13/07/2015 11:49 GMT+7

​Tương lai Hi Lạp và châu Âu sẽ ra sao?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Tương lai của đất nước Hi Lạp sẽ được quyết định chỉ trong ngày một ngày hai. Nếu Hi Lạp rời khối đồng euro, đây sẽ là lần đầu tiên châu Âu bị chia rẽ sau 60 năm hội nhập.

Người dân Hi Lạp biểu tình chống thắt lưng buộc bụng ở Athens hôm 10-6 - Ảnh: Reuters

Theo AFP, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp thượng đỉnh trong hôm nay ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về một “sự nhượng bộ” đối với thỏa thuận cứu trợ Hi Lạp. Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thảo luận về đề xuất “nhượng bộ“ này.

Diễn biến căng thẳng của cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro và “tối hậu thư” nhóm bộ trưởng đưa ra với Hi Lạp cho thấy sẽ không dễ dự đoán kết quả hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Câu hỏi lớn nhất là liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có muốn tiếp tục thúc đẩy chính sách hội nhập với kỳ vọng trong tương lai sẽ thành lập một “hợp chủng quốc châu Âu” hay không.  

Điều gì sẽ xảy ra?

Theo báo Washington Post, có hai kịch bản có thể xảy ra ở Brussels.

Có thỏa thuận. Nếu châu Âu và Athens đạt được một thỏa thuận, đất nước Hi Lạp sẽ quay lại lối mòn đau khổ trước đây. Đó là một quốc gia từng giàu có chìm sâu trong suy thoái kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp 25%. Đảng cầm quyền Syriza sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ.

Trước mắt, các ngân hàng Hi Lạp sẽ mở trở lại sau khi được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cấp nguồn vốn mới. Do chính phủ cắt giảm triệt để chi tiêu, nền kinh tế Hi Lạp tiếp tục tăng trưởng âm. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, nạn chảy máu chất xám tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng vật vờ này sẽ tiếp diễn cho đến khi một cuộc khủng hoảng mới xảy ra.

Đến bao giờ nền kinh tế Hi Lạp sẽ phục hồi và nước này trả được nợ? Không ai biết. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo Athens chẳng bao giờ trả nổi khối nợ khổng lồ 317 tỉ euro. Trừ khi các chủ nợ chấp nhận xóa một phần nợ cho Hi Lạp, nước này sẽ tiếp tục chìm trong vòng xoáy luẩn quẩn vay nợ mới để trả nợ cũ.

Không có thỏa thuận. Không có các khoản cứu trợ mới từ ECB, các ngân hàng Hi Lạp sẽ sụp đổ, gây hỗn loạn tài chính. Nhiều khả năng Hi Lạp sẽ rời khối đồng euro và mất một khoảng thời gian để in và lưu hành đồng drachma. Tỉ lệ lạm phát sẽ tăng vọt, giá đồng drachma sụt giảm dữ dội so với đồng euro. Chính phủ có thể phải chia khẩu phần các hàng nhập khẩu như thực phẩm và dầu. Hàng loạt công ty vay nợ bằng đồng euro phá sản.

Theo tạp chí The Economist, trong thời gian chờ lưu hành đồng drachma, các ngân hàng Hi Lạp có thể phát hành chứng từ nợ (IOU). Chính phủ HI Lạp sẽ trả lương cho công chức bằng IOU, các công ty cũng sẽ phát hành IOU riêng. Nền kinh tế có thể bắt đầu vận hành trở lại một cách khó nhọc.

Vấn đề là có thể sau vài năm, nỗi đau khủng hoảng sẽ dần lắng xuống. Khi đã vượt qua được thời điểm tồi tệ nhất, Hi Lạp sẽ có trong tay đồng tiền rẻ hơn, giúp kích thích xuất khẩu và ngành du lịch, một điểm mạnh của nền kinh tế quốc gia này. Trên thực tế nhiều nhà kinh tế hàng đầu thế giới từng cho rằng rời khối đồng euro sẽ tốt cho tương lai của đất nước Hi Lạp.

Về phía châu Âu, các chủ nợ sẽ thiệt hại nhiều tỉ euro. Nguy cơ khủng hoảng nợ lây lan sẽ xảy ra. Các nước như Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ chật vật với tình trạng chi phí vay nợ tăng vọt. Dù vậy EBC đã cam kết sẽ tiếp tục mua trái phiếu của các nước này. “Tường lửa” mà ECB dựng lên đủ sức ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Nền kinh tế Hi Lạp chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng GDP khối đồng euro. Tuy nhiên viễn cảnh tồi tệ nhất đối với khối đồng euro chính là việc Hi Lạp sớm phục hồi khi ngừng sử dụng đồng euro. Khi đó các đảng chống thắt lưng buộc bụng ở nhiều quốc gia sẽ vùng lên, phản đối những chính sách ngặt nghèo mà châu Âu ép họ phải thực hiện để được cứu trợ. Tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên