Trong khi đó, phía các trường lại lo hiện tượng hồ sơ ảo.
Phóng to |
Với số lượng thí sinh đăng ký tuyển thẳng khá lớn, cuộc đua của thí sinh dự thi trở nên căng thẳng hơn. Trong ảnh: thí sinh dự thi khối C vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Quy định xét tuyển thẳng ĐH đối với học sinh giỏi quốc gia được áp dụng trở lại bắt đầu từ kỳ tuyển sinh 2012 đã khiến nhiều trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, sư phạm (nhất là các ngành văn, sử, địa) khấp khởi hi vọng nguồn tuyển thẳng bảo đảm chất lượng.
Điểm chuẩn bị đẩy cao
"Với cơ chế xét tuyển linh hoạt, các trường được tự chủ số đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển thì các trường có số lượng tuyển thẳng lớn buộc phải chấp nhận việc giải quyết tình huống này như cách giải quyết hồ sơ “ảo” thông thường" |
Trước số liệu này, một số cán bộ của trường đã đưa ra nhận định điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ cao hơn hẳn năm trước. “Bằng chính sách tuyển thẳng áp dụng năm 2012, có thể thấy dễ dàng đợt thi thứ hai các ngành thi khối C của trường sẽ có sự đua tranh khốc liệt để giành một suất trúng tuyển. Điểm chuẩn của những ngành này dự báo sẽ cao” - TS Nguyễn Thị Tĩnh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, chia sẻ.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cũng đã hoàn tất việc thông báo trúng tuyển cho 49 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng vào trường. Trong số này, ngành có số đăng ký xét tuyển thẳng nhiều nhất cũng tương tự như ở Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội chính là ngành lịch sử. Trong khi chỉ tiêu của ngành là 90 thì số lượng tuyển thẳng đã hơn 20 thí sinh.
Tuy nhiên, khác với sự phấn khởi của Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, nhiều trường dù có số hồ sơ tuyển thẳng cao vẫn không giấu được tâm lý lo xa. Một cán bộ đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) bày tỏ nghi ngại số lượng hồ sơ tuyển thẳng nhiều không đồng nghĩa với việc chắc chắn trường sẽ tuyển được những học sinh đoạt giải.
“Các thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia có đồng thời ba con đường: đăng ký tuyển thẳng, nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển và thi ĐH bình thường. Trong 49 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng vào trường năm nay có không ít thí sinh vừa đăng ký tuyển thẳng lại vừa nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển” - vị cán bộ này cho biết.
Chưa kể nhiều trường còn phát hiện có thí sinh muốn “chắc ăn” nên đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau của trường... Hội đồng tuyển sinh các trường lại buộc phải gửi thông tin về Sở GD-ĐT yêu cầu thí sinh xác nhận chọn một trong những ngành đã đăng ký.
Lo tuyển thẳng ảo
Theo một số hội đồng tuyển sinh, số lượng tuyển thẳng quá cao nhưng không có cơ chế nào ràng buộc thí sinh phải lựa chọn ngành học đã đăng ký xét tuyển sẽ có thể tạo ra sự thiệt thòi không tránh khỏi đối với thí sinh thi trực tiếp vào các ngành tuyển thẳng, đặc biệt là ngành sư phạm, khoa học cơ bản...
Do số hồ sơ xét tuyển thẳng được chấp nhận lớn, nên số chỉ tiêu còn lại dành cho thí sinh trải qua cuộc “vượt vũ môn” trong hai ngày 9 và 10-7 thật sự “khốc liệt”. 90 chỉ tiêu của ngành sư phạm lịch sử Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội chỉ dành lại gần 40 chỉ tiêu cho số lượng không nhỏ thí sinh đăng ký dự thi.
“Nếu các em tuyển thẳng nhập học thì không sao, nhưng nếu các em lại trúng ngành đăng ký ưu tiên hoặc đỗ ĐH bằng đường các em tự thi thì sẽ gây thiệt cho thí sinh thi nguyện vọng 1 vào trường. Số lượng tuyển thẳng lớn, điểm chuẩn cao, số tuyển thẳng không nhập học, cả trường và thí sinh đi thi đều sẽ không tuyển được nhau theo cách tối ưu nhất” - lãnh đạo một trường đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn lo lắng.
Ông Đỗ Thanh Duy, trưởng phòng tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng những khó khăn các trường đề cập thì các trường phải tự giải quyết.
“Bộ ra quy chế tuyển thẳng để khuyến khích học sinh giỏi vào các ngành khoa học cơ bản, sư phạm. Nhưng các trường cũng phải tự điều chỉnh để ra những quy định riêng, tại sao lại để số tuyển thẳng lên đến 50% để lây những lo lắng? Nhiều trường đã khống chế ngay tỉ lệ tuyển thẳng không quá 10% chắc chắn sẽ không xảy ra hiện tượng này” - ông Duy nói.
Phía Nam: hồ sơ tuyển thẳng không nhiều Tại nhiều trường phía Nam, số lượng hồ sơ đăng ký tuyển thẳng không đến mức quá căng thẳng. Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM đã chấp thuận tuyển thẳng 50 học sinh vào học các ngành bậc ĐH của trường trong năm 2012. Đây là các học sinh đã đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Năm nay, nhà trường tuyển thẳng thí sinh vào ba ngành: bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt và dược sĩ. Trong số các học sinh được tuyển thẳng năm nay, ngành bác sĩ đa khoa có số học sinh được tuyển thẳng nhiều nhất là 25, kế tiếp là ngành dược sĩ với 23 học sinh và hai học sinh vào ngành bác sĩ răng hàm mặt. Trong khi chỉ tiêu ngân sách nhà nước ngành bác sĩ đa khoa là 300, ngành bác sĩ răng hàm mặt là 90 và ngành dược sĩ 200 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) năm nay có tổng số 54 học sinh đăng ký xét tuyển thẳng. Trong đó có 41 học sinh thuộc diện đoạt giải các kỳ thi chọn học sinh giỏi, năm học sinh khiếm thị và bảy học sinh thuộc các vùng miền đặc biệt khó khăn. Theo ThS Tạ Quang Lâm - quyền trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường tuyển thẳng 51 học sinh. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), trường đã công bố tuyển thẳng 53 học sinh. Số học sinh này rải đều ở nhiều ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên ông Quang cho biết: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng trước ngày 30-6, nhưng thời gian này một số sở GD-ĐT vẫn tiếp tục gửi danh sách về trường, việc này có thể ảnh hưởng đến việc xét tuyển. Tôi e rằng nếu xét đến học sinh của các đơn vị gửi trễ sẽ làm tăng chỉ tiêu tuyển thẳng ở một số ngành cụ thể”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận