Sinh viên lớp chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ giữa tháng 7-2017, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đăng thông báo tuyển dụng giảng viên cho năm học mới lên website của trường.
Trường tuyển bảy giảng viên ở các bộ môn kết cấu công trình, cơ học, nền móng, xây dựng dân dụng và công nghiệp của khoa kỹ thuật xây dựng và hai giảng viên cho khoa kinh tế vận tải.
Các trường cạnh tranh tuyển giảng viên
PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Tuyển dụng giảng viên để đủ số lượng không khó vì số ứng viên rất nhiều. Nhưng thực tế khi phỏng vấn tuyển dụng lại không tuyển được vì chất lượng thạc sĩ không thực sự tốt.
Trong số hồ sơ dự tuyển, thạc sĩ từ nước ngoài rất ít, hầu hết là thạc sĩ tốt nghiệp trong nước. Ứng viên là tiến sĩ cũng rất ít. Việc tuyển giảng viên có trình độ tiến sĩ lại đang có sự cạnh tranh giữa các trường nên cũng rất khó tuyển" - ông Thư nói.
Tương tự, PGS.TS Phan Đình Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết trường mới nâng cấp lên ĐH nên nhu cầu tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ khá nhiều.
Người có trình độ tiến sĩ nhà trường ưu tiên tuyển dụng, đúng chuyên môn sẽ nhận ngay, nhưng không có nguồn để tuyển. Không tuyển được, trường hỗ trợ kinh phí cho giảng viên học tiến sĩ trong nước với mức 20 triệu đồng (sau khi nhận bằng tiến sĩ).
Trường này cũng tạo điều kiện tối đa cho giảng viên đi học để nâng tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ lên 50% trong năm 2020. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng mục tiêu này rất khó để đạt được.
Trước tình hình đó, ông Tuấn nói trường "động viên" cán bộ đang công tác trong các cơ quan của Bộ Tài nguyên - môi trường có học vị tiến sĩ tham gia giảng dạy tại trường... chuyển công tác về trường.
"Mặc dù không ít người là tiến sĩ nhưng chưa nghiên cứu khoa học giỏi. Khi về trường chúng tôi sẽ đào tạo để họ biết cách nghiên cứu khoa học độc lập, tạo điều kiện cung cấp đề tài nghiên cứu các cấp.
Đồng thời hỗ trợ họ học nghiệp vụ giảng dạy ĐH, học phương pháp nghiên cứu khoa học. Đối với người làm khoa học, điều họ mong muốn là môi trường làm việc chứ không chỉ là thu nhập..." - ông Tuấn nói.
Ứng viên rất nhiều nhưng khi phỏng vấn tuyển dụng lại không tuyển được vì chất lượng thạc sĩ không thực sự tốt
PGS.TS Nguyễn Văn Thư (hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Thu nhập của giảng viên còn thấp
Đối với trình độ tiến sĩ, Trường ĐH Sài Gòn cũng tuyển dụng thường xuyên. "Khi có hồ sơ ứng viên, phòng tổ chức cán bộ xét duyệt nếu đủ tiêu chuẩn, hiệu trưởng sẽ trực tiếp phỏng vấn và căn cứ theo nhu cầu của các khoa sẽ tiếp nhận ngay.
Đối với tiến sĩ chỉ cần có lý lịch khoa học tốt, không tì vết, giảng tốt là nhà trường tuyển dụng ngay" - tiến sĩ Cao Thái Phương Thanh, phó trưởng phòng tổ chức cán bộ nhà trường, nói.
Tính đến tháng 8-2017, trường này có 466 giảng viên cơ hữu với 120 tiến sĩ (trong đó 14 PGS), tỉ lệ 24%, số còn lại là thạc sĩ. Hằng năm nhà trường có nhu cầu tuyển 40-60 giảng viên. Nguồn tiến sĩ chính của trường chủ yếu là trường gửi đi đào tạo. Số tiến sĩ tuyển được từ bên ngoài rất ít.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - trưởng phòng tổ chức hành chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng khó khăn của các trường ĐH hiện nay trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là chưa có cơ chế riêng cho nhân lực trình độ cao.
"Nhà trường vẫn chỉ dựa theo hệ thống bậc lương và quy định tài chính của Nhà nước để chi trả cho giảng viên. So với mặt bằng chung các ngành nghề trong xã hội, thu nhập của giảng viên vẫn còn thấp nên nhiều người giỏi đã chọn nghề khác với mức thu nhập hấp dẫn hơn" - ông Trung nói.
Một lãnh đạo cấp vụ của Bộ GD-ĐT cho rằng tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa mạnh.
"Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút người giỏi về làm việc. Nhiều trường chưa chú trọng xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận cũng như gửi giảng viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài để tạo nguồn.
Trong quá trình triển khai đề án đào tạo giảng viên bằng ngân sách nhà nước, nhiều ứng viên không đáp ứng được những quy định về ngoại ngữ và các điều kiện thiết yếu khác. Trong khi nhu cầu giảng viên có trình độ cao là rất lớn" - vị này nói.
Thiếu giảng viên cơ hữu ở trường ngoài công lập
Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017 tổng số giảng viên trong các trường ĐH là 72.792 người (công lập 57.634 người, ngoài công lập 15.158 người), tăng 4,6% so với năm học trước. Trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).
Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm học này số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016. Tuy nhiên, tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp.
Số giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu và có độ tuổi cao nên chưa tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của một số trường ngoài công lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận