31/08/2015 14:05 GMT+7

Từ chiếc radio Philips…

PHAN XUÂN LOAN
PHAN XUÂN LOAN

TT - Những câu chuyện tác nghiệp đáng nhớ, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1975 - 2-9-2015).

Nhà báo Phan Xuân Loan phỏng vấn một phụ nữ Nga  - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Nhà báo Phan Xuân Loan phỏng vấn một phụ nữ Nga - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Một ngày của bạn, nhà báo, chắc chắn phải bắt đầu bằng việc check mail, lướt web đọc tin. Và những công việc tiếp theo ít nhiều phải nhờ đến Internet. Từ file bài, file ghi âm nào đó gửi qua mail, đến một số chi tiết nào đó phải “Google” để kiểm tra lại. Không ít cuộc trao đổi được thực hiện qua Facetime, Skype...

Là nhà báo viết tin quốc tế càng phải gắn với Internet hơn nữa. Nhưng đã có thời chúng tôi làm báo không có Internet.

Những bản tin từ đài phát thanh

Tôi nhớ năm 1989, khi được nhận vào làm việc tại ban quốc tế báo Tuổi Trẻ, trưởng ban khi đó là anh Đoàn Khắc Xuyên đã đề xuất phát cho tôi một chiếc radio cassette hiệu Philips cũ.

Nhiệm vụ của tôi là nghe Đài Nga Echo Planety (Tiếng vọng hành tinh). Cùng với hai bạn khác trong ban, Phạm Thế Hùng nghe Đài RFI và Lê Xuân Tùng nghe VOA và BBC để nắm diễn biến quốc tế mới nhất. Từ những bản báo tin sáng này mà trưởng ban sẽ quyết định viết gì, làm gì cho số báo ra hôm sau.

Đó cũng chỉ là những nguồn tin ban đầu. Còn những nguồn tin khác? Nửa đầu thập niên 1990 chúng ta chưa thoát khỏi cấm vận, thông tin còn lạc hậu, làm gì có chuyện muốn kiểm tra hoặc tìm hiểu thông tin thì gọi các đầu nguồn ở nước ngoài, email cho các chuyên gia hỏi ý kiến, hay dùng Messenger hoặc Skype để phỏng vấn...

Tờ báo Tuổi Trẻ lúc ấy còn “thắt lưng buộc bụng”, chưa đủ khả năng để có thể cử phóng viên đi nước ngoài khi có sự kiện, nói chi là thường trú. Các “nhà báo quốc tế” chúng tôi chỉ còn cách “tham khảo” báo nước ngoài vào thành phố qua đường hàng không.

Mỗi ngày khi báo về (thường là The Bangkok Post, The Nation hoặc The Straits Times, South China Morning Post... và cuối tuần có thêm các tuần san Newsweek, Asiaweek) các sếp đọc và đề nghị photo những bài cần cho phóng viên.

Cùng với bản tin đài, các bài báo này sẽ hỗ trợ để các nhà báo có được những bản tin hoặc bài viết tổng hợp. Cũng may là khi đó báo Tuổi Trẻ chỉ ra có ba ngày/tuần, mật độ cạnh tranh còn ít hơn hiện nay, và Internet cũng chưa có để đau đầu với việc làm báo theo giờ!

Xài ké tin của TASS

Còn một nguồn tin cơ hữu nữa, đó là nguồn tin... dựa trên quan hệ. Hồi đó một số hãng tin có phóng viên thường trú tại thành phố, trong số đó có Thông tấn xã Liên Xô TASS (tiền thân của ITAR - TASS hiện nay).

Văn phòng TASS nằm trong khuôn viên Lãnh sự quán Liên Xô. Sau mấy lần vào lãnh sự lấy tin, chúng tôi làm quen được với phóng viên thường trú của hãng này. Trụ sở của TASS có máy nhận tin bằng telex. Cứ mỗi ngày, từ chiếc máy này những bản tin cứ tặc tè tặc tè tuôn ra.

Có khi nhà báo thường trú không đọc kịp và cất bớt đi, cái “sớ” này nằm ùn thành đống trong phòng. Thi thoảng anh chàng nhà báo tốt bụng này lại cho Tuổi Trẻ vài cái tin nếu có diễn biến hấp dẫn.

Những năm đầu thập niên 1990, tình hình Liên Xô rất nóng. Công cuộc cải tổ của tổng bí thư Gorbachev không được sự ủng hộ của những người cộng sản cứng rắn vốn không chấp nhận để Liên bang Xô viết tan rã.

Từ ngày 19 đến 21-8-1991, M. Gorbachev bị quản thúc ba ngày trong một ngôi nhà nông thôn ở Crimea, để khi trở về phát hiện cả nhà nước liên bang lẫn các cơ cấu quyền lực Nga đều đã vuột khỏi tay! Một sự kiện quá lớn, nếu không nói là địa chấn, cho làng báo. Làm sao?

Các nhà báo Liên Xô, thông cảm với mỗi tối chúng tôi phải ghi lại các bản tin để sáng vào báo cho trưởng ban những cơn “đói tin” của đồng nghiệp, đã cho phép Tuổi TrẻLao Động vào thẳng phòng nhận tin của TASS để đọc những “sớ” tin dài dằng dặc, tuôn ra liên tục đó.

Tôi nhớ chúng tôi, phóng viên Tuổi Trẻ cùng phóng viên Lao Động, nằm bò ra sàn mà dịch tin, rồi vội vã phóng xe đạp về tòa soạn đưa tin, sau đó lao trở lại căn phòng TASS bám trụ, trực đến hạn cuối cùng in báo mới về (để cập nhật kịp diễn biến). Sao không gọi điện thoại ư?

Hồi đó làm gì có di động mà alô. Chỉ khi nào cần cập nhật, thay đổi một chi tiết cực kỳ quan trọng mới nhờ điện thoại TASS để gọi về báo! Sau này, nhà báo thường trú TASS trước khi về nước đã cho tôi hẳn bốn tập catalogue địa lý quốc tế của TASS, có giá trị khi đó chẳng khác nào cái Wikipedia hiện nay!

Cứ như thế, đến giữa những năm 1990, Internet du nhập rồi phổ biến ở Việt Nam vào cuối thập niên 1990, đưa những chiếc radio cassette cổ lỗ vào phòng truyền thống của Tuổi Trẻ.

Tôi không thể nào quên cảm giác sung sướng khi trỏ chuột vào những ký hiệu bàn tay, nhấp, và bản tin CNN hiện ra. Dòng tin tức từ khắp thế giới tuôn chảy thẳng về trên từng chiếc máy vi tính của nhà báo cho ta cảm giác thế giới rất gần.

Một số chuyên mục mới ra đời cùng với sự du nhập công nghệ đó, những “Thư California”, “Thư Berlin”, “Thư Bangkok” là dấu chỉ của toàn cầu hóa, khi sự việc vừa xảy hôm trước, hôm sau đã có thể cập nhật ngay trên báo từ người viết là độc giả, cộng tác viên tại chỗ.

Phóng viên Nhất Sơn và Cam Ly của Tuổi Trẻ ra sân bay để đến vùng Vịnh, tường thuật cuộc chiến Iraq 2003. Trước đó hai năm, nữ phóng viên Cam Ly cũng đã có mặt tại chiến trường Afghanistan - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Phóng viên Nhất Sơn và Cam Ly của Tuổi Trẻ ra sân bay để đến vùng Vịnh, tường thuật cuộc chiến Iraq 2003. Trước đó hai năm, nữ phóng viên Cam Ly cũng đã có mặt tại chiến trường Afghanistan - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Đi vào "tâm bão"

Nhưng cuối cùng thì cũng đến lúc các nhà báo Tuổi Trẻ trở thành phóng viên quốc tế đúng nghĩa. Đó là khi sự kiện 11-9-2001 nổ ra. Thế giới sững sờ, truyền thông náo loạn.

Những bản tin trên mạng, trên báo không thể thỏa mãn quá nhiều câu hỏi đặt ra của các độc giả. Ở mỗi nước, mỗi vị trí địa chính trị là một mối quan tâm khác.

Các hãng tin mạng thì cũng chỉ đứng từ góc nhìn của đất nước, dân tộc mình. Các nhà báo quốc tế như ngồi trên lửa. Đóng đô ở tòa soạn, mở tivi suốt ngày đêm, đọc mạng suốt ngày đêm nhưng vẫn không sao có hết những lời đáp.

Tôi nhớ khi đó Cam Ly, cô phóng viên trẻ của báo, bất ngờ đề nghị: Hay mình ra hiện trường đi chị? Cô xăng xái lên gặp tổng biên tập Lê Văn Nuôi. Anh Nuôi đã đồng ý ngay, mở đầu cho truyền thống đưa phóng viên tới những hiện trường nước ngoài khi sự cố xảy ra. Và từ đó là những chuyến đi làm nên bộ mặt quốc tế của Tuổi Trẻ.

Phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại những vùng chiến sự Afghanistan, Pakistan, Iraq. Phóng viên Tuổi Trẻ đưa tin từ vùng động đất sóng thần Indonesia, Nhật Bản, theo chân Hezbollah ở Libăng, viết từ đống đổ nát sau động đất ở Philippines... Phóng viên Tuổi Trẻ đã có thể chen vai với các nhà báo nước ngoài trên những hiện trường quốc tế.

Tuổi Trẻ bước vào tuổi 40 khi tôi chuẩn bị... tham gia đội ngũ các nhà báo Tuổi Trẻ về hưu. 25 năm gắn với tờ báo và những bản tin quốc tế, tôi tin rằng việc đưa tin và viết về những vấn đề quốc tế vẫn không mất đi tầm quan trọng kể cả trong kỷ nguyên Internet.

Chỉ khác ở chỗ, như nhà báo Thomas Friedman - tác giả Thế giới phẳng - từng thừa nhận, bởi càng chìm ngập trong biển thông tin Internet, nhu cầu về những thông tin đáng tin cậy và có giá trị trong độc giả sẽ ngày càng cao.

__________

Kỳ tới: Tuổi Trẻ gọi, tôi lội nước đưa tin

Câu chuyện thú vị của một nhà báo không phải của Tuổi Trẻ, nhưng đã lăn xả trong thảm họa để truyền tin cho Tuổi Trẻ.

PHAN XUÂN LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên