Vụ bê bối kể trên diễn ra vào ngày 22-7. Theo đó, tuyển New Zealand phàn nàn rằng buổi tập của họ bị gián đoạn bởi chiếc drone của Canada.
Vụ việc được trình báo lên IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) và phía New Zealand cho biết họ "rất sốc và thất vọng" vì hành vi mang tính do thám của đối thủ.
Trận đấu giữa Canada và New Zealand diễn ra vào ngày 25-7, với chiến thắng 2-1 nghiêng về Canada.
Ngay trước khi trận đấu diễn ra, Ủy ban Olympic Canada đã thông báo trục xuất chuyên gia phân tích Lombardi và trợ lý Mander - những người trực tiếp điều khiển vụ drone - khỏi đội tuyển. HLV trưởng Priestman cũng bị đình chỉ nhiệm vụ.
Vụ việc ngay lập tức làm dậy sóng Olympic 2024, trở thành bê bối đầu tiên của kỳ thế vận hội năm nay. HLV Bev Priestman sau đó cũng đứng ra nói lời xin lỗi, và nhận trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, bà Priestman cũng trần tình rằng mình không hề đưa ra chỉ đạo "do thám đối thủ".
Sau án phạt ban đầu của Ủy ban Olympic Canada, FIFA mới đây đã chính thức can thiệp, với một án phạt nặng dành cho tuyển Canada cũng như HLV Priestman.
Cụ thể, bà Priestman cùng 2 trợ lý của mình bị cấm hành nghề trong 1 năm. Còn tuyển Canada bị trừ 6 điểm ở giai đoạn vòng bảng Olympic 2024.
Điều này đồng nghĩa, điểm số của Canada ở bảng A trở thành -3 sau lượt trận đầu tiên. Pháp hiện giữ ngôi đầu bảng với 3 điểm, còn Colombia vươn lên hạng nhì dù chưa có điểm (hiệu số -1), xếp trên New Zealand nhờ hơn số bàn thắng.
Hy vọng chưa hoàn toàn chấm dứt với tuyển nữ Canada. Họ vẫn có thể giành vé đi tiếp nếu toàn thắng 2 trận đấu còn lại. Dù vậy, việc mất HLV trưởng, và cú sốc sau án phạt của FIFA có thể khiến các cô gái Canada không còn giữ được phong độ.
Bà Priestmann nhậm chức HLV trưởng tuyển Canada từ năm 2020 đến nay. Chỉ 1 năm sau đó, bà lập cộng lớn khi đưa đội giành HCV môn bóng đá nữ ở Olympic Tokyo.
Trợ lý HLV Andy Spence sẽ tạm quyền dẫn dắt tuyển Canada trong phần còn lại của kỳ Olympic.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận