12/07/2020 10:16 GMT+7

Tuổi già hiu quạnh chốn quê

NGUYỄN ĐƯỚC (TP.HCM)
NGUYỄN ĐƯỚC (TP.HCM)

TTO - Có những gia đình nơi chốn quê, cha mẹ sinh con đàn cháu đống. Khi về già tưởng chừng sống vui vẻ, an nhàn bên con cháu. Thế nhưng hiện có rất nhiều ông bà, cha mẹ phải sống tuổi già trong cô độc, xế bóng thiếu vắng con cháu!

Tuổi già hiu quạnh chốn quê - Ảnh 1.

Cả nhà về quê thăm ngoại - Ảnh: T.T.D.

Những người con cùng cháu đã bỏ quê đi làm ăn xa. Năm thì mười họa họ mới tạt về quê một lần.

Ngôi biệt thự thiếu hơi ấm

Ngôi biệt thự sang trọng ba tầng nằm khuất sau mấy hàng cây bạch đàn, xà cừ xanh mướt trên đường Lê Thánh Tôn (TP Quảng Ngãi) là của một đôi vợ chồng già. Ấy là ông Bùi Thi và bà Nguyễn Thị Lài (hàng xóm ở quê của tôi). Năm nay ông bà cũng đã ngót nghét ngoài tuổi 80.

Dưới gian bếp rộng, cái lưng hơi còng, bà Lài lọ mọ vo nắm gạo rồi cắm nồi cơm điện chuẩn bị cho bữa cơm chiều trong một ngôi nhà rộng lớn chỉ có hai vợ chồng già yếu. 

Bà kể, vợ chồng bà có hết thảy bốn người con (ba trai, một gái). Các con bà đều đã trưởng thành, yên bề gia thất và đang lập nghiệp làm ăn xa ở tận trong Sài Gòn. Có đứa mở văn phòng, thành lập công ty riêng để kinh doanh, công việc phát triển, làm ăn khấm khá. 

Đứa con gái duy nhất của bà đi lao động, làm việc ở nước ngoài rồi "may mắn" lấy chồng giàu có lập nghiệp, sinh con đẻ cái và định cư ở nước ngoài luôn.

Bà kể, cứ cách đôi ba tháng là các con bà từ trong Sài Gòn hay ở nước ngoài lại gửi tiền, gửi sữa hộp về quê cùng hàng chục triệu đồng. Bà bảo tuổi già tiêu xài nào có bao nhiêu, chỉ khoản tiền lương hưu của ông nhà, tiền trợ cấp thương bệnh binh hằng tháng cũng đủ để bà gói ghém, chi tiêu cho hai ông bà già ở quê. Các khoản tiền con cái gửi về biếu bà cứ để dành đó lỡ ốm đau hoặc cho con cháu sau này.

Đôi mắt già nua, nhăn nheo, vầng trán nhiều vết chân chim có lúc thoáng buồn khi bà kể ngôi biệt thự nhỏ ba tầng này ông bà xây dựng từ tiền bán đất với mục đích là để cho con cháu sau này về ở. Thế nhưng bà nói "người tính đâu bằng trời tính", mấy người con bà lập nghiệp ở xa hết, đâu chịu về quê. 

Ngày tết, có năm có đứa về, có đứa không. Có năm tết nhứt cả mấy anh em nó đều không về vì nhiều lý do bận kinh doanh, làm ăn, mua vé tàu xe, máy bay khó khăn. Do đó mấy người con chỉ gửi tiền gửi quà về quê để biếu ông bà kèm theo lời chúc phúc của con cháu.

Mấy năm trước mỗi lần nhớ con nhớ cháu ông bà lại "thay phiên" nhau lọ mọ ra bến xe lên xe khách quen để vào Sài Gòn thăm con cháu. Mấy năm nay ông nhà mắc bệnh "nhớ nhớ quên quên" nên bà không thể đi xa hay vào Sài Gòn thăm rồi ở với con cháu mươi ngày, nửa tháng được. Ông bệnh, già yếu, bà bỏ ông ở nhà một mình thì ai lo miếng cơm chén nước cho ông!

Đôi mắt mẹ buồn hiu!

Bà Lài bảo, gần chục năm trước con của bà từ Sài Gòn về góp ý, đòi ông bà bán hết nhà cửa, vườn tược, đất đai rồi vào Sài Gòn sinh sống, ở với con cháu. Thế nhưng ông bà không chịu vì quê hương đất tổ, là nơi chôn nhau cắt rốn rồi còn mồ mả ông bà nữa. "Bán hết rồi bỏ đi sao đành, ai lo nhang khói...!".

Ánh mắt già nua chất chứa nhiều nỗi niềm, lo lắng, bà bảo với tôi rằng "Bà chỉ sợ tuổi già sống trong cô quạnh, đêm hôm lỡ xảy ra chuyện gì hay đau ốm trắc trở không có con cháu gần bên cạnh. Bà chỉ cầu mong trời đất phù hộ độ trì cho sự bình an của tuổi già... cô quạnh của mình và ông nhà. Còn nếu trời có gọi về thì xin được vợ chồng ra đi cùng lúc, nhẹ nhàng chứ đừng bắt ốm đau, nằm đó, tội con cháu...".

Bà Lài nói rồi, mắt nhìn xa xăm, buồn hiu! Tôi hiểu nỗi lòng của người mẹ từ ánh mắt buồn hiu ấy. Có một thực tế, nhiều cặp vợ chồng già ở quê, thời trẻ sinh "con đàn cháu đống" tưởng đâu về già sống trong cảnh an nhàn, hạnh phúc và yên vui bên đàn con cháu. 

Thế nhưng trong thực tế có hoàn cảnh, nhiều cặp vợ chồng khi già yếu, ốm đau phải sống trong cảnh hiu quạnh, cô độc, không có người trông nom, chăm sóc. Bởi con cháu họ đi làm ăn xa hoặc lập nghiệp ở tận thành phố hay ra nước ngoài làm việc rồi kết hôn, sinh sống luôn ở nước ngoài. 

Có người tết nhứt hay vài ba năm mới về thăm nhà, thăm quê. Thậm chí vì nhiều lý do khác nhau, có người con hơn chục năm chưa về thăm cha mẹ già nơi quê nhà đang mòn mỏi đợi trông.

Bên cạnh đó, có nhiều người con khi xa nhà, xa gia đình, xa quê hương thường có quan niệm và cho rằng, nếu không có điều kiện ở với cha mẹ hoặc không thường xuyên về thăm nhà, thăm cha mẹ thì có thể báo hiếu bằng cách hằng tháng gửi quà, gửi tiền về quê nhà cho ông bà, cha mẹ già. Đó cũng là cách sẻ chia, báo hiếu, làm tròn bổn phận, trách nhiệm để cho cha mẹ được đủ đầy.

Thế nhưng có mấy ai biết và hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, nhất là của những người già khi họ đã xế bóng, "gần đất xa trời". "Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng...". 

Thực tế, tuổi già, ngoài nhìn con cháu trưởng thành, thành đạt và hạnh phúc, người già luôn cần con cháu bên cạnh. Họ cần một không khí gia đình đúng nghĩa hơn là tiền bạc được gửi đều đặn hằng tháng. Cha mẹ già cần nhìn thấy con cháu sum họp đầy đủ trong những ngày lễ tết. 

Đó là niềm vui, là hạnh phúc, là sợi dây gắn kết tình thâm và sự quan tâm, sẻ chia lúc tuổi già, lúc ốm đau bệnh tật. 

Chia tay ông Thi bà Lài, tôi cứ nghĩ miên man và ước mong một điều: mọi người hãy về quê thăm người thân, cha mẹ thường xuyên hơn khi có cơ hội. Đừng để khi các ngài ra đi rồi, lúc đó ta lại phải khóc than trong lòng bởi có muốn về thăm thì cũng đã muộn!

Bà Lài nói: "Nhiều khi lễ, tết thấy gia đình, con cái, cháu nội, cháu ngoại người ta về nhà tề tựu đông đủ để ăn tết, không khí gia đình an vui, sum họp bà ứa nước mắt".

Rồi bà ngồi "ao ước" tuổi già của ông bà bớt hiu quạnh, an vui nhiều hơn khi có con cháu đầy đủ bên cạnh.

Nhưng rồi bà suy nghĩ, lại chép miệng: Âu cũng phải cảm thông cho con cháu mình có đứa vì công việc làm ăn, kinh doanh, có đứa lại ở xa xôi hơn nửa vòng trái đất.

Người trẻ bôn ba, người già cô đơn Người trẻ bôn ba, người già cô đơn

TTO - Một thực tế xảy ra ở những thành phố phát triển, đó là giới trẻ vì mưu sinh mà chấp nhận cuộc sống tự do phiêu bạt, còn ở một khung cửa khác có những người cha, người mẹ đang sống lặng lẽ chờ đợi đứa con trở về.

NGUYỄN ĐƯỚC (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên