Lạc Long Quân và Âu Cơ 06. 2015 |
Triển lãm có tên Tưởng như còn đây khai mạc ngày 15-6, kéo dài tới hết ngày 25-6 tại gallery Ngàn Phố, 82 Hàng Gai, Hà Nội.
Tưởng như còn đây trưng bày 26 tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm trải dài trong sự nghiệp của ông.
Ở đây có những tác phẩm được ông vẽ từ năm 1960 như Tết Trung Thu, hay Trẻ em chơi vẽ từ năm 1965. Những bức tranh vẽ trong giai đoạn sung sức sáng tạo nhất của Nguyễn Tư Nghiêm (1993 – 1998) cũng có mặt.
Cho tới trước khi qua đời, Nguyễn Tư Nghiêm cũng không ngừng tay vẽ. Một tác phẩm được danh họa sáng tác năm 2015 là bức Âu Cơ - Lạc Long Quân đã được giới thiệu trang trọng tại triển lãm.
Đặc biệt, Tưởng như còn đây trưng bày một tác phẩm sơn mài khổ nhỏ do Nguyễn Tư Nghiêm tự họa lại chính mình.
Bức sơn mài thể hiện chân dung lúc ông còn trẻ, tới nay một số lớp sơn đã bị oxy hóa. Phía sau tác phẩm có đề năm hoàn thành là 1948, với chữ ký “Im Nge”, sau này ông đổi chữ ký trong các tác phẩm là “nge”..
Hoa sen 01. 2010 |
Các đề tài sáng tạo quen thuộc của Nguyễn Tư Nghiêm cũng hiện diện trong triển lãm này. Từ các tác phẩm thể hiện điệu múa cổ, tranh vẽ về 12 con giáp tới hoa sen, chân dung thiếu nữ...
Tưởng như còn đây là dịp để thưởng thức tranh của bậc tài danh hội họa Việt Nam, bởi sinh thời Nguyễn Tư Nghiêm rất hiếm khi triển lãm tác phẩm.
Vào cuối những năm 1980, có một triển lãm cá nhân tranh Nguyễn Tư Nghiêm. 30 năm sau đó mới có một cuộc trưng bày khác, cũng diễn ra tại Ngàn Phố Gallery (năm 2015).
Được biết vợ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là bà Thu Giang khá cẩn trọng trong việc bán tranh ra ngoài.
Bà muốn lưu tranh của chồng làm bảo tàng, mặt khác nếu phải nhượng lại cho ai cũng xem xét kỹ, tránh tranh của ông bị sao chép, làm giả, nhái.
Có lẽ đây là lý do tranh của Nguyễn Tư Nghiêm ít khi xuất hiện tại các cuộc trưng bày, triển lãm.
Tự họa sơn mài 1948 |
Đại diện phòng tranh Ngàn Phố cho biết, gallery tổ chức triển lãm này không hẳn tôn vinh (bởi danh họa đã rất vinh quang rồi). Trưng bày được thực hiện như một cách để người yêu hội họa tưởng nhớ lại công lao, đóng góp của Nguyễn Tư Nghiêm với mỹ thuật Việt. “Trong lúc chuẩn bị cho cuộc trưng bày này, chúng tôi cảm giác như Nguyễn Tư Nghiêm vẫn còn đây. Chúng tôi hồi nhớ lại những lần được tới nhà, chứng kiến ông vào giai đoạn cuối đời vẫn hăm hở sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật” anh Trung Thành, đại diện gallery Ngàn Phố nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận