30/06/2016 14:20 GMT+7

Ước mơ của 4 cô gái mồ côi

NG.LINH -  NH.LINH - M.TÂM
NG.LINH - NH.LINH - M.TÂM

TTO - Mồ côi cả cha lẫn mẹ, ba cô gái xứ Huế (cùng là học sinh Trường THPT Đặng Huy Trứ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) và một cô gái Vĩnh Long đang nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 sắp tới.

Nguyễn Thị Hằng - Ảnh: N.LINH
Nguyễn Thị Hằng - Ảnh: N.LINH

 

Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, bốn cô gái đều đang nuôi dưỡng những ước mơ thật đẹp: trở thành nhân viên kiểm toán, phiên dịch viên, nhà kinh doanh... để có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

“Em phải đỗ vào ngành kiểm toán!”

Nguyễn Thị Hằng (học sinh lớp 12B9) đang ở nhờ nhà người cậu ruột tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Hiện tại, Hằng vừa giữ em nhỏ 4 tuổi vừa làm việc nhà và tranh thủ ôn thi. 

Hằng kể nhà em ở huyện miền núi A Lưới. Tuổi thơ của Hằng là những tháng ngày đau buồn, côi cút, cơ cực. Chưa đầy 1 tuổi, Hằng đã đội tang cha. Vừa vào học lớp 2, tai họa lại giáng xuống cuộc đời em. Mẹ của Hằng đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại một mình Hằng bơ vơ giữa cuộc đời. Hằng được ông bà ngoại già yếu đưa về nuôi, bữa no bữa đói. Nuôi cháu được năm năm thì ông bà ngoại bất lực, không còn đủ sức nuôi Hằng ăn học.

“Thấy cháu côi cút, ham học hỏi mà ông mệ già không thể kham nổi nên tôi đón cháu về nuôi, cho cháu ăn học” - chị Phan Thị Hạnh, dì ruột Hằng, kể lại. Và từ lớp 6 đến lớp 12, sau khi cha mẹ mất, Hằng “xuống núi” ở nhờ nhà cậu, nhà dì để học chữ.

Cuộc sống khốn khó nhưng trong Hằng luôn cháy bỏng khát khao được cắp sách đến trường, em luôn nỗ lực học tập, đạt học sinh khá giỏi. Hằng tâm sự có lúc em buồn và bế tắc, nhưng suy nghĩ đó qua nhanh khi em nghĩ đến việc mình phải phấn đấu để trở thành sinh viên, bước vào giảng đường đại học. Ước mơ của Hằng là đỗ vào ngành kiểm toán của Trường ĐH Kinh tế Huế.

“Em hiện sống nhờ nhà cậu, nhà dì, do đó không có nơi để thờ cha mẹ. Ba em thì bên nội thờ, mẹ em thì nhà ngoại thờ. Giờ em cố gắng học thật tốt để sau này có được việc làm, có tiền em sẽ xây một căn nhà nhỏ để đón bát hương cha mẹ về thờ cúng” - Hằng chia sẻ.

“Em thích kinh doanh lắm!”

Lê Thị Lan Hương - Ảnh: N.LINH
Lê Thị Lan Hương - Ảnh: N.LINH

Lê Thị Lan Hương (học sinh lớp 12A2) đội tang mẹ khi chưa đầy 5 tuổi. Năm 2003, Hương thoát chết kỳ diệu trong một vụ tai nạn giao thông, nhưng mẹ em mãi mãi ra đi. Năm học lớp 10, Hương tiếp tục mất cha vì bạo bệnh. Mất cha mẹ, cuộc sống của hai chị em Hương trở nên khốn khó.

Gia đình Hương thuộc diện hộ nghèo ở thị trấn Tứ Hạ, Thừa Thiên - Huế. Hương sống nhờ vào đồng lương dạy hợp đồng ít ỏi 1,5 triệu đồng/tháng của chị gái Lê Thị Thùy Dung. Để có tiền đi học, hai chị em Hương phải vay nợ ngân hàng gần 40 triệu đồng, sống đắp đổi qua ngày để đến trường.

Vừa ra trường, Thùy Dung nhận dạy hợp đồng cho Trường THCS Hàm Nghi (TP Huế) rồi đi dạy thêm để kiếm tiền trả nợ và nuôi em gái ăn học.

Tìm về tổ dân phố 2, thị trấn Hương Trà, chúng tôi gặp Lan Hương đang tích cực ôn bài để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Lan Hương cho biết em thích kinh doanh nên dự định thi vào Trường ĐH Kinh tế Huế. Hương chia sẻ: “Nếu đỗ đại học, em sẽ kiếm việc đi làm thêm để theo học. Em sẽ làm bất cứ việc gì dù có khó khăn để thực hiện ước mơ của mình”.

“Em muốn trở thành một phiên dịch viên”

Trần Thị Như Ý - Ảnh: N.LINH
Trần Thị Như Ý - Ảnh: N.LINH

Trần Thị Như Ý (học sinh lớp 12B10) mất cha từ năm lên 9 tuổi. Ba năm sau, mẹ cũng bỏ em mà đi do bị bệnh tim. Hiện Như Ý sống với hai người anh trai trong căn nhà nhỏ ở thôn Phú Ổ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

Như Ý cho biết cha mẹ mất sớm, nhà nghèo nên hai người anh trai học hết lớp 9 phải bỏ học, đi làm thuê để nuôi em gái ăn học. Thấy hai anh quá cực khổ vì mình nên Như Ý cố gắng học hết mình.

Thầy giáo Trần Hưng Ba, giáo viên chủ nhiệm của Ý, luôn ngợi khen tấm gương vượt khó của cô học trò mồ côi: “Như Ý có nghị lực lớn vượt qua nghịch cảnh, học tốt, luôn là lớp phó học tập gương mẫu, đầy khát vọng”.

Với ước mơ trở thành một phiên dịch viên, Như Ý dự định đăng ký thi vào ngành ngôn ngữ Nhật Trường ĐH Ngoại ngữ Huế.

Như Ý tâm sự: “Em muốn trở thành một phiên dịch viên. Những ngày này em luôn mơ thấy hình ảnh của mẹ. Mẹ cười. Em biết mẹ về động viên em. Giờ em sẽ cố gắng hết mình để thực hiện ước mơ này. Hai anh trai đã chịu thiệt thòi để nuôi em ăn học, sau này em muốn có được công việc, có điều kiện để đỡ đần các anh”.

“Ước nguyện của mẹ cũng là ước mơ của em...”

Làm bầu là công việc mưu sinh chính của Hường - Ảnh: MINH TÂM
Làm bầu là công việc mưu sinh chính của Hường - Ảnh: MINH TÂM

Từ nhỏ, Châu Ngọc Hường - học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Minh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - đã quen tự lập. Cha mất sớm, mẹ xa nhà mưu sinh đủ nghề: công nhân, giữ trẻ, giúp việc nhà... hằng tháng chắt chiu từng đồng gửi về quê cho con ăn học.

Tuổi thơ là những ngày ở nhà một mình, nên từ nhỏ Hường đã có cá tính mạnh mẽ. Những năm học cấp II, Hường tự kiếm thêm tiền để dành mua quần áo, sách vở bằng công việc chạy bàn, rửa chén ở các quán ăn, làm công ở các xưởng khoai.

Đầu năm Hường học cấp III, mẹ Hường phát hiện mình bị ung thư thời kỳ cuối. Căn bệnh khiến bà đi đứng rất khó khăn và phải liên tục nhập viện điều trị. Vậy là cô học trò nhỏ trở thành trụ cột của gia đình.

Để có tiền trang trải cuộc sống cho hai mẹ con, Hường làm bầu bán cho các hộ sản xuất cây giống. Sau khi học ở trường về, đầu giờ chiều Hường ra sau vườn rọc lá chuối, tước lá ra thành nhiều miếng nhỏ rồi cuộn tròn và dùng tăm ghim lại thành bầu.

Suốt hai tiếng Hường cặm cụi làm được 500 bầu, tiền công 10.000 đồng. Nếu làm từ trưa đến chạng vạng, mỗi ngày Hường kiếm được 30.000 đồng. Tối mịt Hường mới ngồi vào bàn học.

Tiền làm thêm không đủ lo cho mẹ nên Hường phải vay ngân hàng 30 triệu đồng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, mẹ Hường đã ra đi vào một buổi chiều đầu xuân. “Đó là mùng 6 tết, cái tết buồn nhất của em...” - vừa nói Hường vừa đưa tay chùi nước mắt.

Mẹ mất là cú sốc lớn đối với Hường, nhưng sau đó Hường đã cố gắng vượt qua những ngày chao đảo đó để trở về với nhịp sống đời thường. Trong ngôi nhà nhỏ, Hường dốc hết sức vào trang sách để đạt ước mơ đời mình. Đó là đậu vào ngành lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM. Đây cũng là ước nguyện của mẹ Hường lúc sinh thời.

Hường thổ lộ: “Mẹ mong em học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp để sau này nuôi sống bản thân và để người ta không khi dễ...”.

Thầy Tô Kiến Dũng - giáo viên chủ nhiệm lớp Hường - chia sẻ: “Hường có học lực khá. Ở em có sự tự lực mưu sinh và ý chí phấn đấu vươn lên rất cao. Biết hoàn cảnh em khó khăn nên trường cũng ưu tiên, đặc cách dành những suất học bổng, tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm đến em để giúp em phần nào trong cuộc sống”.

Hường cũng đã vạch kế hoạch tương lai: “Nếu đậu đại học, em xin bảo lưu kết quả để đi làm thêm. Sau khi dành dụm một số tiền đủ đóng học phí và trang trải việc học, em sẽ quay lại học tiếp. Còn nếu không đủ điểm đậu đại học, em sẽ ở nhà để sang năm thi tiếp. Dù khó khăn cách mấy cũng không bỏ cuộc...”.

 

NG.LINH - NH.LINH - M.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên