29/03/2018 14:24 GMT+7

Tuổi thơ buồn của cậu bé bị phỏng 60% cơ thể

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Bị trầm cảm vì mẹ bỏ đi lúc 12 tuổi, giờ đây Đoàn Thanh Long (ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang từng ngày chống chọi với cơn đau giằng xé khi phẫu thuật cắt, ghép da sau tai nạn bỏng 60% cơ thể.

"Hoàn cảnh của nó đáng thương lắm, buồn lắm chú ơi" – giọng bà Đoàn Thị Nghĩa (cô ruột của em Đoàn Thanh Long) run run nói. Không buồn sao được khi tuổi thơ của Long là những ngày thiếu vắng tình mẫu tử, sống lặng lẽ trong chùa và giờ đây nằm đang bất động trên giường bệnh với đủ thứ dây nhợ, băng gạc quấn quanh.

"Gà trống nuôi con"

Theo bà Nghĩa, năm 2000 ông Đoàn Thanh Bình (46 tuổi, anh trai bà) và bà Nguyễn Thị Y., kết hôn, có với nhau hai người con trai gồm Đoàn Thanh Long (2001) và Đoàn Thanh Phong (2003). Dù điều kiện gia đình "chỉ đủ cơm cháo sống qua ngày" nhưng trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười con trẻ.  

Tuổi thơ buồn của cậu bé bị phỏng 60% cơ thể - Ảnh 1.

Ông Bình (cha của Long) đang ngồi trước khi vực phẫu thuật BV TW Huế đợi con - Ảnh: CTV

Thế rồi biến cố ập đến. Năm 2013 bà Y., đột nhiên bỏ nhà ra đi, lúc này Long chỉ mới 12 tuổi, Phong vừa tròn 10 tuổi. "Kể từ ngày mẹ bỏ nhà ra đi hai đứa nó có dấu hiệu bị trầm cảm. Cha tụi nó phải lao vào kiếm tiền lo cái ăn không có nhiều thời gian quan tâm nên càng ngày biểu hiện trầm cảm của hai đứa càng nặng. Tụi nó ít nói hơn, ngại ra ngoài giao tiếp với mọi người, chỉ lủi thủi trong nhà với các tivi"., bà Nghĩa kể.

Cảnh "gà trống nuôi con" không kéo dài được bao lâu thì Long và Phong phải vào chùa sống. Những ngày ở chùa, mỗi lần nói chuyện với người thân hai đứa nhỏ đều than  nhớ mẹ và muốn được về nhà. "Ở được 2 năm anh tôi nhớ tụi nhỏ quá nên vào chùa xin đón con ra ngoài sống, ba cha con dù nghèo nhưng ở bên nhau sống lặng lẽ với cơm cháo qua ngày"., ông  Bình kể lại.

Bà Nghĩa kể rằng, nơi sinh sống của 3 cha con chỉ là căn nhà lụp xụp được dựng tạm trên đất mướn của dòng họ. Trong ngồi nhà lụp xụp ấy, hai thứ có lẽ giá trị nhất là chiếc tivi và tủ lạnh cũ kỹ do chính người chị gái mua cho. "Anh Bình bán cà phê nhưng ế ẩm lắm, ngày cùng lắm bán được 10 ly chỉ đủ tiền mắm muối. Cũng may tiền học hành, cơm áo cho các cháu được người chị tôi trang trải chứ không các cháu nghỉ học giữa chừng từ lâu"., bà Nghĩa nói.

Tai họa bất ngờ

Cuộc sống đang yên bình thì tai họa lại bất ngờ ập xuống. Ông Bình kể, hôm 1 – 3 khi hai cha con đang nhóm lửa trong bếp, do bất cẩn bình xăng gần đó đổ vào, ngọn lửa nhanh chóng bùng lên. "Tôi cũng bị lửa táp nhưng kịp thời nhảy ra được nên bị thương nhẹ, còn Long bị té ngã cháy cả áo, quần. Long bị phỏng rất nặng được chuyển lên bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện TW Huế điều trị đến nay"., ông Bình kể lại.

Tuổi thơ buồn của cậu bé bị phỏng 60% cơ thể - Ảnh 2.

Long bị phỏng 60% cơ thể và đã qua hai lần phẫu thuật ghép da. Kể từ khi bị nạn Long nằm bất động trên giường bệnh, mọi việc sinh hoạt, ăn uống đều do cô ruột và ông Bình lo - Ảnh: CTV

Chưa kịp nghỉ ngơi sau điều trị vết bỏng ở chân, ông Bình lại quày quả chạy lên bệnh viện TW Huế để xem tình hình sức khỏe của con. Đợi con ngoài khu phẫu thuật ngoại (khoa gây mê hồi sức) ông Bình hết đứng lại ngồi, trên gương mặt in hằn sự khắc khổ lo lắng. Đến nay, tròn một tháng ròng Long nằm điều trị tại bệnh viện với 2 lần phẫu thuật cắt ghép da đau đớn.

Bà Nghĩa vì thương cháu, từ hôm Long nhập viện điều trị bà bỏ bê công việc ở Đắc Lắc ra Huế một tay chăm nom. Không có người thay ca, bà Nghĩa bảo rằng có 2 lần kiệt sức bà ngất xỉu, may được các bác sĩ kịp thời phát hiện. Theo bà Nghĩa, dù phải thay băng, phẫu thuật cắt ghép da nhiều lần rất đau đớn nhưng Long rất kiên cường chống chọi. "Bình thường thay băng những người khác la đủ thứ nhưng Long vẫn cắn răng chịu đựng không la một tiếng nào. Nhiều hôm vừa phẫu thuật xong cháu bị sốt cao lên đến gần 40o, nhìn cháu quằn quại không ăn, không ngủ được mà thương"., bà Nghĩa tâm sự.

Theo bà Nghĩa khi vào viện các bác sĩ đánh giá phỏng của Long rất nghiêm trọng (khoảng 70 – 80% cơ thể). Những ngày đó, hôm nào cũng phải truyền thuốc mỗi ngày từ 7 đến 12 triệu đồng. Cứ liên tục như vậy trong vòng 10 ngày, gia đình trở nên khánh kiệt. Từ hôm nhập viện đến nay tiền viện phí, tiền thuốc, tã lót và ăn uống sinh hoạt của Long tốn kém trên 100 triệu đồng.  "Thấy tình cảnh 3 cha con côi cút nuôi nhau nên anh em trong gia đình, bà con lối xóm mỗi người một ít hùn vào để cháu có tiền điều trị. Tôi nghe bác sĩ nói trường hợp của cháu chắc còn phải điều trị lâu lắm, rồi đây không biết phải xoay sở như thế nào"., bà Nghĩa lo lắng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trang – tổ trưởng tổ dân phố Khuôn Phò (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) xác nhận gia đình em Long "có hoàn cảnh quá khổ". "Mẹ bỏ đi nên Long bị trầm cảm nặng, nó lên chùa sống thời gian rồi về, lúc nào cũng buồn buồn lủi thủi trong nhà"., ông Trang nói. Ông Trang cho biết, khi Long bị bỏng nặng cơ quan đoàn thể địa phương đã vận động bà con quên góp ủng hộ người 20.000 đến 100.000 đồng (được tổng cộng 14 triệu đồng) hỗ trợ gia đình điều trị cho cháu.

PGS.TS.BS Phan Như Hiệp – giám đốc Bệnh viện TW Huế cho biết em Đoàn Thanh Long nhập viện trong tình trạng bị bỏng ở nhiều vị trí gồm chân, tay, nách, mặt với diện tích 60% cơ thể. Khi nhập viện với vết bỏng nặng, các bác sĩ Bệnh viện TW Huế đã nỗ lực điều trị chống nhiễm trùng ở các khu vực bị bỏng, hiện nay sức khỏe của em Long đang trong quá trình hồi phục.  Sau hai lần ghép da, hiện tại diện tích vùng bỏng còn lại khoảng 5%.  "Kế hoạch tuần tới em Long sẽ tiếp tục được ghép da lần 3 và có thể sẽ còn điều trị dài ngày mới có thể bình phục vết thương"., PGS.TS.BS Hiệp nói.

 

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên