08/03/2004 05:01 GMT+7

Tuổi học trò và nỗi đau xé lòng...

L.TH.HÀ - L.A.ĐỦ - M.LUẬN
L.TH.HÀ - L.A.ĐỦ - M.LUẬN

TT - 2g chiều ngày 7-3-2004, tôi ghé khoa cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM. Lúc này, khoa đang tràn ngập bệnh nhân. Một bác sĩ nghe tôi hỏi thăm về hai em học sinh bị thương nặng trong vụ tai nạn thảm khốc ở Trảng Bom, Đồng Nai chuyển xuống đã cho biết em Trương Công Thanh Lân (sinh 1988) ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai đã tử vong lúc 15g45 ngày 6-3-2004, sau khi vào BV Chợ Rẫy hơn một tiếng...

lnCmXwZp.jpgPhóng to
Đám tang em Dương Xuân Hải
TT - 2g chiều ngày 7-3-2004, tôi ghé khoa cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM. Lúc này, khoa đang tràn ngập bệnh nhân. Một bác sĩ nghe tôi hỏi thăm về hai em học sinh bị thương nặng trong vụ tai nạn thảm khốc ở Trảng Bom, Đồng Nai chuyển xuống đã cho biết em Trương Công Thanh Lân (sinh 1988) ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai đã tử vong lúc 15g45 ngày 6-3-2004, sau khi vào BV Chợ Rẫy hơn một tiếng...

Tôi tìm lên lầu 5B3, khoa chấn thương chỉnh hình nơi em Nguyễn Thanh Linh (1988) ở ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, Trảng Bom, Đồng Nai bị vết thương dập nát tay trái từ khuỷu đến 1/3 giữa cẳng tay. Linh nằm điều trị ở phòng số 9, gương mặt tái xanh, thiêm thiếp trên giường bệnh. Cánh tay trái của Linh chỉ còn chưa được một nửa.

Chị Trần Thị Mai - người thân của em cho biết cha mẹ Linh đã chia tay nhau từ khi anh em còn nhỏ. Cách đây hai năm, mẹ Linh đã mất vì bệnh phổi. Anh em Linh về ở với cậu ruột và bà ngoại. Hằng ngày anh trai của Linh là Nguyễn Thanh Vương (21 tuổi) theo cậu đi bốc xếp bã mì để kiếm tiền phụ thêm cậu mợ nuôi Linh ăn học. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ cánh tay, tỉnh dậy Linh cứ ngơ ngác không biết mình bị làm sao. Em hỏi đi hỏi lại hàng chục lần rằng: “Con mất luôn cánh tay này rồi hả mợ?”.

ErUhpshg.jpgPhóng to
Hiện trường vụ tai nạn
Tôi hỏi Linh, trong chuyến xe lam ấy em có bao nhiêu bạn thân của em. Linh kể tên có Long, Lân, Phụng, Vũ, Trang, Ly... Trong số những cái tên Linh kể có em đã tử vong. Tôi biết nhưng không dám nói với em một điều gì.

Trong khi đó, em Hồ Hữu Khâm (lớp 10A4) vẫn còn nằm hôn mê trong khoa phẫu thuật BV Thống Nhất (Đồng Nai), Khâm là đứa con trai duy nhất trong gia đình có sáu anh chị em. Cha Khâm mắc bệnh ung thư, nhà nghèo không tiền chạy chữa nên bệnh tình trở nặng rất nhanh. Đến năm 2001 thì cha Khâm qua đời.

Ràn rụa trong nước mắt, Hồ Thị Thu Tuyền (chị Khâm) cho biết sau khi cha chết, mẹ quá đỗi đau buồn suốt ngày khóc cha, không chịu ăn uống đến nổi suy nhược nặng và ngã bệnh. Một năm sau mẹ cũng bỏ chị em Khâm mà ra đi. Tháng 8 -2003, tức chỉ hai tháng sau ngày mẹ mất, Hồ Thị Thu Uyên - người chị thứ ba của Khâm đang chuẩn bị thi đại học đành phải bỏ dở để đi làm công nhân. Bốn chị em nương tựa nhau mà sống, nhờ đồng lương công nhân khoảng 500.000 đồng/tháng Uyên cố ki cóp chi tiêu để cho ba đứa em còn lại được cắp sách đến trường: Tuyền luôn là học sinh tiên tiến, hiện đang học lớp 11 trường Ngô Sĩ Liên; Khâm học lớp 10 và đứa em gái út đang học lớp 8.

Trước khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với Khâm, đã có nhiều đêm chị Uyên bàn với các em rằng: “Nhà mình phải có một người nghỉ học để giảm bớt chi tiêu và đi làm để kiếm thêm chút tiền trang trải”. Tuyền dự định sẽ nghỉ học đi làm công nhân với chị để cho Khâm và đứa em út đến trường, dù ước mộng vào đại học của cô nữ sinh có học lực khá nhiều năm liền không phải là quá tầm tay.

Nỗi lo bỏ học vẫn còn đang hiển hiện thì tai nạn thảm khốc trên chuyến xe định mệnh ập đến. Trong nhà trống không, tiền bạc không có, Uyên tất tả báo tin cho anh chị mình. Họ cũng chẳng khá giả gì, xoay sở tiền bạc để đóng viện phí ban đầu cũng khá khó khăn. Tuyền nghẹn ngào: “Tụi em chết cứng, đi vay mượn thì cũng chẳng ai chịu cho vì không có gì để bảo đảm rằng tụi em có khả năng trả nợ”.

Tại BV Thống Nhất, ngoài Khâm ra còn 10 em khác với những vết thương khác nhau, với 10 hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung đều có gia cảnh khó khăn. Và do vậy, khi nghe những em phải mổ cấp cứu cần tiếp máu thì hàng xóm của các em, có lúc đã đến hơn 40 người xin được hiến máu cứu sống các em.

Nhiều người hi vọng với sự chăm sóc nhiệt tình của các thầy thuốc, mạng sống của các em rồi sẽ được cứu giữ lại với cuộc đời. Nhưng có điều không ai dám chắc rằng tất cả các em sẽ trở lại ngôi trường khi mà thương tích nhiều em rất nặng và liệu rằng cha mẹ các em có còn đủ tiền cho các em ăn học sau khi đã gắng sức cứu chữa cho con?

Khó có ai có thể cầm được nước mắt khi đến dự đám tang của em Dương Xuân Hải ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân (huyện Long Thành, Đồng Nai) vào sáng hôm qua. Quá nhỏ hẹp với vách đất mái tôn, căn nhà không đủ chỗ để Hải nằm trước lúc mãi mãi đi xa. Ba mẹ Hải là ông Dương Quay và bà Lê Thị Hiệp đã phải che bạt để em nằm ngoài sân. Thật đau lòng khi nhìn lên tờ cáo phó có dòng chữ Dương Xuân Hải hưởng dương 17 tuổi - cái tuổi đang hồn nhiên với nhiều ước mơ đẹp đẽ.

Trước khi đến đây, chúng tôi biết Hải là học sinh giỏi của lớp 10A1, được bầu làm lớp trưởng từ đầu năm học đến nay. Thầy Lê Nguyên Tú, hiệu trưởng Trường THPT dân lập Trần Quốc Tuấn với giọng đượm buồn cho biết do hoàn cảnh gia đình Hải đặc biệt khó khăn nên nhà trường đã miễn học phí, đồng thời cấp học bổng cho em với mong muốn em được học hành đường hoàng như bao bạn khác.

Báo Tuổi Trẻ hỗ trợ gia đìnhcác em bị nạn 23 triệu đồng

Trước vụ tai nạn thương tâm đến với các em học sinh, chiều hôm qua 7-3, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến các bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Thống Nhất (Đồng Nai) để thăm hỏi các em học sinh bị thương đang nằm viện và đã đến viếng tang các em học sinh không may qua đời.

Chia sẻ một phần khó khăn, báo Tuổi Trẻ đã trích 23 triệu đồng từ nguồn quĩ công tác xã hội để hỗ trợ gia đình các em với các mức 1 triệu đồng cho mỗi gia đình có học sinh tử nạn và 1 triệu-1,5 triệu đồng cho mỗi em bị thương.

Suốt từ chiều 6-3 đến trưa 7-3, mẹ của Hải chưa ăn một hột cơm nào, cứ đứng bên con gào khóc. Bà khóc vì mất đứa con trai duy nhất trong nhà, khóc vì thương cái nết của đứa con trai - nó đã không mặc cảm với cái nghèo, biết thương công lao động vất vả của cha của mẹ. Và do vậy “mẹ đã quên đi cực khổ, nhịn nhục, bán từng bó rau, mớ quả để giành dụm ít nhiều cho con ăn học. Vậy mà...” - mẹ của Hải nấc nghẹn nói với con mình.

Đến ấp Trà Cổ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) hôm qua chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến có đến 3 cái đám tang ở gần nhau, trong đó hai em Huỳnh Bảo Hưng và Hồ Đình Khả chỉ nằm cách nhau 20m. So với Hải gia đình các em này có phần khá hơn, nhưng cái khá đó không có ý nghĩa gì, khi ba mẹ các em cũng chỉ dựa vào miếng rẫy, mảnh vườn trồng trọt, chăn nuôi. Thu nhập bao nhiêu cũng chỉ gom góp lại để giành lo cho con đến trường học cái chữ.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hương (chủ nhiệm lớp A4) vừa khóc, vừa lấy viết khoanh tròn những cái tên học sinh thân yêu của mình gặp nạn trong danh sách học sinh của lớp. Và cứ mỗi lần đọc đến tên các em tử vong, cô lại dừng bút để gạt đi nước mắt chảy tràn trên mặt. Vừa đau đớn, vừa hốt hoảng cô Hương đã cùng những học trò của mình ở lại bệnh viện chăm sóc các bạn bị thương, rồi lại chạy về nhà các học sinh tử nạn...

L.TH.HÀ - L.A.ĐỦ - M.LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên