Phóng to |
Binh sĩ canh giữ để đảm bảo trật tự tại một cửa hàng bách hóa. Hôi của là mối lo thường trực tại Ormoc và các vùng bị bão - Ảnh: Thanh Tuấn |
Từ 6g sáng chúng tôi đã phải ra bến tàu chen chúc giữa rừng người để mua được hai tấm vé từ Cebu đi Ormoc, điểm cực nam của tỉnh Leyte. Mãi đến 10g sáng tàu mới nhổ neo với hơn 200 người cùng vô vàn hàng hóa chất kín cả lối đi. Sau hai giờ lênh đênh trên biển, Ormoc - điểm trung gian để chúng tôi đến Tacloban - cũng hiện ra.
Cảnh tượng Henize Losenama (38 tuổi) gặp mỗi lần đi tàu từ Cebu đến Ormoc là những tấm biển quảng cáo sặc sỡ choáng ngợp bầu trời. Cạnh bến tàu là khu thương mại sầm uất cùng khu văn phòng của những công ty địa ốc lớn. Khi Losenama cùng bạn gái trở lại Ormoc sáng qua, thành phố giàu có bậc nhất của tỉnh Leyte, cảnh tượng trước mắt anh chỉ còn đống đổ nát và nỗi đau khổ tuyệt vọng.
Quang cảnh của Ormoc không khác gì vừa bị giội bom. Ngay cầu tàu, mái che đường dẫn đã bị cuốn tung, tôn và kính vẫn còn vương vãi. Nhà bán vé, phòng kiểm soát cũng bay mái, vỡ cửa, sập tường không thể còn hình dạng. Khu văn phòng tuần trước mới khánh thành giờ tan hoang.
“Giờ trước mắt tôi chỉ thấy chân trời trống, xa xa thậm chí còn thấy cả ngọn núi” - Losenama nói với chúng tôi khi đang đợi tại bến cảng Ormoc, nằm phía nam của Leyte, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Haiyan. “Cảnh tượng giờ vô cùng ảm đạm. Dường như mọi thứ trở lại với trận lụt năm 1994 khi 4.000 người ở đây thiệt mạng” - anh chàng bác sĩ nói.
Đứng ngay sân đợi bến tàu, chúng tôi gặp ba khuôn mặt thẫn thờ của Rob Aburo (24 tuổi) cùng người em trai và em dâu. Aburo, một viên chức của chính quyền thành phố, nói anh đang chờ tiếp tế từ Cebu của người thân. “Đã hai ngày nay chúng tôi không có đồ ăn. Chúng tôi chờ đồ tiếp tế mang vào cho 20 thành viên gia đình” - Rob Aburo nói.
Aburo là một trong vô số những khuôn mặt nặng trĩu buồn lo cùng những ánh mắt ngân ngấn nước ở bến tàu. Nhiều khuôn mặt lặng lẽ như từ chối mọi ý định bắt chuyện. Từng xe tải hàng hóa, thực phẩm, nước uống, thuốc men từ Cebu đang được bốc dỡ hối hả xuống bến.
Bến tàu Ormoc hỗn loạn cực độ. Người đến, kẻ đi nháo nhào chen lấn nhau trong điều kiện nhân viên phục vụ, điện, nước gần như bằng không. Buổi tối ở đây có cảm giác như mới thoát ra trận chiến. Tất cả phòng phục vụ đều không có hoặc rất thiếu ánh sáng vì phải chạy máy phát điện cầm chừng. Hành khách đổ hết ra sân trong bóng tối nhờ nhờ của trăng non sau bão. Người ta cố gắng len lỏi tìm chỗ đặt chân an toàn giữa các đống vụn sắt thép nguy hiểm.
Khung cảnh của Ormoc vào càng sâu hiện ra trước mắt chúng tôi càng thảm hại.
Khu chợ, siêu thị sầm uất giờ chỉ còn đống đổ nát, méo mó. Các cột bêtông cốt thép cỡ lớn cũng bị bão phạt ngang gốc, uốn éo thành những hình dạng kỳ dị. Những đà sắt kiên cố đổ oằn trên sàn.
An ninh là mối lo ngại lớn khi cảnh sát cầm súng M16 đứng gác khắp nơi. “Chúng tôi đến đây bảo vệ an ninh cho thành phố. Mọi thứ ở đây bị phá hủy hết nhưng vẫn may là tình trạng an ninh thì chưa đến nỗi” - binh nhất Clifford Caputolan, 32 tuổi, nói. Một cô bán nước đóng chai thì nói: “Nếu không có súng, người ta sẽ cướp sạch”. Ở các góc phố, nhiều cửa hàng thực phẩm mở he hé để bán hàng, bên ngoài có lính đứng canh cẩn mật để tránh tình trạng hôi của. Hàng hóa hiện vẫn hiếm khi nhiều cửa hàng đóng cửa. Một số sạp bán hàng với đèn cầy là mặt hàng bán chủ yếu khi cả thành phố mất điện. Người dân đổ ra một số cột nước công cộng hiếm hoi còn sót lại để giặt giũ, tắm rửa.
Nhưng cảnh tan hoang của Ormoc vẫn không thấm vào đâu so với Tacloban, nơi hàng nghìn xác chết vẫn nằm la liệt trên phố. Những người thoát đi từ thành phố này đến được Ormoc đều nói “ở đây tốt hơn nhiều”.
“Tacloban giờ rất nguy hiểm. Không lương thực, không thức uống và lệnh giới nghiêm đã được ban bố. Bốn ngày nay chúng tôi chỉ uống nước và ăn bánh bích quy” - Bob Epan kể.
“Giờ thì mọi người ở đó đều có súng và ai cũng sẵn sàng lao vào nhau vì đói. Họ thậm chí tấn công cả cảnh sát. Ở đó không bệnh viện nào hoạt động. Dịch bệnh cũng bắt đầu lây lan” - cô Jonalyne Bajha (20 tuổi) nói thêm.
Những cảnh sát mệt mỏi và căng thẳng khi chúng tôi gặp đều tỏ ý ngăn cản phóng viên vào tác nghiệp ở tâm bão Tacloban. Họ nhắc đi nhắc lại “rất nguy hiểm, rất nguy hiểm”. Một cảnh sát đang cời lửa bếp cơm dã chiến ở lề đường nói: “Có thể đi vào bằng xe máy, nhưng không thể đảm bảo được an toàn. Những người đói khát đang rất giận dữ trong tuyệt vọng”. Nhưng hôm nay chúng tôi phải tìm đường đến với tọa độ chết Tacloban.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận