14/02/2011 04:10 GMT+7

"Ước gì được khỏe như xưa"

SĨ HUYÊN thực hiện
SĨ HUYÊN thực hiện

TT - Tính theo tuổi ta thì hôm nay, 14-2-2011, cựu danh thủ bóng đá VN Phạm Huỳnh Tam Lang bước sang tuổi “xưa nay hiếm” 70. Nhưng dường ông như khỏe hẳn ra khi nói đến bóng đá.

TT - Tính theo tuổi ta thì hôm nay, 14-2-2011, cựu danh thủ bóng đá VN Phạm Huỳnh Tam Lang bước sang tuổi “xưa nay hiếm” 70. Nhưng dường ông như khỏe hẳn ra khi nói đến bóng đá.

Đồng nghiệp cùng thời với ông nhiều người đã khuất núi, không ít người đang vật vã hằng ngày với căn bệnh tai biến mạch máu não (Trương Văn Tư tức Tư “béo”, Phạm Văn Lắm tức Lắm “rỗ”) hoặc đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trong mưu sinh hằng ngày.

Theo quy luật thời gian, ông cũng không tránh khỏi bệnh tật khi tuổi về chiều (Tam Lang bị bệnh thấp khớp khá nặng, hai bàn tay hiện không thể co lại hoặc duỗi thẳng), trí nhớ kém hẳn (do tuổi tác và sử dụng thuốc quá nhiều trong bốn năm trở lại đây). Nhưng, may mắn hơn bao đồng nghiệp khác là ông không quá túng ngặt về kinh tế, có được nếp nhà yên ấm ở tuổi xế chiều. Tam Lang còn có một niềm vui lớn khác là cô con gái duy nhất Phạm Huỳnh Anh Thư, năm nay 26 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân sinh hóa tại Úc.

Bao năm qua vợ chồng ông vẫn sống trong căn hộ chung cư nho nhỏ trên đường Trần Phú do Cảng Sài Gòn cấp cách nay hơn 30 năm. Vật dụng trong nhà nếu đáng kể nhất chính là hình ảnh cùng những hiện vật liên quan tới một thời đá bóng và làm thầy, tạo nên danh tiếng một HLV Tam Lang lừng lẫy từ Bắc chí Nam.

Nói đến bóng đá, dường như mọi bệnh tật đều tan biến để nhường chỗ cho một Tam Lang luôn thể hiện rõ nét đau đáu với bóng đá, cái nghiệp mà ông mang vào người từ năm 15 tuổi.

Ông tâm sự: “Dạo này chạy xe máy kém quá vì hai bàn tay co duỗi rất khó. Lắm khi chạy được nhưng lại quên đường về nhà! Thế là phải dừng xe lại bên đường định thần, lục lọi trí nhớ. Bí quá thì móc điện thoại di động ra gọi cho bà xã đến đưa về. Nhưng hằng tuần tôi vẫn cố gắng đến sinh hoạt cùng đội bóng cựu tuyển thủ thành phố để gặp và hàn huyên cùng bạn bè. Mới ngày nào đá bóng cùng nhau, cãi nhau ầm ĩ trên sân, nay thì lụm cụm hết rồi. Nhìn nhau thấy thương lắm...”.

Thi thoảng ông lại chạy đến CLB Navibank Sài Gòn thăm hỏi, trò chuyện hay chỉ bảo kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ (hai năm trở lại đây ông Tam Lang được Navibank Sài Gòn mời giữ chân cố vấn kỹ thuật). Yếu thì ông đến sân Thống Nhất theo dõi CLB thi đấu, sức khỏe kha khá ông lại “hành quân” cùng đội đến các tỉnh xa. Ông nói những lần dịch chuyển ấy giúp ông sống lại với không khí bóng đá một thời, vốn đã ăn sâu vào máu thịt mình.

*Thưa ông, nếu được làm lại từ đầu, liệu ông có chọn nghiệp đá bóng và làm thầy như ông từng làm ngày nào?

- Làm chứ. Bóng đá là thể thao vua mà, sức hút dữ dội lắm, khó mà cưỡng lại.

*Nhưng bóng đá cũng lắm bất công và bạc bẽo...

- Biết vậy nhưng đã vương vào rồi thì khó dứt ra được. Thời trẻ, tôi cũng hay nổi giận trước sự bạc bẽo ấy. Khi có tuổi, chiêm nghiệm nhiều thì tự thấy phải biết chấp nhận để vượt qua nên vẫn còn đến với bóng đá.

*Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời đá bóng của ông?

- Nhiều lắm. Nhưng đáng nhớ nhất chính là nỗi đau khi Cảng Sài Gòn rớt hạng năm 2003, một năm sau ngày đoạt chức vô địch. Sau lúc đưa Cảng Sài Gòn đến với chức vô địch thứ ba trong lịch sử CLB, tôi xin rút để giữ chân cố vấn kỹ thuật nhưng lãnh đạo không đồng ý. Đến lúc rớt hạng thì trách nhiệm trút hết lên đầu và tôi bị quy kết là nguyên nhân chính khiến CLB rớt hạng.

Trong cuộc đời mình tôi cũng không bao giờ quên thất bại cay đắng trong ba năm liền của bóng đá VN khi làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và Tiger Cup 2000. Đó là những cột mốc mà chúng ta đánh rơi chức vô địch ngay trong tầm tay.

Tất nhiên buồn nhiều mà vui cũng nhiều, vui nhất là việc tôi đã giúp bóng đá nước nhà có được những cầu thủ tài hoa, đi lên bằng chính tài năng bẩm sinh như Lư Đình Tuấn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Khải...

*Nhân nói đến Cảng Sài Gòn, ông nghĩ gì khi cái tên ấy đã biến mất?

- Cảng Sài Gòn chẳng khác nào một thương hiệu nổi đình nổi đám một thời, được mến mộ khắp cả nước bởi lối chơi hào hoa. Không giữ được cái tên ấy thì tiếc thật...

* Ông sẽ ước điều gì trong ngày sinh nhật tuổi 70?

- Tôi ước ao sao mình được mạnh khỏe như xưa để trở lại sân cỏ dìu dắt các tài năng trẻ.

SĨ HUYÊN thực hiện

SĨ HUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên