31/07/2012 07:30 GMT+7

Ung thư vú và những hiểu lầm đáng tiếc

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TT - Nhiều chị em nghĩ mình còn trẻ, chưa lập gia đình hay trong thời kỳ cho con bú đều không có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú... Theo các chuyên gia, đây là những hiểu lầm đáng tiếc nhưng phổ biến ở bệnh nhân trẻ tuổi.

IcnDyoUD.jpgPhóng to

Bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện những dấu hiệu không bình thường ở phần vú nên đi khám sớm. Trong ảnh: siêu âm chẩn đoán ung thư vú tại Medic, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Một kết quả công bố của Bộ Y tế tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư cho thấy hơn 70% trường hợp phát hiện bệnh ung thư khi tế bào ung thư đã bước sang giai đoạn xâm lấn. Trong khi đó, việc điều trị trở nên dễ dàng, bệnh nhân có nhiều cơ hội hơn nếu tế bào ung thư được phát hiện kịp thời, ở những giai đoạn sớm.

Apxe và tắc tuyến sữa

"Để kích khối u, hạch tan mau, nhiều thầy lang dùng biện pháp đốt nóng thuốc đắp. Chính hơi nóng này vô tình kích thích mạch máu đến nuôi khối u lớn nhanh hơn"

ThS.BS Đỗ Thị Thúy Hằng

Hạch xuất hiện ở vùng nách gây đau nhức, chị T.T.S. (45 tuổi, Thanh Hóa) nghi ngờ mình bị apxe (bị nổi hạch, thường kèm theo sốt, đau nhức...) nhưng không đi khám mà nghe lời tư vấn của người thân đi mua thuốc. Được một thời gian, hạch không những không tiêu tan mà còn xuất hiện thêm những cục nhỏ xung quanh vùng ngực. Hoảng hốt đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh chị được bác sĩ ở đây kết luận bị ung thư vú. Không tin vào kết quả bệnh viện tuyến tỉnh, chị S. lên Viện K khám, các bác sĩ một lần nữa khẳng định chị S. bị ung thư vú, giai đoạn 3, buộc phải cắt bỏ vú trái và truyền hóa chất.

Đáng tiếc hơn là trường hợp chị H.T.T. (30 tuổi, Ninh Bình). Sinh con được vài tháng, đang cho con bú thì phát hiện xung quanh vùng ngực phải xuất hiện nhiều u cục nhỏ. Cho rằng mình chỉ bị viêm tuyến sữa thông thường, nghe lời người thân, chị T. tìm đến những bài thuốc dân gian trị tắc tuyến sữa. Chị dùng lá cây, củ trong vườn đắp vào vùng có u hạch. Một thời gian ngắn, u hạch đó tan dần nhưng khi không đắp lá u hạch lại xuất hiện, lần này còn kéo theo hiện tượng đầu vú chị chảy mủ, có mùi hôi. Đi khám ở Viện K trung ương, các bác sĩ kết luận chị bị ung thư vú giai đoạn cuối, khó lòng giữ tính mạng!

Theo bác sĩ Lê Thanh Đức - khoa ngoại vú, Bệnh viện K trung ương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tâm lý chủ quan này là do những biểu hiện ung thư vú ở những giai đoạn đầu thường rất “lành”, người bệnh có thể bị lên hạch, u cục nhưng không đau đớn, không khó chịu và vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Nhất là những người đang cho con bú thường nhầm lẫn những u cục xuất hiện ở ngực đó là do viêm, tắc tuyến sữa gây ra.

Bác sĩ Đức cũng khuyến cáo kể cả những cô gái trẻ, chưa lập gia đình, những bà mẹ đang cho con bú hoàn toàn có nguy cơ bị ung thư vú, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu không bình thường nào ở phần vú, nách như những trường hợp trên tốt nhất nên đi khám sớm.

Cảnh giác với... thầy lang!

Chị N.T.H. (35 tuổi, Hòa Bình) đang trong thời gian cho con bú thì phát hiện có cục nổi ở ngực trái, sờ vào thấy đau. Nghĩ rằng đang cho con bú nên có nhiều chỗ tắc sữa sinh u và đau là bình thường nên chị H. không đến bệnh viện khám mà đến nhà thầy lang ở gần nhà bốc thuốc. Chị H. càng tin mình bị tắc sữa khi thấy thầy lang cũng cho là thế. Uống được 10 thang thuốc, khối u ở ngực của chị xẹp xuống nhưng sờ vào vẫn thấy đau. Được một thời gian ngừng uống thuốc, khối u nổi lên và phát triển mạnh hơn trước. Khi đó, chị H. đến bệnh viện khám và hoảng hốt khi các bác sĩ ở đây kết luận chị bị ung thư vú giai đoạn cuối.

ThS.BS Đỗ Thị Thúy Hằng, khoa y học cổ truyền Bệnh viện K, cho biết trong điều trị ung thư, thuốc đông y thực chất chỉ là biện pháp hỗ trợ về đề kháng, miễn dịch, tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân khi bệnh nhân bị suy kiệt về mặt thể chất trong quá trình điều trị bằng hóa chất, xạ trị... Rất nhiều bệnh nhân như chị H. đến viện khi bệnh đã vào giai đoạn muộn khi trước đó tìm đến thầy lang và thuốc đông y. Trên thực tế, để kích khối u, hạch tan mau, nhiều thầy lang dùng biện pháp đốt nóng thuốc đắp. Chính hơi nóng này vô tình kích thích mạch máu đến nuôi khối u lớn nhanh hơn.

Hay như việc dùng thuốc đông y nói chung bằng cách uống hay đắp trực tiếp vào u, hạch chứa tế bào ung thư cũng là việc làm mạo hiểm. Trong thuốc đông y có những thành phần chứa tính “hoạt huyết” làm tăng tốc độ tuần hoàn máu, do vậy khi uống hoặc khi đắp trực tiếp vào hạch, cục u cũng có “tác dụng phụ” là “kích thích” máu đến nuôi tế bào ung thư. Thực tế ở Bệnh viện K, nhiều bệnh nhân ung thư vú trước đó đã được các thầy lang “vườn” đắp thuốc lá có trộn với các thành phần hóa chất thậm chí là axit với mục đích “gỡ” toàn bộ khối u trên cơ thể bệnh nhân. Hậu quả bệnh nhân đến viện trong tình trạng vú bị lở loét, nhiễm trùng, mưng mủ.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo việc quá tin vào thuốc nam và thầy lang “vườn” không những mất thời gian, tiền bạc, công sức mà còn làm mất đi cơ hội được chữa trị khỏi bệnh ung thư của chính mình.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên