20/07/2020 13:45 GMT+7

Tuyển sinh cầu thủ trẻ của các học viện, trung tâm: 'Ngăn sông cấm chợ' tìm cầu thủ trẻ

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu như các bạn trẻ được phát triển trong môi trường đào tạo tốt nhất. Nhưng các lò đào tạo hiện rất khó tuyển sinh ở những địa phương nổi tiếng có nhiều tài năng do không được đồng ý.

Tuyển sinh cầu thủ trẻ của các học viện, trung tâm: Ngăn sông cấm chợ tìm cầu thủ trẻ - Ảnh 1.

Học viện Juventus Việt Nam đi tuyển sinh ở các địa phương vào tháng 6 và 7 - Ảnh: Học viện Juventus Việt Nam

Các lò đào tạo như Học viện Juventus Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai - JMG, Viettel hay Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) đều rất khó tuyển sinh ở những địa phương nổi tiếng có nhiều tài năng.

Tháng 6 vừa qua, Học viện Juventus Việt Nam khi đi tuyển sinh khóa II trên toàn quốc đã không thể đến Hà Tĩnh hay Nghệ An để tuyển sinh vì không được đồng ý.

“Mong sao các địa phương nên mở cửa cho các học viện hay trung tâm vào tuyển sinh bởi bóng đá Việt Nam sẽ là nơi thừa hưởng những cầu thủ tài năng ấy. Chúng ta hướng đến giấc mơ World Cup thì phải mở rộng vòng tay. 

Ông TRẦN VĂN MINH

Học viện Juventus Việt Nam nhiều lần bị ngăn cản

Để tuyển sinh khóa II hồi tháng 6 vừa qua, theo kế hoạch, học viện sẽ đi Đồng Tháp, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Đắk Lắk. Nhưng giờ chót, học viện phải hủy kế hoạch tuyển sinh tại Hà Tĩnh vì không được địa phương cho phép.

"Năm 2018, chúng tôi tuyển sinh khóa I ở Hà Tĩnh không có vấn đề gì. Còn năm nay, chúng tôi gửi công văn xin phép từ ngày 22-5 nhưng đến ngày 15-6 Hà Tĩnh mới trả lời là không được, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong và 6 ngày nữa là tiến hành", đại diện học viện nói.

Theo tìm hiểu, lý do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh từ chối là vì địa phương này đang phối hợp với một trung tâm đào tạo khác. Bị từ chối, học viện phải chuyển hướng sang Quảng Trị. Nhưng tại đây, học viện cũng bị can thiệp ngầm để buổi tuyển sinh không diễn ra. Tuy nhiên do Quảng Trị đồng ý từ trước rồi nên "kế hoạch" can thiệp đã bất thành.

Lý do của sự can thiệp này là do một trung tâm khác sẽ tuyển sinh đào tạo tại Quảng Trị trong năm nay. Nói về câu chuyện này, đại diện Học viện Juventus Việt Nam chia sẻ: "Người ta cũng sợ chúng tôi vào tuyển sinh sẽ lấy hết cầu thủ trẻ chất lượng nên cũng lên tiếng với Sở VH-TT&DL để đừng cho vào.

Nếu địa phương nào cũng không cho phép các trung tâm ở nơi khác vào tuyển sinh thì sẽ hạn chế sự phát triển của các cầu thủ trẻ. Các em cần được chọn trung tâm tốt nhất cho sự phát triển của mình và nó tốt cho bóng đá Việt Nam, chứ không riêng gì học viện hay lò đào tạo nào cả".

Tuyển sinh cầu thủ trẻ của các học viện, trung tâm: Ngăn sông cấm chợ tìm cầu thủ trẻ - Ảnh 3.

Học viện Juventus Việt Nam đi tuyển sinh hồi tháng 6 vừa qua - Ảnh: Juventus Việt Nam

"Lách" để tuyển sinh

Ngay Học viện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - JMG là một ví dụ về chuyện bị ngăn cản khi tuyển sinh. "Khi còn đi tuyển sinh toàn quốc, các địa phương không cho chúng tôi vào thường là Nghệ An, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai và Đồng Tháp" - ông Trần Văn Minh, phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần thể thao HAGL, chia sẻ.

Ông Minh kể: "Khi muốn đến địa phương nào đó để tuyển sinh, Học viện HAGL - JMG sẽ gửi công văn xin phép. Nếu được đồng ý, đoàn sẽ đến tiền trạm địa điểm tổ chức, làm việc với địa phương để thuê sân bãi, lực lượng tổ chức. Các địa phương đồng ý cho chúng tôi vào thường trả lời trong vòng một tuần, còn những nơi không cho vào thì... im lặng.

Do đó, học viện phải chọn cách tuyển sinh gần nơi muốn đến mà không được để phụ huynh có thể đưa con đến thi tuyển. Chẳng hạn muốn lấy cầu thủ trẻ Nghệ An - địa phương được xem là có nhiều tài năng, chúng tôi phải đi tuyển sinh ở Hà Tĩnh".

Tuy nhiên, cách làm này cũng không mấy hiệu quả do các cầu thủ trẻ được HLV căn dặn không được đi dự tuyển sinh. Do đó, sau khi tính toán lại, Học viện HAGL đã chọn cách tuyển sinh ngay tại học viện.

Ông Minh giải thích: "Khi đi tuyển sinh trực tiếp, số lượng đến rất đông nhưng những em tài năng thì không nhiều. Còn tuyển sinh tại học viện dù ít hơn nhưng chất lượng lại tốt hơn. Chưa kể chúng tôi cũng vẫn tuyển được nhiều tài năng ở các địa phương mà mình không đến được như Nghệ An, Thanh Hóa hay Đồng Nai.

Với những em này, nếu trúng tuyển, chúng tôi sẽ hoàn tiền đi đến Pleiku".

Tuyển sinh cầu thủ trẻ của các học viện, trung tâm: Ngăn sông cấm chợ tìm cầu thủ trẻ - Ảnh 4.

Trần Sơn Nguyên - cầu thủ SLNA vừa thi tuyển vào PVF tại Hà Tĩnh hồi tháng 6 - Ảnh: PVF

Ngăn cấm nhưng Nghệ An cũng chịu cảnh bị "rút ruột" tài năng

Nghệ An có hệ thống tuyển sinh nghiệp dư rộng khắp ở các huyện, bắt đầu từ 10 tuổi. Các huyện nắm rất rõ số lượng cầu thủ nhí ở độ tuổi 10, 11 để tổ chức giải đấu hằng năm. Từ đó, ban tuyển sinh của CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) sẽ đi xem và chọn ra những gương mặt xuất sắc.

Tiếp đó, một năm hai lần, ban tuyển sinh sẽ kiểm tra, sàng lọc những gương mặt đã trúng tuyển nhằm có thể tối ưu hóa việc đào tạo nhân tài.

Tuy nhiên, những năm qua SLNA cũng mất không ít tài năng trẻ. Việc các học viện hay trung tâm mới ra đời có cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia huấn luyện tốt hơn đã khiến nhiều tài năng ở Nghệ An có thêm sự lựa chọn trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Trần Sơn Nguyên là ví dụ. Cầu thủ sinh năm 2009 này đã tập luyện tại lò VSH của cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng và cũng vừa qua vòng sơ khảo của CLB SLNA, nhưng gia đình vẫn cho em đến điểm dự tuyển của PVF tại Hà Tĩnh hồi tháng 6 vì cho rằng điều kiện vật chất và đội ngũ HLV tại đây tốt hơn.

Ngoài ra, SLNA còn bị "rút ruột" từ chính các lò đào tạo tại địa phương - vệ tinh của các trung tâm ở nơi khác. Lò VSH đặt tại Cửa Lò - "vệ tinh" của CLB Hà Nội - là ví dụ. Sau khi trải qua quá trình đào tạo cơ bản từ lứa U11 đến U15, các viên ngọc thô xứ Nghệ của lò VSH sẽ được sàng lọc trước khi chuyển ra Hà Nội đào tạo nâng cao.

Về chuyện này, chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh than thở: "Về lý, họ có quyền lấy khi các cầu thủ chỉ mới tập nghiệp dư tại các huyện, chúng tôi không có quyền giữ. Nhưng về tình thì không nên bởi họ cần tôn trọng công sức của chúng tôi".

Công Phượng cũng từng đi đường vòng

Câu chuyện Công Phượng trúng tuyển vào khóa đầu tiên của Học viện HAGL - JMG năm 2007 cũng là một minh chứng cho tình trạng "ngăn sông cấm chợ" ở địa phương.

Do không được vào Nghệ An tuyển sinh nên Học viện HAGL - JMG chỉ có thể tuyển sinh tại Hà Tĩnh. Nhưng năm 2007 mạng xã hội không phổ biến như bây giờ, nên nhiều gia đình các tài năng trẻ không biết thông tin để đến Hà Tĩnh thi tuyển.

Sau đó mới biết thông tin nên Công Phượng phải đến Pleiku dự thi, rồi trúng tuyển vào Học viện HAGL - JMG và giờ trở thành ngôi sao của bóng đá Việt Nam.

Xu thế dùng lò đào tạo vệ tinh

Bên cạnh Học viện HAGL - JMG, Học viện NutiFood - JMG cũng chọn cách tuyển sinh tại học viện thay vì đi tuyển sinh tại 18 tỉnh thành trên cả nước như năm 2015.

Bên cạnh tuyển sinh tại nơi đóng quân của mình, các trung tâm còn đặt liên hệ với các lò đào tạo vệ tinh ở địa phương. Ngoài CLB Hà Nội với hai vệ tinh VSH (Nghệ An) và Gia Lâm (Hà Nội), Trung tâm bóng đá Viettel cũng có cách làm tương tự.

HLV Đặng Thanh Phương chia sẻ: "Kể từ năm 2019, Viettel chỉ tuyển sinh tại chỗ trong vòng một ngày, từ hơn 1.000 em chọn ra 30 em xuất sắc. Còn lại, chúng tôi có xu hướng lấy cầu thủ ở các trung tâm vệ tinh.

Từ chỗ có 10 trung tâm vệ tinh, chúng tôi hiện còn 5 trung tâm vệ tinh Sầm Sơn, Hải Dương, Thái Nguyên, Đà Nẵng và Đồng Nai để tuyển chọn cầu thủ cung cấp về cho trung tâm chính".

Chuyên gia Đoàn Minh Xương:

Cần xây dựng hành lang pháp lý

Các học viện hay trung tâm bóng đá đều có quyền đi tuyển sinh ở nơi khác, không phải địa phương mình đặt trụ sở, vì họ có chức năng đào tạo. Nên các địa phương nếu từ chối không cho họ vào thì liệu có đúng luật?

Tôi nghĩ vấn đề này cần được Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT xem xét, xây dựng hành lang pháp lý, không chỉ cho bóng đá mà cho các môn thể thao khác nữa.

Đào tạo trẻ phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Không phải cứ có cơ sở vật chất tốt hay HLV giỏi là nhất định sẽ thành công. Các tài năng của Nghệ An có thể đang phải tập luyện ở môi trường còn nhiều thiếu thốn, nhưng nếu đưa họ vào môi trường điều kiện tốt của các học viện chuyên nghiệp khác có khi lại không thành công.

Vì đào tạo trẻ còn là tính truyền thống, tính địa phương. Nhưng rõ ràng việc các địa phương ngăn cản các học viện hay trung tâm bóng đá đến tuyển sinh là điều không tốt.

Phó chủ tịch LĐBĐViệt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn:

Càng mở rộng phạm vi tuyển sinh thì càng tốt

Các học viện hay trung tâm bóng đá khi đi tuyển sinh ở nơi khác thì phải làm việc với địa phương sẽ đến, chứ không phải muốn là vào làm.

Tôi không rõ các địa phương có cho học viện này vào và không cho học viện kia vào tuyển sinh hay không, nhưng càng mở rộng phạm vi tuyển sinh thì càng tốt trong việc tìm kiếm và đào tạo tài năng cho bóng đá Việt Nam.

Việc các học viện hay trung tâm bóng đá lớn đến các địa phương khác tuyển sinh là điều tốt và các địa phương nên để cho các tài năng trẻ của mình có cơ hội thử sức, cũng như thỏa khát vọng được chọn vào lò đào tạo mình thích hay có điều kiện tập luyện đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Nghệ An Nguyễn Thị Thanh Hương:

Sẽ ràng buộc nhiều vấn đề

Các học viện hay trung tâm bóng đá khác muốn về Nghệ An tuyển sinh phải xin phép chúng tôi. Tôi không nhớ những học viện nào đã xin phép vào Nghệ An để tuyển sinh vì cần phải kiểm tra lại, đang cuối tuần nên tôi sẽ trả lời rõ hơn ở ngày làm việc trở lại.

Tuy nhiên, nếu các học viện bóng đá ở nơi khác đến tuyển sinh không ảnh hưởng đến công tác đào tạo trẻ ở Nghệ An thì chúng tôi cơ bản đồng ý, nhưng sẽ ràng buộc nhiều vấn đề.

Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh:

Từ chối do đang phối hợp với PVF

Trong công văn trả lời Học viện Juventus Việt Nam, lý do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh từ chối cho vào tuyển sinh là vì địa phương này đang phối hợp với Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) tuyển chọn và đào tạo các lứa U tham gia các giải trẻ quốc gia, cũng như cung cấp cầu thủ cho đội 1 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thi đấu chuyên nghiệp.

Do đó, việc tuyển sinh năng khiếu bóng đá của các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn Hà Tĩnh là không phù hợp với chủ trương, tinh thần của nghị quyết số 154/2019/NQ-HĐND ngày 17-7-2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030.

Đại diện Học viện Juventus Việt Nam:

Ở địa phương khác chỉ cần thông báo

Thật ra khi đi tuyển sinh ở địa phương khác, chúng tôi chỉ cần thông báo là chúng tôi sẽ đến đó tuyển sinh thôi. Vì cái này không ai cấm và không cần phải xin phép. Nhưng xét ra, Sở VH-TT&DL vẫn có quyền cho phép hay không do quản lý về mặt nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi về mặt lịch sự và an tâm triển khai công việc vẫn cần có công văn xin phép.

NGUYÊN KHÔI ghi

Nhiều trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ nhưng sao chưa thấy tài năng? Nhiều trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ nhưng sao chưa thấy tài năng?

TTO - Để tuyển chọn lực lượng cho SEA Games 31, phó chủ tịch thường trực VFF (LĐBĐViệt Nam), ông Trần Quốc Tuấn cho biết HLV Park Hang Seo cùng các cộng sự sẽ theo dõi sát sao các trận đấu ở giải hạng nhất.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên