09/05/2016 09:00 GMT+7

​Ung thư buồng trứng - “Sát thủ” âm thầm !

KD
KD

Ngày 8/5 hằng năm được chọn là ngày Quốc tế phòng chống bệnh Ung thư Buồng Trứng nhằm kêu gọi công đồng nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Hằng năm trên thế giới có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng và khoảng 150.000 người tử vong vì căn bệnh ác tính này.

Các chuyên gia ung bướu cho biết như vậy tại hội thảo khoa học: “Liệu pháp kháng sinh mạch: Cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung” do Hội Ung thư VN, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và VPĐD Hoffmann ­ La Roche Ltd tại TP.HCM tổ chức cuối tháng 4-2016 vừa qua.

 

Phát hiện muộn, tử vong cao 

Theo TS.BS Vũ Văn Vũ ­ trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tuy có xuất độ bệnh xảy ra thấp nhưng ung thư buồng trứng lại có tỉ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng, trong đó chỉ có khoảng 45% sống hơn 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.

Trong đa số các trường hợp, ung thư buồng trứng chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn vì các triệu chứng của bệnh không điển hình. Tại Bệnh viện Ung bướu TP, chỉ có 27% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn I, 73% bệnh nhân còn lại đã ở giai đoạn II, III và IV. Bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư buồng trứng khi khối u đã lớn. Cá biệt, như trường hợp của bà P.T.T.M. (49 tuổi, Long An) nhập viện vào cuối năm 2015, khối u nặng tới 40 kg và gần như  chiếm trọn ổ bụng  bệnh nhân.

Theo TS Vũ Văn Vũ, bình thường buồng trứng có kích thước khoảng 4 cm. Khi khối u xuất hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng gì. Thậm chí, có trường hợp u lớn lên từ từ khiến bụng to như phụ nữ mang thai mà bệnh nhân vẫn không cảm thấy gì bất thường. Chỉ khi ung thư buồng trứng đã ở giai đoạn tiến xa, người bệnh mới có cảm giác khó chịu, nằng nặng, tức tức, ê ẩm vùng chậu hoặc khó chịu ở các cơ quan bị khối u chèn ép. Nếu khối u đè bàng quang sẽ làm bệnh nhân phải đi tiểu lắt nhắt nhiều lần, nếu u chèn ép đường ruột sẽ gây ra hiện tượng táo bón và triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa. Trường hợp u vỡ trong bụng sẽ gây đau bụng, bụng có nước và tắc nghẽn…

Do phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện khi ung thư buồng trứng ở các giai đoạn tiến xa, khối u đã xâm lấn sang cơ quan khác nên việc điều trị rất khó khăn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tiên lượng sống của người bệnh. Chính vì vậy, ung thư buồng trứng được các bác sĩ xem là “sát thủ” thầm lặng. Bên cạnh đó, khối u buồng trứng khi bị vỡ có khuynh hướng lan tràn trong ổ bụng (môi trường ổ bụng rất thuận lợi cho ung thư buồng trứng ăn lan khắp nơi) và di căn xa nên ung thư buồng trứng dễ tái phát trong thời gian ngắn sau điều trị và có tỉ lệ tử vong cao.

Thêm nhiều cải thiện trong điều trị ung thư buồng trứng

Theo TS Vũ Văn Vũ, ung thư buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em gái đến phụ nữ lớn tuổi đều có thể bị bệnh này. Ngoài ra, người đã từng mắc ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư ruột, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp cũng dễ bị ung thư buồng trứng. Những người có gen xấu như đột biến các gen BRCA1 và BRCA2 cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú và ung thư buồng trứng.

TS Vũ Văn Vũ khuyên chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ để được siêu âm bụng, siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo mỗi năm 1-2 lần, kết hợp với xét nghiệm máu tìm các dấu hiệu sinh học của ung thư buồng trứng để phát hiện và điều trị sớm. Ngoài ra cần lưu ý, một phụ nữ ngoài giai đoạn sinh sản mà xuất hiện  u,  nang to ra bất thường của buồng trứng thì nghĩ đến khả năng ác tính nhiều hơn lành tính, cần phải đến bệnh viện chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán xác định và điều trị ngay.

Tùy vào tình hình của khối u và sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như: phẫu thuật loại bỏ khối u và/hoặc hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Những năm gần đây, liệu pháp điều trị nhắm trúng đích cũng đóng góp rất lớn cho việc điều trị ung thư với cơ chế tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết quá trình sinh ung thư và phát triển khối u để ngăn chặn quá trình này.

Tại hội thảo nói trên, GS.TS.BS Nicoletta Colombo - giám đốc Trung tâm Ung thư chuyên sâu buồng trứng và thực hành, Viện Ung thư châu Âu, Milan (Ý) – cho biết điều trị ung thư buồng trứng khá phức tạp, dù bệnh nhân đáp ứng điều trị hóa chất ban đầu tốt nhưng phần lớn bệnh nhân sẽ tái phát trong thời gian ngắn. Do vậy việc điều trị phải có “chiến lược” phù hợp để đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh các phương pháp phẫu thuật, hóa trị thì liệu pháp kháng sinh mạch trong chỉ định kết hợp hóa chất là vũ khí điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả đang được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Kháng sinh mạch là một trong những liệu pháp nhắm trúng đích tiêu biểu hiện nay. Khối u ung thư muốn phát triển mạnh mẽ phải có quá trình tăng sinh mạch máu để cung cấp oxy và các dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào ung thư. Liệu pháp khánh sinh mạch hoạt động trên cơ chế tấn công sự tăng sinh mạch để ngăn chặn nguồn oxy và dinh dưỡng cho khối u. Nghiên cứu lâm sàng và thực tế điều trị đã cho thấy kháng sinh mạch mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, cải thiện sức khỏe và sự sống còn của bệnh nhân tốt hơn so với các phương pháp trước đây.

Liệu pháp kháng sinh mạch đã được FDA và EMA phê chuẩn trong chỉ định điều trị ung thư cổ tử cung năm 2014 và 2015 và được EMA phê chuẩn trong chỉ định điều trị ung thư buồng trứng năm 2011. Tại Việt Nam, theo TS Vũ Văn Vũ, năm 2015 Bộ Y tế đã cập nhật và phê chuẩn liệu pháp kháng sinh mạch vào điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa mới chẩn đoán hay tái phát và bệnh nhân ung thư cổ tử cung dai dẳng, tái phát hoặc di căn. Theo đánh giá của TS, đây là bước cập nhật nhanh chóng, giúp tạo thêm nhiều cơ hội sống còn cho các bệnh nhân Việt Nam.

 

KD
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên