30/12/2006 11:33 GMT+7

Tương lai sẽ còn phải nhắc lại năm chứng khoán 2006

Theo Trịnh Minh Đức - Thời báo kinh tế VN
Theo Trịnh Minh Đức - Thời báo kinh tế VN

Năm 2006 của thị trường chứng khoán đã khép, nhưng trong tương lai người ta sẽ còn phải nhắc lại nhiều về một năm có một không hai trong lịch sử.

xkBRprKl.jpgPhóng to
Nhà đầu tư có nhiều lựa chọn trước một lượng hàng bùng nổ trong tháng 12-2006 - Ảnh: TBKTSG
Năm 2006 của thị trường chứng khoán đã khép, nhưng trong tương lai người ta sẽ còn phải nhắc lại nhiều về một năm có một không hai trong lịch sử.

Ngày 29-12, phiên giao dịch kết thúc năm đóng cửa với mức giảm nhẹ của cả chỉ số VN-Index và HASTC-Index. Chỉ số VN-Index giảm 2,04 điểm còn 751,77 điểm; HASTC-Index giảm 0,54 điểm còn 242,89 điểm.

Nhưng, sự sụt giảm nói trên lại hoàn toàn trái ngược với một năm đầy sôi động, tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với 751,77, chỉ số VN-Index kết thúc năm 2006 đã ở mức một trời một vực so với phiên có mức thấp nhất trong lịch sử, tính đến thời điểm này, là 100 điểm; và cũng bỏ xa mức thấp nhất của năm là 304,23 điểm.

Năm 2006, kỷ lục mới của VN-Index được xác lập ở mốc 809,86 điểm. Với HASTC-Index là nỗ lực chạm mốc 260 điểm. Tính chung, so với đầu năm, chỉ số VN-Index đã có mức tăng trưởng tới 146% và HASTC-Index tăng tới 170%. Đây là những mức tăng mà các thị trường trên thế giới phải thừa nhận là quá ấn tượng.

Tính đến phiên này, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có sự góp mặt của 106 cổ phiếu, 2 chứng chỉ quỹ và 367 trái phiếu với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là trên 72 nghìn tỷ đồng.

Còn tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, số lượng chứng khoán tham gia đã lên đến 87 cổ phiếu và 91 trái phiếu với tổng mức đăng ký giao dịch theo mệnh giá đạt 29 nghìn tỷ đồng.

Xét riêng về mức vốn hoá cổ phiếu, toàn bộ thị trường chứng khoán chính thức Việt Nam với 193 cổ phiếu vào phiên cuối năm, đã lên tới 220 nghìn tỷ đồng, tương đương với 13,8 tỷ USD.

Đó là những con số ấn tượng, nhưng năm 2006 trở nên không thể quên bởi loạt ấn tượng khác.

Chỉ riêng trong tháng 12, nhiều nhà đầu tư và cả nhà quản lý thị trường cũng có cùng một nhận định rằng: Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó lặp lại được tháng bùng nổ đến như vậy.

Tính bình quân trong tháng 12 này, mỗi ngày nhà đầu tư lại có thêm ít nhất 2 cổ phiếu mới để lựa chọn. Doanh nghiệp ồ ạt lên sàn trong tháng cuối năm khiến hầu hết các kỷ lục trước đó đã bị đánh đổ; tuổi thọ của các kỷ lục cũng trở nên quá ngắn ngủi. Một mật độ niêm yết, các kỷ lục mới được xác lập quá dày đặc trong tháng 12 là một thách thức của tương lai.

Chính sự lên sàn ồ ạt đó cũng sẽ gợi tương lai nhớ về một sức tác động điển hình của chính sách đối với quy mô của thị trường và tinh thần tham gia của các doanh nghiệp. Khó có thể phủ nhận một mục đích ồ ạt lên sàn cuối năm 2006 là vì ưu đãi thuế bị cắt bỏ từ 1-1-2007.

Song hành với những phiên chào sàn của loạt 10 - 12 cổ phiếu cùng lúc, lượng hồ sơ và giấy phép lập công ty chứng khoán dày một cách nhanh chóng trên bàn Ủy ban Chứng khoán. Thị trường chứng khoán 2006 sẽ còn được nhắc đến cả ở sự ra đời dồn dập của những công ty chứng khoán mới, với một cụm từ đã được nhiều bản tin dùng đến: “như nấm sau mưa”.

Ngoài ra, có một sự kiện nữa mà chắc chắn tương lai sẽ phải dẫn lại cụ thể từ ngày, tháng, giờ, phút; đó là sự cố “sập” sàn vừa qua tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với tư cách là lần đầu tiên của lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm chứng khoán 2006 đã kết thúc. Một năm thành công về tăng trưởng và tạo hàng. Nhưng, nếu nhìn vào nguyên nhân chạy đua lên sàn vì ưu đãi thuế mà sự chuẩn bị của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tốt; nếu nhìn vào nhiều công ty chứng khoán đua lập mới mà bất chấp vốn quá nhỏ bé, chiến lược chưa rõ ràng, bất chấp khủng hoảng nhân lực…, thì thị trường chứng khoán năm 2006 có phần bị “chín ép”.

Theo Trịnh Minh Đức - Thời báo kinh tế VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên