03/07/2014 08:08 GMT+7

Tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi tuyển sinh đại học tăng

M.GIẢNG - VŨ ANH - PH.THÀNH - Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG - H.NHUNG - HỮU TRIỂN - D.THƯƠNG - C.TƯỜNG
M.GIẢNG - VŨ ANH - PH.THÀNH - Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG - H.NHUNG - HỮU TRIỂN - D.THƯƠNG - C.TƯỜNG

TTO - Từ 8g sáng nay (3-7), thí sinh trên cả nước dự thi đại học, cao đẳng năm 2014 đợt 1 sẽ đến hội đồng thi để làm thủ tục dự thi và xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi của thí sinh.

Đề thi tuyển sinh 2014 có gì mới?Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2014Tìm chỗ trọ, đi lại, giữ sức khỏe thế nào cho kỳ thi ĐH-CĐ?

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

jx8N8TgN.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM đang làm thủ tục trước khi thi môn lý tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 diễn ra trong hai ngày 4 và 5-7 với ba khối thi A, A1 và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến hết ngày 11-7-2013 (trừ các trường có đề án tự chủ tuyển sinh).

Theo số liệu công bố của Bộ GD-ĐT, đến cuối ngày 2-7, có khoảng 785.000 thí sinh đăng ký dự thi các ngành đào tạo tuyển sinh khối A, A,1, V vào đợt 1, giảm gần 60.000 hồ sơ so với cùng đợt thi năm 2013.

Ở đợt 2, với các ngành tuyển sinh khối B,C,D, các ngành thi năng khiếu, số hồ sơ đăng ký dự thi giảm hơn 80.000 bộ, chỉ đạt khoảng 750.000 hồ sơ.

Ở đợt 3 dành cho các trường CĐ, con số này là hơn 261.000 hồ sơ, giảm hơn 80.000 bộ so với năm 2013.

Năm nay, lượng thí sinh dự thi vào các trường ĐH quân đội vẫn như năm ngoái. Riêng các trường công an, năm 2014 vẫn tiếp tục tăng lượng hồ sơ đăng ký dự thi lên hơn 30%, đạt khoảng 83.000 hồ sơ.

TP.HCM: Thí sinh làm thủ tục dự thi cao hơn năm trước

Tại TP.HCM, thống kê từ một số trường ĐH cho thấy tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi trong sáng 3-7 cao hơn năm 2013.

Ghi nhận tại các phòng thi tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho thấy số thí sinh vắng rất ít. Một giám thị cho biết so với năm trước, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi khá cao, cả phòng chỉ vắng 3 thí sinh. Một vài thí sinh đã dự thi năm trước rồi nên có thể sẽ không đến làm thủ tục. Đó đó, tỷ lệ thí sinh dự thi thực tế cũng sẽ cao hơn.

Bà Trịnh Minh Huyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 3-7 đạt 82,9% trong khi tỷ lệ này năm 2013 là 80,5%. Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi đạt 80% và tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm là 75%.

Tại Hội đồng thi trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, các thí sinh đã có mặt đông đủ để làm thủ tục dự thi và xử lý, chỉnh sửa thông tin sai.

Do có nhiều thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay, tại hội đồng thi Trường ĐH Sư Phạm các thí sinh phải xếp hàng dài chờ sửa thông tin. Phóng viên ghi nhận một số lỗi sai thông tin sau: khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, sai họ tên, địa chỉ, giới tính, sai mã ngành…

Thí sinh Nguyễn Hoàng Thanh Hiền ở Lagi, Bình Thuận cho biết: “Năm ngoái ở quê em là ưu tiên khu vực 1, nhưng năm nay thành khu vực 2 nông thôn, em không biết nên vẫn ghi là khu vực 1, nên đến trường để sửa lại thông tin”.

Trong khi đó thí sinh Dương Thị Mỹ Lợi, quê Xuân Hải, Huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho biết: “Năm rồi, quê em là KV2, nhưng năm nay là KV1, do không nắm bắt kịp thông tin nên em vẫn ghi KV2”. Đi cùng với Lợi, bạn Châu Thị Phơ cũng gặp lỗi tương tự. Ngoài những lỗi sai về khu vực thì tại hội đồng thi cũng ghi nhận nhiều lỗi sai về họ tên.

Thí sinh tên Ka Lình nhưng giấy báo thi viết Ka Linh, Nguyễn Thị Mỵ thành Nguyễn Thị Mị, thí sinh tên Phương Anh nhưng trong giấy báo thi viết Phươn Anh…

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh yên tâm dự thi, trường sửa thông tin sai trực tiếp vào giấy báo thi rồi ký tên đóng dấu.

HYbJxvPB.jpgPhóng to
Xem lại giấy tờ, phiếu báo thi - Ảnh: Thuận Thắng

Tại Đà Lạt, năm nay có 4 hội đồng thi được đặt ngay tại ĐH Đà Lạt (Phù Đổng Thiên Vương, P.8, TP Đà Lạt). Theo TS Lê Quốc Phong, phó hiệu trưởng ĐH Đà Lạt, phó chủ tịch thường trực hội đồng tuyển sinh, trong buổi tập trung đầu tiên vào sáng 3-7, có 2.526 thí sinh đến làm thủ tục trong tổng số 3.078 hồ sơ đăng kí dự thi (vắng 552 thí sinh), đạt tỷ lệ 82,07%.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào sáng 3-7 tại đây cho thấy, khuôn viên hội đồng thi ĐH Đà Lạt khá rộng nên lực lượng tình nguyện viên tiếp sức, hỗ trợ thí sinh tìm phòng, chỉ đường vào các khu vực thi được bố trí dày đặc. Mỗi khu điều được bố trí từ 3-5 tình nguyện viên.

Ngoài ra, hội đồng thi này còn bố trí rất nhiều hệ thống loa phát thanh thông tin các nội quy, quy chế phòng thi, các thông tin hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh…liên quan đến kỳ thi tại các khu có phòng thi để thí sinh nắm được một cách rõ ràng. Phía bên ngoài cổng hội đồng thi này cũng đã bố trí một xe y tế để đưa đón những thí sinh khuyết tật, có vấn đề về đi lại đến tận các phòng thi. Phía trước cổng trường và quanh khu vực ngã 5 lực lượng cảnh sát giao thông cũng được bố trí, phân luồng giao thông nên không xảy ra tình trạng ùn tắt, kẹt xe.

Đây cũng là năm đầu tiên ĐH Đà Lạt tuyển sinh khối A1 vào các ngành tự nhiên, công nghệ, kinh tế…Có hơn 400 cán bộ giảng viên được hy động để coi thi đợt này.

LucsKLv5.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi vào ĐH Quốc tế ĐHQG TP.HCM làm thủ tục nhận phòng thi, nghe quy chế thi tại hội đồng thi TrườngTHPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Tại Đà Nẵng, số lượng thí sinh đến làm thủ tục, điều chỉnh sai sót trong hồ sơ tăng cao hơn hẳn so với mọi năm. Tại hội đồng thi trường THPT Trần Phú, hồ sơ dự thi của thí sinh chủ yếu sai mã ngành, số báo danh, tên tuổi… đã được các cán bộ coi thi hướng dẫn sửa ngay tại chỗ.

Theo PGS. TS Trần Văn Nam - chủ tịch Hội đồng thi ĐH Đà Nẵng, năm nay số lượng thí sinh đến phòng thi nghe phổ biến quy chế tăng cao hơn hẳn những năm trước.

Trong buổi tập trung sáng 3-7, các cán bộ coi thi chủ yếu nhắc nhở, phổ biến thí sinh lưu ý việc mang theo các vật dụng vào phòng thi. Đặc biệt là điện thoại di động.

Tại điểm Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trong ngày làm thủ tục dự thi có nhiều thí sinh đến trễ. Một số thí sinh và người nhà đi lạc do trong trường có nhiều điểm thi. Bạn Nguyễn Thị Tuyết, tình nguyện viên cho biết: “Dù bọn em đã chỉ đường vào khu thi nhưng vẫn có phụ huynh nhầm. Nhiều phụ huynh phải chạy ngược ra lại để chúng em dẫn vào tận phòng”.

PGS. TS Lê Kim Hùng, trưởng điểm thi khu F Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết trong số 37 phòng thi tại điểm thi thì có hai phòng có diện tích rộng nên bố trí vách ngăn bằng bàn ở giữa để chia làm hai phòng thi. Mỗi phòng thi được ngăn sẽ có bảng riêng và có không quá 20 thí sinh và hai giám thi coi thi. Theo thầy Hùng, mặc dù được chia làm hai phòng nhưng khoảng cách bàn và lượng thí sinh đều được đáp ứng.

Theo ĐH Đà Nẵng, cán bộ coi thi đợt 1 chỉ có 25% là SV năm cuối nên không có trường hợp cả 2 cán bộ coi thi đều là SV. Số lượng đăng ký dự thi đợt 1 là 26.879 thí sinh, năm 2013 là 33.971 thì, giảm hơn 7.000.

wm5JdKof.jpgPhóng to
Làm thủ tục nhận phòng thi, nghe quy chế thi tại hội đồng thi trườngTHPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Tại Huế trong buổi tập trung đầu tiên, có 17.073 thí sinh đến làm thủ tục trong tổng số 20.573 hồ sơ (vắng 3.500 thí sinh), đạt tỉ lệ gần 83%. Trong đó, cao nhất là khối V với 349 thí sinh có mặt (trong số 383 hồ sơ), tỉ lệ 91,12%. Kế đến là khối A1 vơi 4.178 thí sinh (trong số 4.740 hồ sơ), tỉ lệ 88,14% và khối A với 12.546 thí sinh (trong số 15.450 hồ sơ), tỉ lệ 81,2%.

Với 20.573 hồ sơ trong đợt thi này, ĐH Huế bố trí thi tại 23 điểm trường trên địa bàn TP Huế với 560 phòng thi, tập trung chủ yếu ở bờ nam sông Hương.

Theo quan sát của Tuổi Trẻ, ngay sau giờ tập trung lúc 8g30 sáng, khu vực trước nhiều điểm thi của Huế bị kẹt xe cục bộ. Đó là các đoạn đường Lê Lợi (trước điểm thi Trường ĐH Sư phạm và Trường THPT Hai Bà Trưng), đường Đinh Tiên Hoàng (trước Trường THPT Nguyễn Huệ), đường Ngô Quyền (trước Trường ĐH Y dược)…

Tuy nhiên, việc tắc đường chỉ trong thời gian ngắn, sau một hồi phân luồng của lực lượng cảnh sát giao thông, việc đi lại đã trở nên thông thoáng.

Sáng 3-7, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hơn 14.000 suất cơm chay sẽ được phát miễn phí cho các thí sinh dự thi và người nhà thí sinh trong suốt hai đợt thi tuyển sinh.

Theo đó, thí sinh có thể đến điểm ăn tập trung, có bàn ghế và nước uống, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi), chùa Thành Nội (8 Lâm Mộng Quang), chùa Cát Tường (75 Yết Kiêu), chùa An Hòa (28/69 Đặng Tất), chùa Bửu Hương (phường Đúc), nhà 72A Đào Tấn.

Ngoài ra, ngay sau buổi thi sáng đầu tiên của mỗi đợt thi, trước nhiều điểm thi sẽ có đội ngũ cấp cơm hộp chay miễn phí cho thí sinh và người nhà.

aPVyWt0j.jpgPhóng to
Thí sinh nghe phổ biến quy chế tại hội đồng thi Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM, điểm thi của Trường ĐH Kinh tế) sáng 3-7 - Ảnh: Hà Bình
0Nf5WH8S.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi tại tại hội đồng thi Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Hà Bình
ypEtmkjt.jpgPhóng to
Một thí sinh chăm chú xem lại phiếu dự thi - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tại Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang có tỉ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi đạt 85,78%. Trường tổ chức tuyển sinh ở ba nơi: ở phía Bắc, hội đồng thi đặt tại Trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh (P. Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh); ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hội đồng thi đặt tại Trường THCS Ngô Quyền (11 Nguyễn Khuyến, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) và tại Nha Trang.

Tổng số phòng thi là 254 phòng với 695 cán bộ, sinh viên tham gia công tác tuyển sinh. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi đợt một toàn trường là 7.455 thí sinh, trong đó khối A có 5.405 thí sinh đăng ký, khối A1 có 2.050 thí sinh. Trong ngày làm thủ tục dự thi khối A có 4.645 thí sinh làm thủ tục (đạt 85,51%) và khối A1 có 1.776 thí sinh (đạt 86,51%).

ĐH Đà Nẵng đặc cách thi cho một thí sinh khiếm thị

Đó là thí sinh Trần Phú (26 tuổi, tỉnh Phú Yên). Phú bị khiếm thị từ nhỏ đến năm 10 tuổi thì mù hẳn, Phú được cho đi học tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng). Tiếp đó, Phú học hòa nhập tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng). Dù khiếm thị, nhưng thành tích học tập của Phú rất đáng khâm phục. Từ lớp 1 đến lớp 12 đều là học sinh giỏi, lớp 10, 12 Phú đạt giải nhì môn văn cấp TP, lớp 9, 11 Phú đạt giải nhất môn văn…

Ngày 29-6, Phú đón tàu từ quê ra Đà Nẵng và ở nhờ tại chùa Pháp Lâm (Đà Nẵng). “Em đăng ký thi vào Khoa tâm lý của trường ĐH Sư phạm với ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý” - Phú chia sẻ.

PGS. TS Trần Văn Nam cho biết: “Phú là học sinh khuyết tật, lại học giỏi và là con của ngư dân Phú Yên nên ĐH Đà Nẵng đặc cách thi cho em”. Trước đó, ĐH Đà Nẵng cũng đặc cách thi cho 1 thí sinh nhiễm chất độc da cam.

M.GIẢNG - VŨ ANH - PH.THÀNH - Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG - H.NHUNG - HỮU TRIỂN - D.THƯƠNG - C.TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên