16/04/2018 15:15 GMT+7

Tuyên dương 48 doanh nhân là người khuyết tật

Đ.DŨNG
Đ.DŨNG

TTO - 48 đại biểu người khuyết tật là giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đến từ 37 tỉnh, thành cả nước đã có buổi gặp mặt tại Hà Nội trong chương trình "Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật".

Tuyên dương 48 doanh nhân là người khuyết tật - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng động viên, chúc mừng sự thành công của các doanh nhân là người khuyết tật - Ảnh: Đ.DŨNG

Chương trình do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 38 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam 18-4.

48 đại biểu người khuyết tật là 48 câu chuyện kể về quá trình đi lên, thành lập, phát triển doanh nghiệp, cơ sở. 

Họ đến từ mọi miền đất nước, hoàn cảnh, điều kiện, môi trường, tình trạng khuyết tật khác nhau, trong đó có những người không một ngày đến trường nhưng ở họ đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, vượt qua khuyết tật, tiến lên phía trước.

Điển hình như ông Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ), liệt toàn thân, chỉ có hai ngón tay còn cử động, đã thành lập Công ty TNHH NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình. 

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay công ty đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hằng năm đạt 6-8 tỉ đồng.

Hay như chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Quảng Nam) cùng chồng thành lập Công ty TNHH Quang Toàn, chuyên mua bán, sửa chữa các loại môtô, gia công cơ khí. 

Hằng năm, công ty nộp ngân sách trên 2 tỉ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa) với chiều cao 0,8m, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống "có những nỗi đau phải tự mình chấm dứt, có những nước mắt phải tự mình lau khô, có những nụ cười phải tự mình mang đến, có những hạnh phúc phải tự mình tạo nên". 

Ngẩng cao đầu bằng chiều cao của ý chí và nghị lực, chị đã thành lập Công ty TNHH sản xuất-dịch vụ và thương mại Suri, chuyên sản xuất các mặt hàng bêtông đúc sẵn, bàn ghế đá granite, kinh doanh vận tải, san lấp mặt bằng, cho thuê kho bãi.

Người khuyết tật vận động làm quản lý đã khó, người khiếm thị vươn lên làm chủ còn khó khăn gấp nhiều lần. 

Như ông Điêu Chính Quốc Tuấn (Bình Phước), vốn xuất thân từ gia đình nông dân, lại bị khiếm thị, nhưng ông luôn xác định phải làm gì đó để không sống phụ thuộc. 

Ông chấp nhận các nghề làm chỉ đủ sống, từ xay đậu hũ, bán tạp hóa nhỏ cho đến làm dịch vụ nấu ăn. 

Năm 2008, ông thành lập Hoa Viên Thanh Yến chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cơ sở đã tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên.

Phát biểu tại chương trình, chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Lương Phan Cừ nêu rõ tiềm năng của người khuyết tật chưa được khai thác còn rất lớn, họ luôn có hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, họ cần được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ hội phát triển. 

Một đất nước phát triển thịnh vượng là đất nước mà ở đó mọi tiềm năng đều có cơ hội bình đẳng.

Bị phạt 1- 3 triệu đồng nếu không giúp người khuyết tật Bị phạt 1- 3 triệu đồng nếu không giúp người khuyết tật

TTO - Đề xuất phạt 1-3 triệu đồng với những ai không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật và người cao tuổi khi tham gia giao thông đang khiến dư luận quan tâm.

Đ.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên