21/10/2011 02:25 GMT+7

Tường trình từ Bangkok: Nước tấn công!

VY HOÀN
VY HOÀN

TT - Người dân bắt đầu lo ngại Bangkok sẽ thất thủ trước khối lượng nước khổng lồ.

MMoI2bqJ.jpgPhóng to

Người dân ngồi trước cửa tiệm bị nước lũ vây quanh, sau khi đê bao chống lũ ở ngoại thành Bangkok bị vỡ - Ảnh: AFP

Thủ tướng Yingluck: “Tôi sẽ nói sự thật”Nước tràn ngoại ô, Bangkok báo độngThái Lan xả lũ phía đông để cứu trung tâm Bangkok

Trước sức nước quá dữ dội, chiều 20-10, thủ đô Bangkok (Thái Lan) buộc phải mở cửa toàn bộ hệ thống thoát nước để đẩy mạnh dòng lũ ra vịnh Thái Lan, khiến cho nước các kênh nội thành dâng cao, gây ra ngập lụt nhỏ ở một số vùng.

Đêm 19-10, nước lũ đã bất ngờ tấn công kênh Prapa, hệ thống kênh chính sử dụng sản xuất nước sạch cho toàn Bangkok, do một cửa ngăn bị nước ép vỡ. Ngay lập tức, các con đường xung quanh gồm Chaeng Wathana, Ngamwongwan và Prachachuen bị ngập đến gối. Chính quyền liên tục hút nước đẩy ra các kênh nhỏ, đồng thời tiếp tục củng cố bờ đê dài 6km và nới rộng thêm hai vòng trong, gia cố bằng sắt và gỗ để chống sóng.

Toàn bộ khu vực Pathumthani và Nonthaburi đã bị ngập lụt gần như 100% với mức ngập thấp nhất không dưới 1m và cao nhất khoảng 2m. Trung tâm nghiên cứu của Trường đại học Thammasat, phân nhánh Rangsit dự đoán trong hai ngày tới, các khu vực Khlong Luong, Sam Khok sẽ chìm dưới nước 2-3m. Nước cũng sẽ “chiếm đóng” hoàn toàn khu Bang Buathong và Ngamwongwan trong vòng một tuần với mực nước 1-2m.

Chưa hết, nước trong đập Bhumipol, đập Sirikit cùng các đập khổng lồ khác đã chứa đầy và vượt mức cho phép. Đập Bhumipol đang xả 60 triệu lít nước nhưng lại phải nhận thêm đến 100 triệu lít mỗi ngày. Nước cũng đang bắt đầu chảy xuôi từ tỉnh Ayutthaya vào. Bangkok đang bị bao vây bởi một biển nước. Ban điều hành lũ lụt của Bangkok do thị trưởng ML. Sukhumphan Paribatra đứng đầu dự tính nguồn nước lũ từ phía bắc sẽ “gõ cửa” thủ đô vào giữa khuya 21-10. Vì vậy, Bangkok chỉ còn hơn 24 giờ để hoàn tất việc đắp đê và gia cố bờ bao.

Giữa lúc nguy cấp này, nhiều khó khăn phát sinh. Trạm xăng đóng cửa, gas hết, xe cộ xếp hàng dài chờ đổ nhiên liệu gây cảnh tắc đường kéo dài tại khu Kanjanapisek, Ratchapruk. Hệ thống đường cao tốc bị trưng dụng làm chỗ đỗ xe. Gia súc chết hàng loạt kéo theo các nguy cơ dịch bệnh. Tàu thuyền lên giá. Thực phẩm cạn kiệt. Nước sạch thiếu. Không có nhà vệ sinh. Lực lượng cứu hộ đang dần đuối sức...

Bangkok đang bị bao vây bởi nhiều sức ép nặng nề khiến tâm lý lo lắng cứ tăng lên. Và 24 giờ tới, người Bangkok lại tiếp tục trong giấc ngủ chập chờn cùng trận lũ khốc liệt này.

Hi sinh phía đông để cứu Bangkok

Bộ trưởng Công nghệ truyền thông và thông tin Thái Lan Anudith Nakornthap cho biết chính phủ phải cứu trung tâm Bangkok, nơi có đông người sinh sống và là nơi đặt các khu vực kinh tế quan trọng. Theo báo Bangkok Post, nỗi lo lụt lội đã tràn đến Khu công nghiệp Lat Krabang Industrial Estate ở Bangkok và chính quyền thủ đô đang cố gắng bảo vệ khu vực này. Việc để nước lụt vào phía đông Bangkok sẽ ảnh hưởng tới bảy quận của thủ đô. Hiện các khu công nghiệp phía đông Bangkok đang đứng trước nguy cơ bị ngập. Phòng Công nghiệp Nhật đã yêu cầu chính phủ cẩn trọng trong việc xử lý dòng chảy để giảm thiểu thiệt hại với các khu công nghiệp ở khu vực này. Dự báo xuất khẩu máy móc, ôtô Thái Lan sẽ giảm 40% trong năm nay do nước lũ.

Theo AFP ngày 20-10, theo yêu cầu của Thủ tướng Thái Lan Yingluck, toàn bộ cửa xả lũ của Bangkok đã được mở để đưa nước ra biển càng nhanh càng tốt, cùng lúc các trạm bơm cũng hoạt động tối đa. Bangkok có hệ thống thoát nước lớn, gồm 200 cửa xả lũ, 158 trạm bơm, 7 đường ống ngầm khổng lồ, 1.628 con kênh trên diện tích 2.604km2. Trước tình hình lụt lội ở Thái Lan, ASEAN đã cử nhóm đánh giá tình hình khẩn cấp (ERAT) đến Bangkok để thị sát tình hình lũ lụt.

HẠNH NGUYÊN

VY HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên