05/04/2019 20:59 GMT+7

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Chỉ một câu nói của ông thì chú Quân đã không phải hi sinh như bao đồng đội giữa thanh xuân tươi đẹp…

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu - Ảnh 1.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhưng với vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên thì tất cả những điều đó chỉ là giá như. Và với con cháu ông, dù có đôi khi "bực mình" với cha, ông mình nhưng sau tất cả họ lại càng tôn kính và tự hào hơn về người mà cả gia đình coi như một tượng đài quá lớn cả về tài năng và nhân cách.

Bàng hoàng và tiếc thương khôn nguôi trước sự ra đi của ông nội - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nhưng ngày 5-4, đồng nghiệp vẫn thấy anh Nguyễn Sỹ Thành đến văn phòng làm việc.

Tang lễ vài ngày sau mới diễn ra; bố mẹ và các cô chú đã đông đủ cùng Ban tang lễ Nhà nước lo chu toàn. Vì vậy, "hàng cháu" như anh Thành vẫn cố gắng sống như những gì ông mình đã dạy: không để chuyện riêng làm ảnh hưởng tới công việc chung.

Dành chút thời gian nghỉ trưa, anh Nguyễn Sỹ Thành đã có những chia sẻ gan ruột với phóng viên Tuổi Trẻ Online về người ông để lại ấn tượng sâu đậm và nhiều bài học quý giá cho anh.

Anh Thành là người cháu được sống nhiều nhất với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Bố anh là con trai cả của Tướng Đồng Sỹ Nguyên, sống cùng với cha tại ngôi nhà ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi đã lập gia đình. Đến lượt mình, anh Nguyễn Sỹ Thành vẫn tiếp tục cùng với vợ con của mình sinh sống trong ngôi nhà của ông.

Vậy là ngôi nhà ấy mấy năm qua thành tổ ấm hạnh phúc của 4 thế hệ cho tới ngày vị tướng già nhẹ bước rời cõi tạm về với tổ tiên, với người vợ hiền và đồng đội của mình hôm 4-4…

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu - Ảnh 2.

Gia đình 4 thế hệ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong căn nhà giản dị do nhà nước phân từ những năm 1980 - Ảnh: Gia đình cung cấp

Con mình không chết thì con người khác chết

Câu chuyện đầu tiên mà anh Nguyễn Sỹ Thành chia sẻ với chúng tôi là câu chuyện về "chú Quân" - nỗi ưu tư lớn nhất của ông nội anh.

Anh Thành kể, "chú Quân" hi sinh khi anh còn chưa ra đời. Đó là những ngày tháng 2-1979, "chú Quân" đang là thiếu úy pháo binh đóng quân cố thủ tại Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn). Cả gia đình vừa đến thăm, mang quà tết cho "chú Quân" thì hôm sau nghe tin giặc tràn qua tàn sát dã man. Toàn bộ binh lính và dân chúng cố thủ ở Pháo đài Đồng Đăng không một ai sống sót.

Trước đó, "chú Quân" đang theo học lớp ngoại ngữ để chuẩn bị đi du học thì bỏ dở kế hoạch du học, về lại đơn vị pháo binh và đóng quân ngay tại tuyến đầu khi nhận thấy bóng giặc thấp thoáng nơi biên ải.

Bàng hoàng và đau xót trước cái chết của "chú Quân", tiếc thương cho tương lai sáng ngời đang đợi chú, bà nội và một vài người trong gia đình than khóc. Đôi khi nỗi đau quá lớn khiến mọi người cũng ngầm than trách "ông nội", nhưng ông luôn cố gắng tỏ ra cứng cáp để động viên tinh thần của người thân:

"Nếu con mình không chết thì con người khác sẽ chết. Hãy tự hào vì người con của mình đã chết cho con người khác được sống".

Ông tự hào về người con đã hi sinh cho đất nước của mình, quyết giấu đi những giọt nước mắt người cha, nhưng đêm đêm, trong căn phòng ngủ - chốn riêng tư của mình - ông lặng ngắm di ảnh của người con đang tươi cười trong bộ quân phục.

"Nhiều người cũng nói, chỉ cần ông tôi nói một lời thì chú tôi sẽ được chuyển về nơi an toàn chứ không phải ở ngay tuyến đầu để rồi hi sinh như thế, nhưng ông không bao giờ can thiệp vào con đường của con cháu mình", anh Thành nói.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu - Ảnh 3.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dạy các con mình phải tự lập, tự vươn lên bằng tài năng của mình - Ảnh: Gia đình cung cấp

"Ông là một vị tướng rất liêm khiết, không bao giờ dựa vào chức vụ của mình mà tư lợi cho bản thân, và luôn đòi hỏi các con mình phải tự lập bằng tài năng của mình", anh Thành nói.

Anh còn nhớ, khi anh còn nhỏ, bố anh đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Ông nội anh có chuyến công tác sang đây, đã cho phép ba mẹ con anh Thành đi cùng để sang thăm bố. Nhưng trong khi ông nội đi máy bay và ở khách sạn theo nghi thức đón tiếp cấp nhà nước thì ba mẹ con anh phải tự lếch thếch đi máy bay dân dụng và tự lo khách sạn.

"Ông nói bởi thương ba mẹ con tôi không biết tiếng Nga nên mới cho ba mẹ con đi cùng ông nhưng phải tự chi phí, lo liệu", anh Thành kể.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Sỹ Thành bên ông nội, bố và con trai - Ảnh: Gia đình cung cấp

Những lần "bực mình" và bài học của ông

Có một người ông là một vị tướng tài ba, anh Thành dù sống cùng nhà với ông nhưng lúc nhỏ ít được ông cưng nựng như cách mà bây giờ anh nhìn thấy bố anh chơi cùng các con mình. Những lúc gần gũi ông nhiều nhất lại là những chuyến cả nhà đi nghỉ mát.

Nhưng những cơ hội hạnh phúc hiếm hoi cho cả gia đình như thế thường cũng không trọn vẹn bởi hễ đi tới đâu mà nhìn thấy rừng là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại bắt cả nhà chờ đợi ông nhảy xuống xe nhìn ngó, quan sát rừng. Chẳng là lúc ấy ông đang là Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Rồi đi đến đâu thấy cầu cống, đường sá hỏng hóc hay ách tắc ông cũng lại đòi dừng xe cho ông xuống ngó nghiêng, quan sát, tìm nguyên nhân, dù lúc đó ông không còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nữa. Anh Thành lúc đó mới chỉ là một đứa trẻ đang háo hức với chuyến đi nghỉ mát thì rất "bực mình" với những "phiền nhiễu" của ông nội.

Lớn lên, hiểu tấm lòng của ông với công việc, với đất nước thì anh Thành coi ông như một tấm gương sáng để mình học hỏi và noi theo.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu - Ảnh 5.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bên chắt nội - Ảnh: Gia đình cung cấp

Ông nội không chỉ là tấm gương trong công việc mà còn là thần tượng của anh Thành trong giáo dục gia đình. "Ông nội không bao giờ mắng mỏ mà chỉ bằng việc làm của mình để gợi trong con cháu những bài học mà con cháu phải tự rút ra và thấm nhuần", anh Thành nói.

Anh kể, ở tuổi thanh niên, một đôi lần anh đi chơi về muộn, ông không bao giờ quở trách hay thiết quân luật. Nhưng về nhà thấy đèn điện phòng ông vẫn sáng và nó được tắt đi ngay khi anh bước vào nhà thì anh Thành đã tự hiểu rằng việc đi chơi về muộn của mình đang khiến ông phải thức theo. Vậy là, chẳng cần một lời giáo huấn nào, anh Thành tự động bỏ đi chơi về muộn.

Ngồi kể chuyện về ông mình, đôi mắt anh Thành long lanh niềm vui và tự hào. Với anh, ông như vẫn đang ngồi trong căn phòng nhỏ, với cuốn sách hoặc tờ báo trên tay; thỉnh thoảng là chiếc radio cũ mà không biết bao lần anh đã lọ mọ sửa cho ông và giúp ông dò kênh để ông nghe các bản tin thời sự…

Ít ai có thể hình dung một hình ảnh giản dị, trìu mến nhường vậy khi nghĩ đến vị tướng oai hùng của dân tộc, người là linh hồn của con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ và cả Đường Hồ Chí Minh to đẹp hôm nay.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu - Ảnh 6.

Hình ảnh quen thuộc trong con cháu chính là hình ảnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ngồi trong căn phòng nhỏ với cuốn sách hoặc tờ báo trong tay - Ảnh: Gia đình cung cấp

Nếu gặp người tài, hãy mời về nước làm việc

Anh Thành còn nhớ mãi ngày anh lên đường du học ở Anh, ông nội chẳng dặn dò anh phải thế này thế kia, chỉ nhắc cháu nội: "Cháu đi học bên đó, nếu gặp Việt kiều, bạn bè du học với mình mà là những người tài giỏi thì cố gắng mời các bạn cùng về nước làm việc để xây dựng đất nước".

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tượng đài trong lòng con cháu

TTO - Chỉ một câu nói của ông thì chú Quân đã không phải hi sinh như bao đồng đội giữa thanh xuân tươi đẹp…

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên