27/08/2012 09:34 GMT+7

U Minh Thượng hồi sinh

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Dù chưa thể phục nguyên dáng dấp mơn mởn xanh thời chưa xảy ra vụ cháy kinh hoàng năm 2002 nhưng sức sống của đất, của người, của cây tràm... đang “tiếp thị” một hình ảnh hồi sinh mạnh mẽ của U Minh Thượng.

j2Ee3jVE.jpgPhóng to
Rừng U Minh Thượng đã hồi sinh - Ảnh: Nguyễn Triều

Chạy dọc quốc lộ 63, hướng từ thị trấn Thứ Bảy, huyện An Biên về huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) những ngày này, ấn tượng đập vào mắt là dòng nước đỏ ngầu của con kênh cuộn chảy theo chiều ngược lại. Màu nước đỏ báo hiệu rừng U Minh đã gần kề. Đến ngã tư Công Sự, rẽ phải qua cầu là con đường nhựa dài 8km xuyên qua vùng đệm, chạy thẳng vào “tổng hành dinh” của vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng. Hai bên đường xanh ngắt màu của cây mía, cây tràm và những loài cỏ cây bản địa trong hệ sinh thái ngập nước đang được bảo tồn.

Giật lại màu xanh

Vùng đệm sẽ có “cánh đồng mẫu lớn”

Ông Nguyễn Hoàng Thăng - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng - cho biết cái khó hiện nay ở vùng đệm U Minh Thượng là phần diện tích còn dang dở, chưa kịp đào mương thoát phèn của dự án phát triển kinh tế vùng đệm gồm khoảng 1.000 hộ dân. Hiện nay người dân ngán ngại đầu tư đào mương xổ phèn vì chi phí lớn và phải vài năm sau mới cho hiệu quả. Trong khi đó, phần nợ đọng của dân ở giai đoạn đầu còn chưa trả xong nên khó “gõ cửa” ngân hàng. Hiện cơ quan chức năng huyện đã có phương án khoanh vùng và xây hệ thống cống bơm chung theo kiểu “cánh đồng mẫu lớn” để cải tạo đất, đồng thời kết hợp khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp để tăng năng suất, nâng cao mức sống người dân.

Ông Lê Hoàng Hưởng - giám đốc VQG U Minh Thượng - đón chúng tôi ở cửa rừng nhưng không vội nói về những gì mà chúng tôi muốn tìm hiểu. Ông cử phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Phạm Quốc Dân trực tiếp làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thực địa và hẹn sẽ gặp lại vào buổi chiều. Dọc con đường nhựa dẫn vào hồ Hoa Mai, nơi ngày xưa vốn là hố bom nay đã trở thành điểm đến du lịch của khách phương xa muốn khám phá rừng sinh quyển, chốc chốc lại bắt gặp những con cúm núm bay vọt lên hoặc những gia đình khỉ đuôi dài mắt láo liên tinh nghịch.

Từ hồ Hoa Mai, chiếc vỏ lãi rẽ nước xuôi theo kênh xáng phía trong đê bao vùng lõi hướng vào “lung tràm cháy”, tên gọi dân dã chỉ khu vực rừng nguyên sinh hơn 3.000ha bị bão lửa tràn qua trong vụ cháy lịch sử năm 2002. Hai bên bờ là những vạt rừng xanh non khỏe khoắn. Ngồi trên vỏ lãi có thể nhìn thấy lác đác trên tầng cao những thân tràm lớn sống sót sau vụ cháy dù dáng dấp đã xiêu vẹo nhưng vẫn đứng đó, chôn chân trên lớp than bùn, cành lá xanh um ngạo nghễ. Bên dưới là thảm thực vật tái sinh gồm cây chủ lực là tràm và cộng đồng những sậy, choại, cỏ năn, bòng bong...

Ông Phạm Quốc Dân cho biết: “Sau vụ cháy năm 2002, một số khu vực bị cháy rụi phải trồng lại tràm. Một số khu vực bị cháy loang da beo, lớp than bùn vẫn còn ở chân rừng nên những loài cây bụi phát triển trở lại và cây tràm cũng từ nền đất cháy mọc lên. Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi để những khu vực này phát triển tự nhiên, không can thiệp bằng việc trồng tỉa. Hiện nay hệ sinh thái rừng tràm đã tái sinh khoảng 90% diện tích bị cháy, một số khu vực lớp than bùn bị cháy hết hình thành những vùng trũng, những trảng năn, bồn bồn”.

Gian nan cây tràm

Theo ông Bành Văn Đởm (Mười Đởm) - nguyên giám đốc VQG U Minh Thượng, là loài cây đặc hữu của hệ sinh thái rừng ngập nước, cây tràm có sức sống mãnh liệt và về lý thuyết cây tràm hoàn toàn có thể tự tái sinh sau mỗi vụ cháy rừng. Với quyết tâm phục hồi thảm rừng, ngay sau vụ cháy năm 2002, VQG U Minh Thượng đã bắt tay gieo sạ, trồng mới trên nền đất cháy và chưa đầy một năm sau, khi ông rời vị trí, cây tràm thứ sinh nhiều chỗ đã cao gần đến đầu người.

Tuy nhiên, do ám ảnh từ vụ cháy ấy, ban lãnh đạo VQG quyết định phong bế toàn bộ các tuyến kênh trong vùng lõi để giữ nước chống cháy. Với quyết định này, liên tục những năm sau đó nguy cơ cháy rừng ở U Minh Thượng đã được đẩy lùi.

Song, cây tràm là loài ưa ngập nhưng chu kỳ sinh trưởng của nó mỗi năm cần ít nhất ba tháng mùa khô, khi nước trên rừng rút cạn để vươn mình. Việc giữ nước ngập quanh năm có tác dụng chống cháy hiệu quả, nhưng mặt khác lại gây phản ứng tai hại là khiến cây tràm ngộp thở. Và hậu quả là suốt vài năm liền cây tràm không lớn lên được, suy thoái và chết dần. Tình trạng cây tràm chết đứng trong nước khiến lãnh đạo VQG và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tá hỏa, tức tốc huy động các nhà khoa học vào cuộc tìm nguyên nhân và tìm giải pháp cứu tràm, cứu rừng.

Hội thảo quốc gia “Bảo tồn và phát triển bền vững VQG U Minh Thượng” tổ chức cuối năm 2009 đã đi đến giải pháp xây dựng hệ thống cống trên tuyến đê bao vùng lõi (chu vi 38km) và vùng đệm (chu vi 60km) kết hợp trạm bơm công suất 8.000m3/giờ để điều tiết nước. Bên trong vùng lõi, tùy theo cao trình sẽ chia thành các phân khu, đảm bảo có thể tháo ngập cho cây tràm thở, đồng thời có thể bơm bổ sung nước từ vùng đệm để giữ ẩm chân rừng, hạn chế nguy cơ cháy. Từ năm 2010 đến nay, mực nước rừng luôn được kiểm soát và nhờ đó cây tràm đã từng bước hồi sinh.

JxTFCPbQ.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Văn Ký (nông dân xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) thu hoạch chuối. Cây chuối có thể đem lại nguồn thu cho cư dân vùng đệm 8-10 triệu đồng/tháng - Ảnh: Nguyễn Triều

Dân vùng đệm thoát nghèo

Không chỉ có cây tràm hồi sinh trên nền đất cháy nơi vùng lõi, diện mạo của U Minh Thượng bây giờ cũng khác xa cách đây mười năm nhờ sự đổi thay từ đời sống của cư dân vùng đệm. Năm 1999, tỉnh Kiên Giang quyết định triển khai dự án phát triển kinh tế khu vực vùng đệm rừng U Minh Thượng (nay thuộc hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng). Hơn 14.000ha đất vùng đệm được bố trí cho hơn 3.500 hộ dân không có đất sản xuất ở các huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận, bình quân mỗi hộ được 4ha. Theo quy định, mỗi hộ phải dành 1ha để trồng rừng phòng hộ, phần còn lại canh tác nông nghiệp, kết hợp trồng lúa, khóm, mía...

Ông Mười Đởm, lúc ấy được giao kiêm chức trưởng ban quản lý dự án, nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi phải kéo ngân hàng vào cuộc, cho vay mỗi hộ hơn 20 triệu đồng để xẻ mương chạy dọc theo ranh đất, trước là để xổ phèn, sau là lấy nước tưới. Mấy năm đầu trồng lúa, trồng màu đều trầy trật, dân rầu mà mình cũng rầu theo”. Rồi xảy ra vụ cháy năm 2002. Việc xẻ kênh xổ phèn làm được hơn 2.000 hộ đến năm 2006, vì nhiều lý do phải dừng lại, trong đó có nguyên nhân dự án chưa đem lại hiệu quả, dân không có tiền trả vốn vay nên ngân hàng không đầu tư tiếp.

Tuy vậy, từ thời điểm đó, quá trình cải tạo đất của dự án phát triển kinh tế vùng đệm lại bắt đầu phát huy hiệu quả. Trước khi thực hiện dự án, vùng đệm có gần 70% là hộ nghèo, hằng năm tỉnh phải xuất ngân sách cứu đói giáp hạt cho hơn 1.000 hộ. Đến cuối năm 2009 toàn vùng đệm đã có hơn 2.500 hộ đủ ăn và thu nhập khá, đạt tỉ lệ gần 82%. Bản thân ông Mười Đởm thôi làm giám đốc VQG ở tuổi 73 và mười năm nay vẫn cần mẫn làm cư dân vùng đệm. “Bây giờ thỉnh thoảng có người ghé thăm mua biếu ký đường, hộp sữa mà thấy ấm lòng vì biết bà con đã khá lên và cho thấy dự án đã mang lại quả ngọt” - ông Mười Đởm tỏ vẻ hài lòng.

Ông Nguyễn Hoàng Thăng - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng - cho hay hiện nay ngoài cây lúa có thể trồng được hai vụ, cây mía, cây khóm và chuối là những cây trồng chủ lực. Cả vùng đệm có gần 2.000ha trồng mía, với giá bán hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường khoảng 800-900 đồng/kg, người dân đã chắc chắn có lãi. “Huyện cũng đã làm việc với một công ty chế biến trong tỉnh về bao tiêu sản phẩm cho hơn 400ha chuối của dân trong vùng. Và nếu thành công, mô hình trồng chuối năng suất cao sẽ được nhân rộng với quy mô 1ha/hộ” - ông Thăng cho biết. Nhiều người dân ở xã Minh Thuận và An Minh Bắc cho hay chưa kể 1ha cây tràm với 3ha trồng lúa, mía, hoa màu và nuôi cá, mỗi hộ thu nhập hằng năm không dưới 100 triệu đồng.

Khách du lịch, câu cá “kết” U Minh Thượng

Ngoài ba tiếng “U Minh Thượng” đủ gợi khát khao khám phá vùng đất một thời là căn cứ kháng chiến ở mảnh đất phương Nam, ngày nay du khách từ các nơi trong nước, nhất là TP.HCM, tìm đến U Minh Thượng còn bởi một “đặc sản” khác, đó là câu cá. Trung bình mỗi ngày có trên trăm lượt khách câu từ các nơi đổ về đây, dân chuyên nghiệp có, dân lần đầu đi câu cũng có.

Dịch vụ câu cá giải trí ở VQG U Minh Thượng mở cửa đón khách từ 5g sáng mỗi ngày. Khách mua vé vào cổng ngay tại cửa trụ sở VQG với giá 40.000 đồng/người rồi có thể câu cá ngay các con kênh dọc bờ bao ven vùng lõi. Nếu có nhu cầu trải nghiệm câu cá trên rừng bằng xuồng ba lá thì tại hồ Hoa Mai có dịch vụ cho thuê xuồng 40.000 đồng/chiếc, khách có thể thuê và tự bơi thỏa thích hoặc thuê vỏ lãi chạy máy đuôi tôm kéo vào sâu trong lung tràm cháy và hẹn giờ kéo ra, không hạn chế thời gian, đi về thêm 40.000 đồng nữa.

Chỉ với chiếc cần câu và mồi chuẩn bị sẵn, du khách tốn không quá 120.000 đồng phí dịch vụ là có thể tung tăng câu cá trong rừng từ 5g sáng đến 5g chiều (thời điểm đóng cửa rừng), câu được bao nhiêu có thể mang về bấy nhiêu, không phải trả tiền cá.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên