Đây thực chất là một loại thuế carbon khiến việc xuất khẩu sang EU các mặt hàng mà việc sản xuất chúng phát thải CO2 có thể phải chịu thêm chi phí thuế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính mức giá khoảng 75 USD/tấn CO2 sẽ phải được áp dụng vào năm 2030 nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu duy trì dưới 2oC.
Điều đó sẽ khiến giá carbon hiệu dụng ở EU tăng gần gấp ba lần, có nghĩa mức thuế CBAM trung bình áp dụng là khoảng 6%. Rõ ràng tỉ lệ tăng ước tính này sẽ là rào cản đáng kể khi hàng hóa Việt Nam muốn tăng quy mô vào EU.
Ngoài ra, hiện Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi về thuế và hạn ngạch vào EU, nhưng CBAM có thể làm giảm lợi thế tương đối đó nếu nó áp dụng với các nước đang phát triển, nhưng lại miễn trừ với nhiều nước phát triển vì đã áp dụng mức phí carbon trong nước tương đương.
Giải pháp cho 10 năm tới
Theo Cơ quan chuyên trách về cơ chế ưu đãi tổng quát của EU (GSP), Việt Nam vẫn thuộc nhóm đang phát triển. Việc buộc các nước đang phát triển phải tuân theo CBAM có thể làm tổn hại đến khái niệm về trách nhiệm khác biệt và khả năng tương ứng.
Trong khi đó, nguyên tắc lợi ích của EU là đảm bảo CBAM không gây bất công cho doanh nghiệp từ các nước thu nhập trung bình và thấp. Ngược lại, miễn trừ toàn phần hoặc một phần phí CBAM có thể giúp cơ chế này không xung đột với các mục tiêu phát triển của EU.
Ngoài ra, nhìn vào giá trị cũng như tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng hiện được áp cơ chế ưu đãi ETS sang EU thì Việt Nam cùng các nước như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Campuchia vẫn ở mức khá khiêm tốn với tổng giá trị 16 tỉ USD/năm, chiếm tỉ trọng dao động từ 2% cho tới cao nhất là gần 11% xuất khẩu vào EU (số liệu 2019, xem biểu đồ trong bài).
Cho tới nay EU đã có tiền lệ sử dụng tính linh hoạt mà Hiệp định chung về thuế quan và thương mại của WTO (GATT) mang lại để đơn phương cấp cho các nước đang phát triển quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường của mình theo các chương trình GSP.
Chẳng hạn, Việt Nam là nước đang phát triển ở châu Á duy nhất xuất khẩu thịt bò sang EU được hưởng cơ chế xuất khẩu ưu đãi GSP từ năm 2019.
Như vậy, ở vị trí cần được hỗ trợ, doanh nghiệp Việt trong tám năm tới có thể chưa phải chịu toàn bộ phí CBAM như lộ trình.
Nhưng các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất nông - công nghiệp vẫn cần xin sự hướng dẫn của Chính phủ trong việc kết nối và kêu gọi GSP - EU hỗ trợ đệ trình xin phép miễn trừ phí CBAM, hay nới lỏng tỉ lệ phí này tới năm 2034 một cách chính thức. Đây cũng là thời gian đủ để chúng ta có thể huy động nguồn lực nhằm thích nghi tốt hơn với CBAM.
Giải pháp lâu dài
Có thể thấy các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là hàng hóa nông, lâm nghiệp, và đây chưa phải lĩnh vực trọng tâm chịu phí CBAM trong giai đoạn trước mắt. Nhưng xét về lâu dài, nếu EU mở rộng CBAM để bao trùm nhiều lĩnh vực hơn, như ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu ủng hộ, thì hàng nông - lâm nghiệp của Việt Nam sẽ gặp bất lợi.
Ngoài ra việc xuất khẩu của Việt Nam và nhiều nước đang phát triển vào EU hiện vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp, theo đó lượng carbon từ những nước này chưa đáng ngại, do đó EU có thể nới lỏng việc áp dụng CBAM.
Nhưng nếu trong tương lai, khi Việt Nam muốn vào EU sâu hơn với tỉ trọng xuất khẩu cao hơn, chẳng hạn vượt 57% tổng giá trị nhập khẩu của EU đối với cùng một loại sản phẩm từ tất cả quốc gia đang phát triển được hưởng cơ chế ưu đãi GSP, chúng ta sẽ buộc phải chứng minh năng lực đáp ứng được CBAM. Do đó vẫn cần chuẩn bị giải pháp để tính chuyện lâu dài.
Đầu tiên là cần chủ động xây dựng cơ chế tính phí carbon nội địa. Các cơ quan chính phủ cần giúp doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong nước làm việc với các cơ quan tiêu chuẩn CBAM của EU nhằm đặt ra các thang đo carbon tương ứng với chuẩn EU, đồng thời triển khai quy định phí carbon nội bộ để hàng xuất sang EU không phải chịu CBAM, hoặc chỉ chịu một phần theo nguyên tắc tránh bị đánh thuế carbon hai lần.
Ưu điểm của việc này là giúp hàng xuất khẩu chịu phí carbon thấp hơn giá chuẩn của EU, vì vậy việc xuất sang EU sẽ được hưởng lợi.
Song song với đó, doanh nghiệp Việt cũng cần nghĩ tới giải pháp phát triển bền vững, nghiên cứu cải tiến dây chuyền phát thải ít hơn so với sản phẩm tương đương đang nhập vào EU.
Đây là cách "làm chủ cuộc chơi", vừa giúp doanh nghiệp giảm phí xuất nhập khẩu, vừa có thể chiếm lĩnh thị phần EU bằng lợi thế xuất khẩu từ CBAM.
Thật vậy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội mở rộng thị trường tại EU. Chẳng hạn, các sản phẩm của Việt Nam sẽ tránh được phí CBAM nếu chứng minh được dây chuyền sản xuất của chúng ta thải ra lượng carbon thấp ở mức cho phép.
Ví dụ, nếu nhà xuất khẩu gốm sứ chứng minh họ sản xuất bằng lò địa nhiệt không carbon, thì gốm sứ nhập khẩu sẽ không phải trả phí CBAM ngay cả khi chúng đến từ quốc gia không có giá carbon nội địa tương đương EU, và gốm sứ được miễn trừ hoàn toàn thuế CBAM.
Dĩ nhiên phương thức phát triển bền vững cần thời gian và sự đầu tư, cũng như những học hỏi và hợp tác. Do đó giai đoạn chuyển giao từ nay cho tới năm 2034 sẽ là giai đoạn vàng cho doanh nghiệp Việt Nam để kịp thời chuyển đổi, thích ứng.
4 giai đoạn triển khai của CBAM
CBAM ra đời như một biện pháp khí hậu nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ carbon và hỗ trợ tham vọng ngày càng tăng của EU về mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo khả năng tương thích với WTO.
Cụ thể hơn, CBAM ngăn chặn nguy cơ "rò rỉ carbon" khi các công ty di chuyển sản xuất từ nơi kiểm soát phát thải nghiêm ngặt tới nơi có quy định lỏng lẻo hơn.
Trong khoảng tám năm triển khai, CBAM cũng sẽ dần thay thế các khoản phụ cấp miễn phí được đưa ra theo Hệ thống thương mại phát thải của EU. CBAM sẽ được triển khai theo bốn giai đoạn:
* Từ 1-10-2023 đến tháng 12-2025: Giai đoạn chuyển tiếp, nhà nhập khẩu EU sẽ trình các báo cáo CBAM liên quan đến hàng hóa và lượng carbon trong sản xuất cũng như chi phí phải trả cho lượng khí thải này tại nước sản xuất.
Các mặt hàng sẽ được đưa vào trọng tâm như xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Giai đoạn này chưa phát sinh chi phí tài chính xuất nhập khẩu.
* Từ tháng 1-2026 đến khoảng đầu năm 2027: Chứng chỉ CBAM sẽ dần được đưa vào để tính chi phí xuất, nhập khẩu và song song đó sẽ loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí theo Hệ thống thương mại khí thải châu Âu (EU - ETS), công cụ đo lường khí thải của EU từ năm 2005.
* Từ năm 2027 đến năm 2034: Ủy ban châu Âu sẽ một lần nữa rà soát, hiệu chỉnh toàn bộ chính sách và chi phí CBAM, trong đó những sản phẩm gián tiếp phát thải carbon cũng có thể bị tính chi phí lượng thải vào giá thuế nhập khẩu vào EU.
* Từ năm 2034: CBAM chính thức có hiệu lực đầy đủ.
Nắm bắt "lợi thế thời cuộc"
Nhìn chung, nếu CBAM tạo ra thách thức lớn với nhiều nước thì có thể với Việt Nam lại là cơ hội để chiếm ưu thế về thu hút đầu tư nước ngoài trong 10 năm tới.
Thực tế cho thấy Việt Nam đã và đang dần thu hút nhiều công ty EU chuyển giao công nghệ tiên tiến và xây dựng các nhà máy sản xuất ở Việt Nam thay vì chọn các thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Singapore hay Thái Lan.
Điển hình như cuối năm 2021, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã chọn đặt nhà máy sản xuất với giá trị đầu tư 1 tỉ USD tại Việt Nam.
Bởi ngoài lợi thế về nhân lực rẻ, chính sách trải thảm thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam, thì lợi thế ưu đãi trong các chính sách xuất nhập khẩu, điển hình như GATT-WTO, GSP-EU, ETS-EU, và sắp tới có thể là ưu đãi trong giai đoạn chuyển tiếp của CBAM, sẽ giúp Việt Nam tăng điểm trong đấu thầu các dự án đầu tư quốc tế. Đây được coi là lợi thế mang tính thời cuộc mà Việt Nam cần khéo nắm bắt kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận