09/07/2016 12:12 GMT+7

Tuyên thệ nhậm chức ở Quốc hội: đại biểu cần đứng trang nghiêm

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Bộ 
VH-TT&DL cho rằng cần xây dựng nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các lãnh đạo cấp cao vì "khi có người tuyên thệ, các đại biểu có mặt trong hội trường Quốc hội cần phải đứng trang nghiêm thay cho ngồi".

Tân chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ sau khi nhậm chức ngày 31-3-2016 - Ảnh: Việt Dũng

Ngày 8-7, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu.

Báo cáo nêu lý do cần xây dựng nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các lãnh đạo cấp cao vì:

“Trên thực tế, tại lần tuyên thệ vừa qua, khi người tuyên thệ, các đại biểu có mặt trong hội trường Quốc hội cần phải đứng trang nghiêm (giống như nghi lễ chào cờ) thay cho việc ngồi như hiện nay.

Trên bục tuyên thệ cần phải đảm bảo tính thiêng liêng, do đó Đoàn chủ tịch điều hành phiên họp không nên ngồi ở phía trên khi diễn ra lễ tuyên thệ; có đại biểu còn dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh... Những hình ảnh đó chưa thể hiện tính trang nghiêm của buổi lễ tuyên thệ”.

Có hai phương án tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những nội dung quy định cụ thể của hai phương án về cơ bản đều giống nhau:

- Bốn chức danh thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; 

- Địa điểm tại hội trường kỳ họp Quốc hội của nhà Quốc hội; 

- Thời gian đọc lời tuyên thệ không quá 1 phút; 

- Nhạc lễ sẽ cử bài Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho) khi người đọc tuyên thệ đi lên và bài Vì nhân dân quên mình (Doãn Quang Khải) khi đi xuống (ở phương án hai sẽ cử thêm bài Tiến quân ca (Văn Cao) khi thực hiện lễ chào cờ); 

- Người điều hành lễ tuyên thệ nhậm chức là phó chủ tịch Quốc hội hoặc tổng thư ký Quốc hội; 

- Trang phục của người tuyên thệ phải có màu sẫm, nam mặc âu phục có cà vạt, nữ mặc áo dài truyền thống...

Bà Trịnh Thị Thủy - cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - cho biết điểm khác nhau của hai phương án là cách tổ chức nghi lễ tuyên thệ tại phiên họp toàn thể của Quốc hội hoặc tổ chức thành nghi lễ riêng, ngay sau khi kết thúc phiên họp.

Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất trong khi tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức, các đại biểu Quốc hội không được quay phim, chụp ảnh (trừ các cơ quan báo chí).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét về cơ bản, ông tán thành những nghi thức này vì nó trang trọng, ngắn gọn, đồng thời khắc phục được những khiếm khuyết của nghi lễ tuyên thệ nhậm chức vừa qua.

Tuy nhiên, ông cho rằng về trang phục nên sử dụng từ ngữ trong văn bản cho chuẩn mực tiếng Việt (Bộ VH-TT&DL dùng chữ comple, cravat).

Phần nhạc lễ khi cử bài Tiến quân ca cũng cần làm rõ chỉ cử quốc thiều hay tất cả cùng hát quốc ca. Về cách tổ chức, ông đồng tình với phương án thứ nhất, tổ chức nghi lễ nhậm chức ngay tại phiên họp toàn thể thay vì tách riêng.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên