theo chuẩn hiện đại. Về ngôi trường mới cũng là câu chuyện đầy cảm kích với các giáo viên và người dân nơi đầu nguồn Thu Bồn.

“Buổi sáng hôm ấy trực thăng chở bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đáp xuống bên ngôi trường cũ. Ông bí thư tuyên bố tặng cho địa phương một ngôi trường mới với kinh phí 10 tỉ đồng. Thấy dân đến đón mình, cảm động, ông hỏi số nhân khẩu toàn xã và tặng mỗi khẩu 50.000 đồng. Còn giáo viên ở Trà Nam mỗi người được tặng 1 triệu đồng. Thiếu tiền vì số nhân khẩu đông, ông phải mượn tiền túi của những nhân viên đi theo ông để cho đủ số... ”, thầy Nguyễn Năm, hiệu trường trường Tiểu học Trà Nam, kể.

B46NBb2i.jpgPhóng to
Làng Tông Đế. Dãy núi cao phía trên làng có tên Ngok R’Took là nơi phát ra nguồn sông Tranh - đầu nguồn dòng Thu Bồn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Trên cầu 14 - cây cầu cuối cùng nơi đầu nguồn sông Tranh trên đường Nam Quảng Nam, mỗi ngày người làng Mang Nua bên cầu vẫn cứ ngỡ ngàng nhìn cây cầu như một phép lạ phá thế ách tắc cho họ nơi đại ngàn thâm u dù cây cầu làm xong gần một năm nay.

Những trai tráng ở các làng Mang Liệt 3, Tăk Ta - những làng của Trà Nam giáp xã Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - cưỡi xe máy qua cầu 14 bắt đầu cuộc “hạ sơn” xuống Tăk Pỏ nói thị tứ huyện lỵ này với họ giờ gần gũi như đi từ nhà đến rẫy bởi mới cách đây vài năm họ phải đi hơn một ngày đường mới đến được Tăk Pỏ.

Cũng là con đường mới trong tận cùng mơ ước của người dân các xã Trà Linh, Trà Cang. Dọc theo dòng Nước Nà - dòng sông nhỏ bắt nguồn từ những dãy núi cao của đất sâm Ngọc Linh là Trà Linh, Trà Cang, những con đường phá vỡ sự heo hút xa xôi của vùng biên địa này cũng đang được xây dựng.

Với xã Trà Cang, Trà Don thật ấn tượng, dọc theo một quãng dài của sông Tranh là hai con đường áp sát hai bên: đường Nam Quảng Nam ở bờ hữu và đường Trà Cang - Tăk Pỏ ở bờ tả.

Có con đường là có tất cả. Nhiều người đã nói thế. Với cư dân vùng đầu nguồn Thu Bồn, cái có được lớn lao nhất với họ là nối thông được với bên ngoài sau ngàn năm cách trở bởi núi cao rừng rậm. Như con nước luôn chảy, luôn hướng dòng tới phía trước, những cư dân nơi đầu nguồn thâm u sẽ vươn tới những ước mơ ngày càng được họ nghĩ đến.
HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên