01/09/2015 11:30 GMT+7

Tuổi Trẻ gọi, tôi lội nước đưa tin

LÊ THANH HÀ (phó tổng biên tập báo Sinh Viên VN)
LÊ THANH HÀ (phó tổng biên tập báo Sinh Viên VN)

TT - Chiều 1-11-1999, một nhóm sinh viên mỹ thuật đạp xe sang chỗ tôi mời dự khai trương studio vào sáng sớm hôm sau. Tôi mời cả hai ở lại ăn cơm, đang ăn thì trời đổ mưa, cơn mưa sầm sập như giội nước.

Những chiếc quan tài đóng vội xếp dãy ở thềm bia Quốc học để kịp mai táng những nạn nhân lũ lụt trôi về bờ nam sông Hương - Ảnh: LÊ THANH HÀ
Những chiếc quan tài đóng vội xếp dãy ở thềm bia Quốc học để kịp mai táng những nạn nhân lũ lụt trôi về bờ nam sông Hương - Ảnh: LÊ THANH HÀ

Nhà xa, tự thấy không thể chạy xe về nên quyết định ở lại luôn văn phòng báo Sinh Viên VN tại Huế, lúc đó do tôi phụ trách.

Không ngờ quyết định đó lại khiến tôi gần như trở thành phóng viên duy nhất theo dõi trọn vẹn trận lụt trăm năm ở Huế. Và tôi đã tác chiến cho Tuổi Trẻ như một phóng viên Tuổi Trẻ sau một cú điện thoại.

Tìm đường kết nối

Sáng sớm ngày 2 nước đã tràn qua công viên bờ nam sông Hương, ngập đường Lê Lợi. Đến khoảng 9g sáng, sông Hương và sông An Cựu đã nối với nhau bằng nước. Điện bị cắt toàn bộ.

Vừa đẩy chiếc xe máy lên bàn làm việc và dùng dây buộc báo cột neo lại, anh Minh Đức, phó tổng thư ký tòa soạn lúc bấy giờ của Tuổi Trẻ, gọi.

Tôi hỏi sao anh biết số, anh bảo: “Lê Đức Dục cho số. Dục đã cho con vào thau nhựa, di tản khỏi khu tập thể ở thị xã Quảng Trị, từ giờ chắc khó thông tin bài vở. Ông xem thuê một chiếc ghe, chạy vòng quanh Huế rồi báo cho tui tình hình qua điện thoại lúc 5g chiều nay được không?”.

Tôi kể sơ qua tình hình hiện tại ở Huế. Điện đã bị cắt. Là người làm tòa soạn, anh Minh Đức rất cụ thể: “Từ giờ ông tháo cục pin điện thoại ra đi để tiết kiệm pin, đúng 5g lắp vào bật máy tôi sẽ gọi nha”.

Tôi mặc quần cộc lội ra phía chợ Bến Ngự thuê ghe nhưng chẳng ai chịu cho thuê. Có người còn bảo đồ điên à. Tất cả đang hối hả chạy ghe ngược lên neo ở dốc Bến Ngự, Nam Giao. Nước vẫn cuồn cuộn, đỏ ngầu và trời vẫn đổ mưa rất lớn. Tôi hiểu có điều gì rất khác trong trận lụt này.

Lại gọi ngược lại cho Minh Đức, anh có vẻ thất vọng, ngẫm nghĩ một lúc lại nói: “Thôi ông cứ ở đó miêu tả tình hình, rồi chiều đọc qua điện thoại cho tôi cũng được”.

Ngồi loay hoay trong gần một giờ với cái bụng đói, tôi bắt đầu nghĩ cách gọi điện hú họa sang báo Thừa Thiên - Huế. Tổng biên tập, ông Đoàn Ngọc Phú, đang trực bảo tôi hay là... lội qua tòa soạn xem sao.

Lội sang đến nơi tôi càng thất vọng vì mọi người vẫn ngồi đấy, lúng túng với tình huống mất liên lạc. Tôi quyết định tiếp tục gọi cho anh Trần Đăng Dũng, chỉ huy trưởng biên phòng, anh bảo: “Ở đâu?”. Tôi nói: “Đang Bến Ngự”. Anh Dũng: “Thế gay rồi, đang lập sở chỉ huy ở tầng hai tòa nhà Bưu điện Huế. Từ Bến Ngự không thể lội xuống đây được. Nước sâu lắm”.

Tôi cho ít giấy, máy ảnh, vài cây viết... vào túi nilông rồi rủ Thanh Ngọc, lúc đó đang là phóng viên của báo Thừa Thiên - Huế (nay là tổng biên tập tạp chí Sông Hương), lội bộ xem sao.

Ra khỏi cổng được khoảng 400m, Ngọc phải quay lại vì vóc dáng thấp bé, nước đã ngập đến mũi, lại chảy xiết. Tôi quyết định đi một mình bằng cách đu theo hàng rào sắt lần từng đoạn.

Phan Bội Châu, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Hoàng Hoa Thám... tuyến đường nào cũng ngập ngang ngực hoặc lút đầu người. Ngang qua cổng đài truyền hình trên đường Ngô Quyền, một người đàn ông đứng trên gác hai căn nhà tập thể nhìn tôi la lớn: “Mi đi mô đó? Có điên không đó?”. Thì ra là ông Phước, giám đốc Công ty In thống kê - bao bì.

Tôi nói đi đến bưu điện và hỏi mượn ông một chiếc điện thoại di động khi nghe ông nói: “Tau đang có hai cái”. Nhưng ông không cho mượn mà lại hỏi... xin tôi một cuộn phim để chụp lại nhà xưởng công ty gần đó đang ngập nước.

Giấy, bút, pin điện thoại, máy ảnh và phim giờ là thứ không thể cho mượn được đâu ông ơi.

Một trận lở đất ở bắc thị trấn Phú Lộc đã cuốn và chôn vùi nhiều người. Người dân thắp hương tưởng niệm nạn nhân trên nền đất còn vương rất nhiều đồ đạc - Ảnh: LÊ THANH HÀ
Một trận lở đất ở bắc thị trấn Phú Lộc đã cuốn và chôn vùi nhiều người. Người dân thắp hương tưởng niệm nạn nhân trên nền đất còn vương rất nhiều đồ đạc - Ảnh: LÊ THANH HÀ

Mã vùng Đà Nẵng

3g chiều mới tới được bưu điện, thấy xe lội nước đang đậu trước sân. Một dì nuôi quân nhìn tôi trân trân rồi đi pha một bát cháo ăn liền, nói: “Tội nghiệp, ăn đi đã con”.

Nước ngập hết tầng một của Trung tâm điện báo - điện thoại, máy móc tổng đài điện tử phải tháo, di chuyển. Tầng hai lúc đó là một lò lửa. Ổ cắm điện từ máy nổ chi chít bộ sạc pin. Mặc kệ, tôi tháo đại một cái sạc của ai đó và cắm của mình vào.

Lúc này đường truyền, đường liên lạc là vấn đề quyết định. Nghĩ vậy nên tôi đi tìm anh Hải, trưởng phòng công nghệ thông tin (nay là đại diện Microsoft ở TP.HCM), hỏi. Hải nói: “Bọn mình đang nghĩ có lẽ sẽ móc một sợi cáp quang, dùng tổng đài theo mã vùng của Đà Nẵng sẽ xử lý được”.

Ngồi lặng trong sở chỉ huy tạm một lúc lâu, sau khi tôi trở thành người lạ chứng kiến phiên họp đầu tiên của sở chỉ huy ứng cứu.

Ông Phan Thế Kháng, phó chủ tịch UBND TP Huế, đứng khóc ngon lành, nghẹn ngào không báo cáo tiếp được con số người chết ở phường Phú Hiệp, Phú Cát, vùng thấp trũng của Huế đang ngập sâu dưới vài mét nước.

Ông Nguyễn Văn Mễ, chủ tịch UBND tỉnh, ngồi yên nhìn ông Kháng rồi nhìn mọi người, dường như cũng muốn khóc.

Trận lũ quá nặng. Có nơi ngập đến 6m nước. Thông tin con số người chết, mất tích từ các địa phương báo về cứ tăng từ hàng chục đến hàng trăm.

Tôi ngồi viết những dòng đầu tiên gửi về Tuổi Trẻ, tờ báo duy nhất có đầu mối thông tin lúc đó ở Huế, bên cạnh chiếc máy fax vừa lắp tạm. Cuối giờ chiều, những dòng tin đầu tiên được truyền đi từ Huế nhưng mang mã vùng Đà Nẵng.

Đêm đó tôi ngồi trong dồn dập tiếng chuông réo của những cuộc điện thoại gọi về sở chỉ huy. Có cán bộ xã từ vùng Phong Hòa, Phong Bình phải chèo ghe qua sông Ô Lâu để gọi ngược điện thoại từ vùng Hải Lăng, Quảng Trị, nơi tổng đài còn hoạt động, vào Huế, lúc bấy giờ số ở Huế mang mã vùng 043 của Đà Nẵng.

1g sáng, tôi ngồi viết bài tường thuật thứ hai, thỉnh thoảng lại nghe điện thoại giúp cho ông chủ tịch Mễ lúc bấy giờ gần như kiệt sức nằm luôn xuống sàn, chợp mắt trong chốc lát.

Những cuộc điện thoại chỉ để báo cáo về số người chết. Ngày 3, ngày 4 rồi ngày 5, Huế đã có 234 người chết, trong đó 194 người tìm được thi thể. Đại nội trở thành hồ nước.

Những cây thông trăm tuổi ở lăng Minh Mạng bị trốc gốc, gãy đổ. Eo Hòa Duân bị nước xé vỡ thành cửa biển, cuốn trôi cả một chiếc tàu và một sĩ quan biên phòng đang trực chiến. Ven sông Hương, nhiều làng và khu dân cư, trường học bị cô lập. Đói và rét.

Lần đầu tiên trong một trận thiên tai, trung ương quyết định lập sở chỉ huy tiền phương ở Vinh do thiếu tướng Lê Hải Anh, phó tổng tham mưu trưởng, chỉ huy. Nhưng cả trực thăng lẫn đoàn xe chuyên dụng chuyển quân vẫn chưa vào được đến Huế.

Gần sáng khi gửi xong bài thứ hai, tôi quyết định bằng mọi cách phải đến các vùng ngập lụt nặng. Lại gọi anh Trần Đăng Dũng, và anh Dũng kết nối tôi cùng trung tá Đơn, tham mưu phó Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế...

... Rất lạnh lùng, trung tá Đơn nhất định không cho tôi lên canô (vì ai cũng có áo phao, tôi đến sau ngoài kế hoạch nên không có). Không thể ngồi đây chờ đợi hay năn nỉ, tôi liền nói ba tôi cũng là sĩ quan biên phòng, đã mất cách đây mấy năm.

Trung tá Đơn chợt sững lại: “Vậy mi là con của thủ trưởng T. à. Thôi được rồi, rứa mi lên đi...”.

________

Kỳ tới: Câu chuyện phía sau một tấm ảnh

Vào vùng lũ rồi làm sao truyền ảnh về? “Tôi đứng lên, chắp tay lạy nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Việt Hùng hai lạy...”. Và sáng hôm sau, tấm ảnh lịch sử được đăng trang nhất Tuổi Trẻ với tên tác giả là… tiệm Internet.

LÊ THANH HÀ (phó tổng biên tập báo Sinh Viên VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên