20/03/2022 15:39 GMT+7

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Cá voi chết dạt vào bờ biển, người dân quây quần lại tắm rửa, khâm liệm, xây mộ, cúng tế như một người vừa qua đời. Tập tục độc đáo này xuất hiện tại một số xã ven biển ở Hà Tĩnh hàng trăm năm trước, đến nay vẫn được lưu giữ.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Một con cá voi vừa được người dân thôn Lương Ninh chôn cất - Ảnh: LÊ MINH

Tại xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân cách đây chỉ mấy ngày, người dân thôn Lương Ninh vừa thực hiện nghi lễ chôn cất con cá voi chết dạt vào bờ biển.

Một con cá voi dài khoảng 1,5 mét, nặng chừng 60kg dạt vào bờ biển thuộc thôn Lương Ninh, người dân thông báo cho nhau đưa cá lên bờ, tắm rửa, khâm liệm và chôn cất cá như một con người vừa qua đời.

Người dân ở đây tin rằng, cá chết vì cứu người bị kiệt sức đã dạt vào bờ biển. Cá voi được người dân gọi với cái tên khác là cá ông, họ hết sức cung kính, gọi là "ngài cá".

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Con cá voi chết dạt vào bờ biển được người dân xã Đan Trường khâm liệm để chuẩn bị chôn cất - Ảnh: ANH THƯ

Bà Nguyễn Thị Nga - bí thư chi bộ thôn Lương Ninh, xã Đan Trường - kể, từ hàng trăm năm trước ở địa phương đã có tục chôn cất, thờ cúng cá voi. Truyền thuyết kể lại rằng, từ các đời tổ tiên xa xưa đánh bắt cá trên biển gặp nạn được cá voi dìu thuyền vào bờ an toàn. Nhớ ơn cứu mạng của cá, người dân bắt đầu lập đền thờ để hương hỏa hằng năm.

"Người dân thấy cá voi chết dạt vào bờ như thấy người thân của mình. Người phát hiện đầu tiên đứng ra tổ chức an táng cho cá, thuê thầy để cúng, chôn cất và để tang cá trong vòng 30 ngày" - bà Nga nói.

Cách thôn Lương Ninh khoảng 200m, người dân xã Đan Trường còn lập miếu thờ, đến ngày rằm, mùng một sắc lễ vật đến cúng bái cầu mong trời yên biển lặng, thuyền bè ra khơi vào lộng bình an, tôm cá đầy thuyền, mùa màng tươi tốt.

Xem cá voi như người thân trong gia đình

Cách xã Đan Trường khoảng 60km, quần thể miếu Ngư Ông, lăng mộ an táng cá voi rộng hàng ngàn mét vuông hướng mặt tiền ra vùng biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Đây là một trong những miếu thờ cá voi lớn nhất ở Hà Tĩnh, có niên đại khoảng 600 năm, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2017.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Miếu Ngư Ông thờ hàng trăm con cá voi bị chết dạt vào bờ biển xã Cẩm Nhượng - Ảnh: LÊ MINH

Tương truyền, vua Lê Thánh Tông cùng các quan một lần đi thuyền trên biển gặp bão tố, cá voi bất ngờ xuất hiện dìu thuyền vua vào bờ, sau đó cá bơi ra biển cả. Vua trở về sắc phong cá Hải Nhân Ngư Tôn Thần, từ đó người dân lập đền thờ cá, tục chôn cất cá cũng xuất hiện từ đây.

Vào thế kỷ XX, miếu thờ Hải Nhân Ngư Tôn Thần khá nhỏ, trải qua các cuộc chiến tranh bị bom đạn tàn phá. Khoảng chục năm trở lại đây đền thờ được mở rộng, các ngôi mộ an táng cá cũng được sắp xếp lại. Quần thể miếu gồm điện thờ chính thờ Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần, phía nghĩa trang với gần 200 ngôi mộ chôn cất cá ông, cá bà, đức cô, đức cậu.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Chính điện của miếu thờ Hải Nhân Ngư Tôn Thần - Ảnh: LÊ MINH

Ông Nguyễn Hữu Phương (64 tuổi, ngụ xã Cẩm Nhượng) - trưởng Ban quản lý miếu Ngư Ông, cho biết người dân ở đây đa số theo nghề đi biển nên rất kính trọng cá voi. Khi thấy cá voi dạt vào bờ, người dân tổ chức tắm rửa cho cá bằng nước sạch, sau đó dùng rượu lau thêm lần nữa, tiếp đến dùng vải đỏ quấn quanh mình cá rồi tổ chức chôn cất cá theo đúng nghi thức.

"Các nghi thức cúng cá không khác gì cúng một người qua đời. Sau khi chôn cất cá, người đầu tiên phát hiện ra cá dạt vào biển phải để tang, cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày… sau 2 năm cá sẽ được cải táng lên một vùng đất khác, xây lăng mộ bằng gạch, đá" - ông Phương nói.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Khu vực nghĩa địa đang chôn cất gần 200 con cá voi - Ảnh: LÊ MINH

Mỗi con cá voi khi dạt vào bờ đều được xem xét tỉ mỉ để đặt tên, cá trọng lượng 50kg trở lên nếu cá đực gọi là cá ông, cá cái gọi là cá bà. Với cá nhỏ hơn, cá đực gọi là đức cậu, cá cái gọi là đức cô.

Ông Phương nhớ lại, từ nhỏ ông theo nghề biển nhưng chưa một lần gặp nạn để được cá cứu. Song, người trưởng ban miếu đã mất kể lại từng gặp nạn trên biển được cá dìu thuyền vào bờ an toàn.

"Tục chôn cất thờ cúng cá như người đã xuất hiện hàng trăm năm trước, tục không phải là mê tín mà mọi ngư dân đều có đức tin, cá voi là người bạn và cũng là ân nhân của nhiều thế hệ lớp người trước" - ông Phương quả quyết.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 6.

Các ngôi mộ được xây dựng thẳng hàng, thẳng lối, trên bia ghi rõ ngày mất của các "ngài" cá - Ảnh: LÊ MINH

Chỉ về phía 3 nấm mộ bằng đất, ông Phương kể vào năm 2021 có 3 "ngài" dạt vào vùng biển Cẩm Nhượng, người dân phát hiện đã làm thủ tục chôn cất, đến nay vẫn chưa đủ 2 năm nên chưa thế bốc mộ đưa cá vào khu vực lăng.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 7.

Trưởng ban quản lý miếu Ngư Ông thắp hương tại các ngôi mộ cá voi - Ảnh: LÊ MINH

Mỗi năm, cứ đến ngày 8-4, người dân ở xã Cẩm Nhượng tổ chức lễ cầu ngư tại miếu Ngư Ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển được bình an. Trên thực tế, cứ đến ngày rằm, mùng một người dân ở đây vẫn thường xuyên đến miếu hành lễ, thắp hương tại nghĩa trang cá voi.

Tục an táng cá voi như người chết của ngư dân Hà Tĩnh - Ảnh 8.

Lễ vật được người dân chuẩn bị cho ngày tổ chức lễ cầu ngư ngày 8-4 - Ảnh: LÊ MINH

Độc đáo lễ hội cầu ngư - rước cá sủ vàng tại Hải Phòng Độc đáo lễ hội cầu ngư - rước cá sủ vàng tại Hải Phòng

TTO - Ngày 25-2 (mùng 10 tháng giêng), hàng ngàn người dân làng Ngọc Tỉnh, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng lại long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư - rước cá sủ vàng độc đáo ba năm tổ chức một lần.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên