Tuổi thần tiên cho em
TTO - Tan hội nghị giao ban, cô giáo Mai mang tâm trạng buồn bã, chán nản ra khỏi phòng họp. Trong hội nghị giao ban, hội đồng kỷ luật nhà trường đã bàn bạc và đi đến kết luật đình chỉ học đối với Hoàng.
Trước tình thế ấy, cô đã đề nghị với hội đồng kỷ luật, ban giám hiệu cho cô một tháng để giúp đỡ Hoàng, nếu qua một tháng Hoàng không có biến chuyển thì cô cũng chịu hình thức kỷ luật trước nhà trường.
Từ đầu năm học, khi nhận chủ nhiệm lớp 9C, ban giám hiệu, hội đồng quản sinh và các thầy cô giáo bộ môn đã nhắc cô đặc biệt chú ý tới Hoàng - học sinh cá biệt của lớp. Mọi người nhắc đến Hoàng với những thành tích bất hảo như: liên tục vắng mặt không lý do; gây gổ đánh nhau với bạn bè; bắt nạt học sinh lớp dưới; la cà tại những hàng quán ven trường; học hành chểnh mảng... nói chung toàn những điểm xấu.
Mọi người đã chán ngấy những hành động ngỗ ngược, xấc láo của Hoàng nên ai cũng xa lánh, ngay cả các bạn trong lớp cũng tìm cách tách ra không chơi với Hoàng, thành thử Hoàng càng cố tình phá phách để mọi người chú ý tới mình, và điều đó càng làm cho mọi người xa lánh cậu hơn.
Đoạn đường từ phòng họp về phòng học chỉ cách nhau mấy phòng học, nhưng sao hôm nay cô Mai cảm thấy dài lê thê, khiến cô đi mãi vẫn chẳng tới. Nhìn những em học sinh nô đùa dưới những tàng cây, túm tụm bên chiếc ghế đá dưới gốc cây, chỗ này chơi trò nhảy dây, chỗ kia chơi chuyền, chơi chắt, chỗ lại túm tụm tranh cãi về nội dung bài học..., trông đáng yêu biết bao.
Nhìn sự ngây thơ, trong trẻo của các học trò, cô Mai lại nghĩ tới Hoàng. Nếu quyết định kỷ luật Hoàng được thực thi ngay thì Hoàng sẽ không còn cơ hội vui chơi như những bạn bè cùng trang lứa. Biết đâu mình sẽ giúp được Hoàng, và chắc chắn mình sẽ giúp đỡ Hoàng trở thành một học sinh ngoan - cô nghĩ bụng và mạnh dạn bước vào lớp khi tiếng trống cất như thúc giục, thầy và trò nhà trường đã đến tiết học mới.
Vẫn như mọi khi, vào tiết cuối, vị trí của Hoàng lại bỏ trống. Cô Mai giảng bài cho học sinh mà quên mất tiếng trống tan trường điểm từ lúc nào. Cô Mai uể oải bước ra khỏi lớp trong tâm trạng hụt hẫng. Mải suy nghĩ về Hoàng, nhiều lúc cô giật mình vì tiếng chào của học sinh dành cho mình. Nhất định phải giúp đỡ Hoàng, ý nghĩ đó liên tục nhắc nhở cô và cô tin mình sẽ làm được! Cô nghĩ bụng và nhanh chóng hòa vào dòng người, xe đông đúc trên đường phố.
Xóm chợ, nơi tụ tập những mái nhà lụp xụp và là nơi tập trung của những người dân tứ xứ đổ về thị xã làm ăn. Xóm chợ, nghèo xơ xác với những căn nhà lụp xụp và những nét mặt u uất, buồn bã, mệt mỏi bởi công việc mưu sinh. Sau một hồi hỏi thăm, lòng vòng hết các ngõ ngách, cuối cùng cô Mai cũng tìm đến được nhà Hoàng.
Đó là căn nhà tồi tàn cửa đóng im ỉm, thỉnh thoảng tiếng đàn ông lè nhè chửi bới tục tĩu; tiếng phụ nữ khóc than ỉ ôi, thống thiết. “Người quen của cô à! Ôi dào, chuyện đó xảy ra như cơm bữa!” - một người phụ nữ đi ngang qua nói với cô rồi vội vã bước đi.
Cô Mai chưa biết trả lời ra sao thì có tiếng hét lên: “Ông, bà làm ơn im đi cho tôi nhờ” và Hoàng chạy vụt ra cửa. Gặp cô Mai đứng sững ngoài cửa, Hoàng đứng lặng người nhìn cô, rồi vuốt nước mắt chạy vụt đi. Trời về chiều, khói bếp từ những căn nhà, khói từ những bếp than tổ ong trong ngõ bốc lên ngun ngún, nồng nặc và u ám. Chẳng biết vì khói bếp hay vì xúc động mà cô thấy ngực mình nghẹn lại, hai mắt cay xè, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Từ lúc rời xóm nghèo tồi tàn ấy, cô Mai thấy thương Hoàng biết bao. Gia đình lục đục, đó chính là nguyên nhân làm Hoàng hư hỏng. Và từ hôm đó cô Mai quyết định đem đến cho Hoàng sự bao dung của người mẹ, sự đùm bọc che chở của người chị và sự chân thành của một người bạn... Những tình cảm giản dị, mộc mạc ấy được cô gói ghém trong tình nghĩa thầy trò.
Cùng với sự quan tâm của mình với Hoàng, cô Mai còn khuyên các học sinh trong lớp gần gũi, cùng chơi, cùng học với Hoàng. Được thầy cô và các bạn quan tâm động viên Hoàng không còn lầm lì, ít nói như trước nữa, cũng không có những hành động gây gổ đánh nhau nữa mà nụ cười đã hiện lên, khuôn mặt lì lợm ngày nào của Hoàng dần trở nên rạng rỡ.
Từ một học sinh yếu kém, tư chất đạo đức yếu, được xếp hạng học sinh cá biệt và bị quyết định buộc thôi học treo lơ lửng trên đầu, qua một tháng với sự gần gũi, động viên của cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô giáo bộ môn và các bạn bè trong lớp, Hoàng đã thay đổi thành một con người khác hẳn. Ngày mai là hết thời hạn 30 ngày thử thách mà cô Mai cam kết với hội đồng kỷ luật nhà trường.
Chiều nay, sau tiết học cuối cùng, cô gọi Hoàng ở lại vì có chuyện cần nói. Đưa cho Hoàng xem tờ quyết định kỷ luật của hội đồng kỷ luật, cô Mai thấy Hoàng rưng rưng nước mắt: “Cô ơi! Em biết lỗi rồi cô ạ, em muốn đi học cô ạ!” - Hoàng nói trong tiếng khóc nghẹn ngào. Nghe Hoàng nói vậy, cô Mai bỗng cúi xuống lặng lẽ lau những giọt nước mắt đọng lại trên khóe mắt rưng rưng của mình. Cô khóc, những giọt nước mắt tuôn rơi, nhưng hơn ai hết cô hiểu rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc trước sự tiến bộ của học trò của mình.
Câu chuyện này xảy ra cách đây 4 năm rồi. Hôm nay cô Mai nhận được thư của Hoàng, và câu chuyện về Hoàng cách đây 4 năm như hiện rõ trong tâm trí cô, như một sự thôi thúc và lời nhắc nhở cô phải có trách nhiệm với học trò của mình. Giờ đây Hoàng đã là học viên của một trường sĩ quan quân đội.
Trong lá thư viết vội trên thao trường huấn luyện gửi cho cô nhân ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Hoàng viết: “Nếu không có cô, nếu không có tờ quyết định kỷ luật năm ấy thì có lẽ đời em sẽ không được như bây giờ cô ạ! Xa trường, xa cô, em thấy nhớ những kỷ niệm và cả những sai lầm của thời bồng bột. Em hứa sẽ rèn luyện, học tập thật tốt để không phụ lòng tin của cô. Cô là người đã đem lại nét tươi sáng, ngây thơ của tuổi thần tiên cho em".
Cuối thư Hoàng còn tái bút lại mấy dòng ngắn ngủi: "Tái bút: Em quên không thông báo với cô, nhờ những lời khuyên chân tình của cô mà bố, mẹ em đã hòa thuận với nhau rồi cô ạ! Bây giờ em rất hạnh phúc”.
TRỊNH HỒNG HẢI (Nguồn: http://www.netbuttrian.vn/)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận