Pulisic (số 10) đứng trước nguy cơ thêm một lần lỡ hẹn với World Cup - Ảnh: FourFourTwo
Kể từ khi người Mỹ "nghiêm túc" với bóng đá từ World Cup 1990, họ chỉ vắng mặt ở World Cup 2018. Oái oăm thay, chuỗi tham dự 6 kỳ World Cup liên tiếp của bóng đá Mỹ khi đó lại bị chặn đứng vào đúng giai đoạn người ta tưởng rằng là hùng mạnh nhất của họ.
Không chỉ có mỗi Pulisic
4 năm trước, tuyển Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử sở hữu một ngôi sao trẻ được cả châu Âu thèm muốn: Christian Pulisic - tiền đạo bộc lộ năng khiếu hơn cả huyền thoại Landon Donovan, và chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với những "thần đồng" trước đó của bóng đá Mỹ như Adu, Altidore...
Pulisic thực sự tỏa sáng trong màu áo Mỹ với 7 bàn ở vòng loại World Cup 2018. Nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn một tuyển Mỹ ì ạch và chủ quan. Họ thua sốc đội chót bảng Trinidad & Tobago ở vòng đấu cuối cùng của giai đoạn vòng loại chung cuộc, để rồi mất luôn cả suất đá play-off.
Sau 4 năm, nỗi nuối tiếc sẽ còn lớn hơn nữa nếu Mỹ tiếp tục để mất tấm vé đi World Cup 2022. Pulisic bây giờ không phải là ngôi sao đắt giá duy nhất mà HLV Gregg Berhalter sở hữu. Đã qua lâu rồi cái thời các cầu thủ Mỹ chỉ biết quanh quẩn ở giải quốc nội, hoặc chơi trong các CLB loại trung bình ở Đức.
Ngoài Pulisic - người vẫn được xem là ngôi sao ở Chelsea, tuyển Mỹ bây giờ còn có Giovanni Reyna (Dortmund, Transfermarkt định giá 42 triệu euro), Weston McKennie (Juventus, 25 triệu euro), Brenden Aaronson (Leipzig, 20 triệu euro), Sergino Dest (Barca, 18 triệu euro), Tyler Adams (Leipzig, 17 triệu euro)...
Nhiều sao chưa hẳn tốt?
Nếu triệu tập đầy đủ đội hình, đội ngũ tốt nhất của tuyển Mỹ lúc này sẽ được định giá vào khoảng 300 triệu euro - ngang ngửa với những đội ở mức khá của châu Âu như Croatia hay Đan Mạch, và vượt trội Mexico.
Trong quá khứ, Mexico mới là đội tuyển sở hữu nhiều cá nhân kiệt xuất của bóng đá khu vực CONCACAF như Chicharito, Borgetti, Rafael Marquez... Chất kỹ thuật, pha trộn màu sắc Latin của họ cũng được mến mộ hơn nhiều so với lối đá "robot" của Mỹ. Vào lúc này, Mỹ đang có một mặt bằng bóng đá cao hơn so với Mexico. Quá nửa đội ngũ tốt nhất của tuyển Mỹ hiện đang chơi bóng ở châu Âu, trong khi tỉ lệ của Mexico chỉ vào khoảng 1/3. Và Mỹ ăn đứt về số lượng ngôi sao.
Nhưng tình cảnh lúc này với Pulisic và các đồng đội lại chẳng khác là bao so với 4 năm trước. Giai đoạn vòng loại chung cuộc của CONCACAF hiện còn 2 vòng đấu nữa, nhưng tình thế của tuyển Mỹ hiện vẫn rất bấp bênh khi họ đứng hạng 2 với 22 điểm, kém đội đầu bảng Canada (đã giành vé) 3 điểm, bằng Mexico, và hơn Costa Rica 3 điểm, Panama 4 điểm.
Trong 2 vòng đấu cuối, Mỹ phải chạm trán cả 2 đối thủ đua tranh trực tiếp là Panama và Costa Rica. Kể cả khi thắng Panama ở vòng 13, Mỹ vẫn có thể bị loại nếu thua Costa Rica ở vòng cuối cùng.
Tại sao trong thời kỳ bóng đá Mỹ hầu như chẳng có nổi một cầu thủ tỏa sáng ở châu Âu, họ vẫn đều giành vé đến World Cup còn bây giờ lại gặp khó?
Sự tiến bộ của Costa Rica, Canada là một nguyên do. Thêm vào đó, có vẻ các HLV tuyển Mỹ chưa thích nghi với việc lắp ráp đội hình dựa trên dàn sao "đánh thuê". Mặt khác, nhiều người trong số họ đã bị "vắt kiệt" ở các giải đấu hàng đầu. Chẳng hạn, Dest, McKennie và Aaronson đều vắng mặt vì chấn thương.
Lượt trận vòng 13 của khu vực CONCACAF sẽ diễn ra sáng 28-3, với tâm điểm là trận Mỹ - Panama (lúc 6h).
Mexico yên tâm
Trái ngược với sự lo lắng của tuyển Mỹ, Mexico tuy bằng điểm nhưng không có gì phải lo lắng về cơ hội giành vé đi World Cup 2022 bởi trong 2 vòng đấu cuối, họ chỉ phải gặp Honduras và El Salvador - những đội đang xếp cuối bảng.
Có 3,5 vé dự World Cup 2022 được phân bổ cho khu vực CONCACAF. 3 đội đầu sẽ giành vé trực tiếp, còn đội hạng 4 sẽ đá play-off với đại diện của châu Đại dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận