Theo hồ sơ vụ việc, ngày 17-4-2013, TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự (cố ý gây thương tích) đối với các bị cáo Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Bình, Võ Văn Sáng và Võ Văn Xưa. Luật sư Lôi Thị Dung là luật sư bảo vệ quyền lợi của hai bị cáo Sáng và Xưa. Khi đến phần tranh tụng tại tòa, luật sư Dung có những lời lẽ biện hộ cho thân chủ của mình khá gay gắt, trong đó có nội dung “nhắc nhở” chủ tọa làm sai quy trình xét hỏi và bị chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Đinh Văn Phong nhắc nhở.
Tuy nhiên, luật sư Dung vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình đối với chủ tọa nên hội đồng xét xử sau khi hội ý đã cho rằng luật sư Dung vi phạm nội quy tòa, xúc phạm hội đồng xét xử và yêu cầu bà Dung rời khỏi phòng xử án. Thế nhưng bà Dung không chấp hành, buộc lòng hội đồng xét xử phải nhờ lực lượng bảo vệ phiên tòa can thiệp và phiên tòa bị hoãn lại.
Ngày 22-4-2013, luật sư Dung có đơn khiếu nại gửi chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp, Viện KSND tỉnh Đồng Tháp và chánh án tòa hình sự TAND tỉnh Đồng Tháp về việc thẩm phán Đinh Văn Phong vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Trong đơn khiếu nại, luật sư Dung đã nêu bảy vấn đề sai phạm của thẩm phán Phong và yêu cầu làm rõ.
Nhận được đơn, đến ngày 7-8-2013, TAND tỉnh Đồng Tháp có văn bản gửi Vụ Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp để nhờ cơ quan này chỉ đạo Liên đoàn Luật sư VN, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long, Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long có hình thức xử lý vi phạm của luật sư Dung. Tuy nhiên Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long khẳng định hành vi của luật sư Dung chưa đến mức xử lý kỷ luật, chỉ rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhất là ngôn phong trong quá trình tranh tụng tại tòa.
Sau đó, luật sư Dung làm đơn gửi TAND tỉnh xin được bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Chẩm (trong một vụ án khác) thì ngày 31-12-2013 TAND tỉnh Đồng Tháp lại ra thông báo từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với luật sư Dung.
Không đồng tình với quyết định này nên luật sư Dung gửi đơn đến Liên đoàn Luật sư VN. Ngày 2-1-2014, Liên đoàn Luật sư VN đã có văn bản gửi chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu rút lại quyết định thu hồi giấy chứng nhận bào chữa đã ký và khôi phục tư cách bào chữa cho luật sư Dung. Ngày 20-1-2013, Liên đoàn Luật sư VN tiếp tục có văn bản yêu cầu TAND tỉnh Đồng Tháp hủy quyết định thu hồi giấy chứng nhận bào chữa trong vụ án có liên quan đến Võ Văn Sáng, Võ Văn Xưa và cấp giấy chứng nhận bào chữa trong vụ án của Phạm Văn Chẩm. Mặt khác, ngày 14-1-2013, Ban thanh tra TAND tối cao cũng đã có ý kiến yêu cầu chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp rút lại quyết định thu hồi giấy chứng nhận bào chữa của luật sư Dung, nhưng đến nay TAND tỉnh này vẫn chưa có báo cáo cuối cùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Thơ - chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp - cho biết quan điểm của TAND tỉnh Đồng Tháp trong việc thực hiện các quyết định đối với luật sư Dung là đúng. Đồng thời khẳng định các văn bản của Liên đoàn Luật sư VN chỉ đúng về lý thuyết, thực tế không phải như lý thuyết.
Trả lời câu hỏi vì sao vắng mặt trong buổi họp giải quyết vụ việc, bà Lôi Thị Dung cho biết bà không hề nhận được giấy mời nên không đi. Đồng thời bà Dung cũng không đồng ý đối thoại với TAND tỉnh Đồng Tháp.
Trái quy định của luật Theo luật sư Nguyễn Văn Thảo - phó chủ tịch thường trực Hội đồng Luật sư toàn quốc, luật sư chỉ bị từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp sau: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư. Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Luật sư tham gia vụ án đó với tư cách người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch hay luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó. “Do đó, việc từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Lôi Thị Dung tham gia tố tụng trong vụ án Phạm Văn Chẩm với lý do “vi phạm hoạt động” khi tham gia bào chữa trong vụ án khác là theo cảm tính và trái với quy định pháp luật” (trích văn bản của ông Nguyễn Văn Thảo gửi chánh án TAND tối cao và chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận