Phóng to |
Ba nhà báo của Washington Post: Bernstein, Bradlee và Woodward, những người đã thề bảo vệ bí mật cho Deep Throat cho đến khi chết |
Một dịp để quay trở lại với diễn biến vụ rò rỉ hồ sơ tối mật “Lầu Năm Góc” này, mà kết luận là “Hoa Kỳ sẽ thua tại VN”, chỉ hơn hai tuần sau khi trên báo chí ồn ào vụ nhân vật mệnh danh là “Deep Throat”, tác giả của vụ rò rỉ hồ sơ vụ nghe lén Watergate, nay mới chịu hiện nguyên hình: đương sự nguyên là phó giám đốc FBI, cơ quan điều tra liên bang.
Phóng to |
Màn cuối cùng của vụ Watergate |
Cả hai vụ rò rỉ này đã là những bài học kinh điển cho báo chí.
Ngày 13-6-1971, nhật báo New York Times bắt đầu đăng tải “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, một hồ sơ mật về chiến tranh VN từ những nguồn gốc ban đầu cho đến sự sa lầy sau này. Ngày 15-6, nhật báo này bị Chính phủ Mỹ đưa ra trước một tòa án cấp quận ở New York, buộc tạm ngưng đăng tải hồ sơ này.
Chính phủ Mỹ kiện tờ New York Times và Washington Post
Trong khi tờ New York Times đang tiến hành thủ tục kháng án lên tòa trên, nhật báo Washington Post nhảy vào đăng hồ sơ này. Ngay trong ngày, trợ lý bộ trưởng tư pháp William Rehnquist điện thoại cho tờ Washington Post yêu cầu ngưng đăng hồ sơ.
Tờ Washington Post từ chối. Chính phủ Mỹ đưa tờ Washington Post ra tòa, song tòa án bác yêu cầu. Ngay trong đêm, Chính phủ Mỹ kháng cáo theo thủ tục khẩn cấp lên tòa trên. Sáng hôm sau, ngày 19-6, tòa này bác phán quyết của tòa dưới, buộc tòa này phải xử lại. Thứ hai sau đó, ngày 21-6, tòa dưới lại bác yêu cầu của chính phủ: Washington Post đăng trở lại. Hôm sau, thứ ba 22-6, đến lượt tòa thượng thẩm New York bác yêu cầu của chính phủ. New York Times được tiếp tục đăng.
Thế nhưng, Chính phủ Mỹ đâu dễ đầu hàng, ngay ngày hôm sau lại vác đơn đi kiện. Đến ngày 25-6, tối cao pháp viện thụ lý cả hai vụ nhập làm một, dưới tên gọi là vụ án “New York Times kiện Chính phủ Hoa Kỳ”. Năm ngày sau, với sáu phiếu thuận, ba phiếu chống, tối cao pháp viện bác mọi yêu cầu của Chính phủ Mỹ đòi cấm đăng tải “Hồ sơ Lầu Năm Góc”.
Nguyên là vào đầu năm 1968, McNamara rời Bộ Quốc phòng. Nhưng trước đó, ông ta cũng đã kịp ra lệnh thành lập một nhóm bí mật nghiên cứu lại căn nguyên cuộc chiến tranh VN trong góc độ “hệ thống quyết định ở Washington đã làm những gì ở VN từ sau Thế chiến thứ hai?”.
Công trình nghiên cứu tối mật này hoàn tất vào giữa năm 1969, gồm 47 tập, dày 7.000 trang. Hồ sơ này đã chỉ được in ra có 15 bản gửi đến những địa chỉ tối quan trọng, trong đó có Tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND Corporation.
Daniel Ellsberg, nguyên là một nhân viên dân sự cao cấp làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ, từng phục vụ tại VN, đã tiếp cận được hồ sơ này từ đầu mối RAND Corporation. Daniel Ellsberg sao lại bộ hồ sơ và “xì ra” cho Neil Sheehan của tờ New York Times, một cựu phóng viên chiến trường tại VN.
“Lời nói dối tỏa sáng” sau này của Neil Sheehan bắt nguồn từ đây. Vấn đề không chỉ là chính phủ có dối trá hay không mà là sự dối trá luôn kèm theo những đàn áp, ngáng trở hay âm mưu.
Hồ sơ này khi được đăng tải trên báo chí đã có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống chính trị xã hội Mỹ. Ngày 5-6-2001, Hội Cựu chiến binh Mỹ tại VN đã họp tại “Câu lạc bộ Báo chí quốc gia” ở Washington để kỷ niệm 30 năm vụ “hồ sơ mật”.
Trong thông cáo của hội có câu: “Hội cảm thấy cần nhắc lại với đất nước nghĩa vụ này, đặc biệt khi mới gần đây, tổng thống đã phủ quyết việc ngăn trở một đạo luật gia tăng hình phạt cho những ai tiết lộ các thông tin bảo mật. Xét kinh nghiệm chiến tranh VN cùng nhiều thí dụ khác đầy thất vọng, nhiều người tin rằng Hoa Kỳ không cần có những đạo luật đầy bí mật như đã từng thấy”.
Brian Martin trong “Di sản của hồ sơ mật Lầu Năm Góc” đăng trên The Whistle, tháng 7-2003, cho biết: “Một trong những cố gắng của Nixon nhằm đánh gục Ellsberg là việc tổ chức một vụ đột nhập vào văn phòng của bác sĩ tâm lý của Ellsberg nhằm ăn trộm hồ sơ bệnh án của Ellsberg. Vụ đột nhập này do một “tổ thợ ống nước”, bí danh của một tổ mật vụ thuộc Nhà Trắng, thực hiện. Thế nhưng, âm mưu bôi bác thanh danh Ellsberg này đã tạo phản ứng nghịch: khi tin tức về vụ ăn trộm hồ sơ bệnh án của Ellsberg trở nên công khai, chính tòa án đã ra lệnh bãi phiên xử Ellsberg.
Đội “thợ ống nước” của Nhà Trắng còn dính líu đến một vụ ăn trộm tiếng tăm hơn, đột nhập trụ sở Đảng Dân chủ Mỹ tại tòa nhà Watergate ở Washington, gắn các “con bọ” điện tử nghe lén. Vụ tai tiếng này đã nhận chìm Nixon, dẫn đến việc ông ta từ chức vào năm 1974”.
Trong vụ Watergate, người “bật mí” cho báo chí lại chính là nhân vật số 2 của cơ quan điều tra liên bang FBI Mark Felt. Sau khi Mark Felt xuất đầu lộ diện trên tờ Washington Post hôm 1-6 vừa qua, đã có ngay những dư luận được “quấy lên” với những tin về ý định viết lách của Mark Felt cùng những chi tiết như “Mark Felt viết sách, làm phim... để kiếm tiền (!)”.
Tiền có ý nghĩa gì ở tuổi 91 khi mà đương sự ít nhất cũng đã là phó giám đốc FBI, lương hưu nhất định cao hơn lương một anh “detective ” trong ngạch cảnh sát ở Mỹ (trong loại phim hành động thường dịch là “thám tử”, trước kia gọi là ngạch “thẩm sát viên”) gấp mấy lần.
“Deep Throat’, vụ Watergate và nghề báo
Phóng to |
Mark Felt sau hơn 30 năm trong thinh lặng |
Daniel Ellsberg giải thích những đề xuất của mình như sau: “Các tiết lộ của Mark Felt gây ra nhiều tác động nơi đất nước này và cuộc chiến tranh VN hơn là đa số người có thể nghĩ. Nếu Nixon vẫn còn tại chức, có lẽ ông ta sẽ vẫn tiếp tục chiến tranh thêm một hai năm nữa. Cho dù quốc hội có cắt ngân sách chiến tranh, ông ta cũng vẫn tìm ra được tiền, như Reagan đã từng làm trong vụ Iran-Contragate (buôn lậu vũ khí cho Iran lấy tiền tài trợ cho phe phản loạn contras ở Nicaragua). Chính do việc Nixon bị văng mà quốc hội mới có cơ chấm dứt các nỗ lực chiến tranh. Thế cho nên, nhờ các tiết lộ của Felt nhiều sinh mạng đã được cứu”.
Trích đoạn trả lời phỏng vấn của Ellsberg trên truyền hình cho ký giả Hank Plante trên KPIX TV:
Ellsberg: “Vụ Watergate đã làm thay đổi tận gốc chính trường Mỹ, thay đổi một cách hầu như là không thể nào nghĩ ra được. Vào những năm 1970 đó, nếu trong một cuộc phỏng vấn như anh đang phỏng vấn tôi bây giờ mà tôi nói rằng “tổng thống đang dối trá dân chúng Mỹ”, tôi nghĩ rằng cuộc phỏng vấn sẽ bị chấm dứt ngay. Micro sẽ bị ngắt, nếu như tôi đang ở trên sàn quay, tôi sẽ bị tống cổ ra ngay. Ngày nay thật khó mà tin rằng tình huống tôi vừa kể có thể xảy ra. Sự thay đổi tận gốc từ sau Watergate là trong ý nghĩa đó.
Vụ “Hồ sơ Lầu Năm Góc” đã chứng thực rằng bốn trào tổng thống trước Nixon đã dối trá, liên tục dối trá. Vụ Wategate đã chứng minh rằng Nixon, tổng thống đương nhiệm lúc đó, cũng dối trá nốt. Lần này thuộc lĩnh vực đối nội, thế cho nên công chúng mới để ý sâu sắc. Từ đó, chúng tôi luôn ý thức điều đó - một chính phủ không thể dối trá dân chúng. Không thể có một nền cộng hòa nếu như báo chí, quốc hội, tòa án và công chúng để cho một tổng thống cứ “mập mờ đánh lận” họ.
Tôi mừng là Mark Felt nay đã xuất đầu lộ diện. Tôi vẫn luôn mong mỏi rằng cái nhân vật nào đã “bật mí” vụ Watergate có thể ra công khai khi còn sống, và rằng tất cả những ai cất công “thổi còi” cảnh báo chính phủ cũng có thể được công khai với tất cả trách nhiệm của mình, được dân chúng biết đến, nhìn nhận việc họ đã làm như là một hành động đáng kính, yêu nước, can trường, từ đó khuyến khích người khác noi gương”.
- Ký giả Plante: Trong khi gia đình Mark Felt bảo “bố là một anh hùng”, thì Mark Felt lại tỏ ra thẹn thùng vì vai trò “người thổi còi” của mình, vì việc tiết lộ bí mật cơ quan. Làm “người thổi còi” phải như thế sao?
- Daniel Ellsberg: Bất cứ ai tiết lộ bí mật cơ quan mình đều không muốn bị biết tên tuổi, do lẽ điều này sẽ gây rắc rối cho họ, nhất là khi họ đã từng ký tên thề bảo vệ bí mật công tác. Cái ngày bắt đầu vào nghề, hạ bút ký tên thề bảo mật đó, họ đâu có ngờ rằng sẽ có ngày phải làm ngược lại và điều đó sẽ gọi là tội gì...
Thế cho nên, họ, trong đó có cả tôi, đều cảm thấy bị dằn vặt với đòi hỏi trung thực với tổ chức, với cấp trên, với đồng đội, với hiến pháp. Chúng tôi đã chẳng thề danh dự với một lãnh tụ mà là với hiến pháp. Thế cho nên, khi thấy tổng thống công khai và thô bạo vi phạm hiến pháp (bằng việc dối trá quốc hội về lý do lâm chiến, bằng những quyết định lạm quyền...), như Nixon đã làm, chúng tôi tự hỏi: bây giờ phải trung thành với cái gì nhất?
Rõ ràng là Mark Felt đã hành động trên cơ sở những gì ông ta cảm nhận về sự trung thành với hiến pháp và đất nước. Và tôi nghĩ rằng ông ta đã hành động đúng. Song điều đó cũng không làm cho ông ta vơi đi những dằn vặt rằng ông ta đã phản bội lời thề, đã bỏ rơi một đội ngũ. Trường hợp tôi cũng thế. Khi tin chắc rằng tổng thống đã vi phạm pháp luật, đã đưa chúng ta vào một cuộc chiến tranh sai lầm, kể cả trường hợp đương kim tổng thống, thì bất cứ ai đang có tài liệu trong tay vẫn phải ý thức rằng sự trung thành cao cả nhất là với đất nước.
Tôi nghĩ rằng lòng can trường của Mark Felt sẽ động viên những người khác làm theo ông và làm ngay bây giờ những gì cần làm - Daniel Ellsberg nhấn mạnh - công khai ra những tài liệu chứng tỏ chính phủ này đang dối trá.
Tờ Sun-Gazette trong một bài xã luận mang tựa đề “Di sản của vụ Deep Throat nơi làng báo là rất lẫn lộn” đã viết: “Việc sử dụng một nguồn tin nặc danh trong một vai trò cực kỳ quan trọng như thế đã dẫn đến việc thả ra cả một đạo quân “rò rỉ thông tin”, có khi vì những động cơ nhơ bẩn chứ không cao cả yêu nước một cách hiển nhiên như trường hợp Mark Felt. Có khi phóng viên tự gán cho mình vai trò “thập tự quân thánh chiến ” hơn là vai trò phóng viên.
Đã có một nền văn hóa “hậu- Deep Throat” tác động đến bộ máy quyết định, có khi tác động một cách tồi tệ. Vụ “báng bổ kinh Koran” của tờ Newsweek cũng đã dẫn đến một tai họa như thế (chính phủ ép Newsweek “xin lỗi”). Có thể kết luận như sau về câu chuyện Deep Throat: “Cuối cùng thì sự thật cũng phải lộ ra và đó chính là lợi ích lớn nhất từ một làng báo tự do”.
Những tin tức mới nhất cho biết: “Tình hình tranh cãi về những cáo giác rằng chính quyền Bush đối xử thô bạo các tù nhân ở nhà tù Guantanamo đã xấu đi hơn nữa hôm thứ tư 15-6, khi cả các nghị sĩ Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ trong tiểu ban tư pháp thượng viện lên tiếng yêu cầu Quốc hội Mỹ can thiệp để giải quyết số phận 520 tù nhân ở Guantanamo” (nguồn: Knight Ridder Newspapers).
Nếu không có vụ “sai lầm khi sử dụng nguồn tin nặc danh của tờ Newsweek” mà một số báo chí nhao nhao lặp lại, thì đã không có những diễn biến ngày hôm nay về số phận Guantanamo cũng như cái mà báo chí thế giới đang gọi là vụ “Deep Throat của số 10 Downing Street” (dinh thủ tướng Anh) sau khi tờ Sunday Times số chủ nhật vừa qua lần đầu tiên công bố với thế giới một hồ sơ mật do một nhân vật cao cấp nặc danh bí mật cung cấp. Hồ sơ này cho thấy vào ngày 21-7-2002, tức tám tháng trước chiến tranh Iraq, chính phủ Blair nhận thức rất rõ rằng họ không có chọn lựa nào khác hơn là tìm cách làm cho cuộc chiến tranh này mang tính hợp pháp.
Tự do, trong nghề báo, cho dù có là “bánh trên trời rơi xuống” như trong 40 năm lang thang sa mạc của người Do Thái, hay là “sung rụng”, cũng phải nhặt lấy mà ăn. Và tự do kèm theo trách nhiệm, trong đó trách nhiệm đầu tiên là tự mình phân tích, đừng “nhơi lại” của người khác, để trở thành “cái loa một chiều”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận