![]() |
Học sinh trường THPT Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội đâng tìm hiểu thông tin vê tuyển sinh - Ảnh: Quang Thế |
* Nếu em không đỗ vào trường ĐH nào thì cơ hội được tiếp tục đi học của em như thế nào?
- Th.s Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng vụ GD chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT HN: Cả nước có 1,2 triệu thí sinh thi, nhưng các trường ĐH chỉ tuyển tuyển dưới 50% trong số đó. Vì vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 600 nghìn thí sinh trượt ĐH. Nhưng các em đừng lo, ĐH không phải là con đường duy nhất để các em vào nghề. Có rất nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề đang dành nhiều cơ hội cho các em. Hơn nữa, các trường đều có chế độ học liên thông lên cao đẳng, ĐH. Cách đi này là thuận lợi nhất cho những thí sinh có sức học từ trung bình khá trở xuống. Bởi vậy, ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời.
* Khi chọn trường nên chọn theo sở thích của bản thân hay cơ hội nghề nghiệp?
- Th.S Trần Hà Thu, Khoa Tâm lý học trường đại học khoa học xã hội & nhân văn-ĐHQGHN: Đây là câu hỏi phổ biến của nhiều học sinh. Nếu nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực thì là lựa chọn tốt nhất. Theo ý kiến của tôi các bạn nên lựa chọn công việc phù hợp với năng lực cá nhân, cơ hội nghề nghiệp hơn là chọn theo sở thích nhất thời.
* Bạn Cao Thị Thúy Quỳnh: Em học trung cấp, liên thông nhưng khi ra trường có nhiều công ty lại ghi rõ không tuyển tốt nghiệp liên thông?
- Th.S Phạm Như Nghệ: Trong thực tế lãnh đạo doanh nghiệp là người chọn đối tượng vào cơ quan. Có nhiều nơi ghi rõ chỉ tuyển tốt nghiệp ĐH thôi, thậm chí một số tỉnh còn ghi rõ chỉ tuyển ĐH chính quy. Nhưng khi tốt nghiệp trung cấp là đạo tạo kĩ thuật nghề, tức là đào tạo kiến thức và kĩ năng. Không phải người tốt nghiệp tại chức, trung cấp là không có kĩ năng tốt. Kể cả hệ đại học cũng chưa chắc đã có kĩ năng tốt. Mọi việc phụ thuộc vào năng lực học tập và làm việc của các em.
Bằng tốt nghiệp ĐH, hay trung cấp, chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Các em phải vượt qua khâu kiểm tra kĩ năng của doanh nghiệp. Nếu không vượt qua thì bằng chính quy, tại chức hay liên thông đều không có giá trị. Tôi cũng hi vọng trong tương lai không xa những bằng cấp này đều có cơ hội như sau.
- TS Phạm Mạnh Hà, Khoa tâm lý học trường đại học khoa học xã hội & nhân văn- ĐHQG Hà Nội: Tôi có tham dự phiên chợ việc làm và theo thống kê thì chỉ có cỡ 20% doanh nghiệp tuyển hệ ĐH. Do đó, các em học hệ cao đẳng, trung cấp còn rất nhiều cơ hội.
* Nhà em có 3 anh em, hai anh trước không đỗ ĐH, bố mẹ hi vọng vào em, càng ngày em càng thấy gánh nặng. Em làm thế nào để giải tỏa?
- Th.S Trần Hà Thu : Các em gặp áp lực rất lớn. Ở đây có rất nhiều phụ huynh, nhưng tôi muốn nói với các vị rằng: chính phụ huynh là người tạo áp lực cho con cái, con mình phải thi trường tốt, công việc tốt. Đối với các thí sinh thì các em nên trò chuyện thẳng thắn với bố mẹ về sở thích, nguyện vọng, năng lực của chính bản thân mình.
Cách chia sẻ cũng là điều quan trọng khi giải quyết xung đột hay bày tỏ nguyện vọng với người khác. Ngoài ngôn ngữ nói thì có thể viết thư cho bố mẹ để bố mẹ đọc và hiểu tâm tư của con mình. Có một bạn không muốn thi trường Y tuy bố bạn ấy là bác sĩ. Bạn ấy rất khó nói chuyện với bố mẹ nên đã để lại bức thư ở đầu giường và bố bạn ấy đã đọc và hiểu được tâm tư của con mình.
* Vấn đề tâm lý khi đi thi. Em phải làm thế nào để giải tỏa?
- Th.S Trần Hà Thu: Điều đầu tiên là chúng ta phải ôn tập chắc chắn, khi đó bạn có 50% thành công. TIếp nữa các bạn sẽ xác định mục tiêu của mình, phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân mình. Nếu không phù hợp thì các bạn sẽ cảm thấy không chắc chắn. Để có được sự bình tĩnh tự tin. Vì nếu ngay từ đầu bạn nghĩ mình thất bại thì chẳng bao giờ bạn làm được. Trước khi vào phòng thi bạn nhắm mắt, xoa thái dương, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Cho nên bạn hãy lựa chọn theo đúng khả năng, sở thích chứ không nên chạy theo xu hướng.
* Cứ đến kì thi thì em căng thẳng vào hay quên. Em phải làm thế nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Càng lo lắng bao nhiêu thì gánh nặng tinh thần càng nặng thêm bấy nhiêu. Nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn thì không thể học vào được. Cũng giống như ăn một bữa cơm, phải vừa phải mới ngon miệng và dễ hấp thu. Phải cân bằng lại, học tập, vui chơi, ăn uống để có thể điều hòa cuộc sống.
Trước ngày thi có thể đi tham quan du lịch, đi chùa, nhà thờ để thấy tinh thần thoải mái, thanh thản hơn. Hãy vứt bỏ quan niệm kì thi sắp tới là kì thi duy nhất và cuối cùng của cuộc đời mình. Nếu nghĩ đó là cơ hội cuối cùng thì nếu không đạt được chúng ta sẽ vô cùng đau khổ mà bỏ qua nhiều cơ hội phía trước. Tóm lại, hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống.
* Em nên thi ngành Luật hay Luật kinh tế. Ngành nào có cơ hội việc làm hơn?
- TS Phạm Mạnh Hà: Về cơ hội việc làm không liên quan nhiều lắm đến chúng ta học ngành nào. Nếu em chọn một ngành không phù hợp với năng lực bản thân thì nhà tuyển dụng sẽ không lựa chọn em. Em hãy cân nhắc lại xem mình am hiểu về công việc, khả năng của mình thế nào, mình có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không?
* Bạn Nguyễn Diệu Thúy: Thầy Hà có nói ngành tài chính cạnh tranh rất lớn nhưng em vẫn nghĩ ngành này rất an toàn vì chúng em có thể xin làm ở các doanh nghiệp, công ty chứ không phải là làm ngân hàng? Em muốn làm du lịch nhưng mà em băn khoăn vì nhiều người nói một số ngành phải có ô dù?
- TS Phạm Mạnh Hà: Tài chính ngân hàng cạnh tranh rất lớn nhưng không có nghĩa là các em không có cơ hội. Bên cạnh tiền bạc, cuộc sống của chúng ta còn có nhiều nguồn vui và đam mê khác. Cho nên chúng ta có thể lựa chọn ngành khác phù hợp sở thích, năng lực. Nhiều em đã chọn theo yêu cầu của bố mẹ, xu hướng xã hội mà bỏ qua năng lực cá nhân thì cuối cùng thu nhập cũng không cao mà các bạn cũng thấy không thích thú.
Tất cả các ngành nghề đang được đào tạo hiện nay đều có cơ hội. Điều quan trọng là chúng ta đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nếu chúng ta không thận trọng, chọn nghề chỉ vì nó dễ tìm việc làm thì chúng ta sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nhiều người hỏi tôi thi ngành Hán Nôm thì có xin việc được không vì thực tế phạm vi tuyển dụng của ngành này rất hẹp. Nhưng một thực tế cho thấy không có sinh viên Hán Nôm nào ra trường phải chờ việc quá 6 tháng.
* Em nên chọn học ĐH Kinh tế quốc dân hay ĐH ngoại thương vì em nghe nói ĐH Kinh tế quốc dân thì đào tạo bài bản còn sinh viên Ngoại thương thì năng động hơn?
- Th.S Phạm Như Nghệ: Tôi nghĩ đây là hai trường đào tạo kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Cho nên tôi nghĩ em không cần phải băn khoăn khi thi vào hai trường này, quan trọng là em thích trường nào hay không.
* Nếu ngành em thích không mang lại tài chính và ngành em thích nhưng mang lại nhiều tiền. Em nên chọn ngành nào?
- Th.S Trần Hà Thu: Chọn nghề thì chúng ta phải đảm bảo ba điều: sở thích nguyện vọng, đặc điểm khí chất tính cách, cơ hội thu nhập trong cuộc sống. Nếu công việc hội đủ ba yếu tố đó thì sẽ khiến bạn hoàn toàn hài lòng. Nhưng nếu công việc đó mang lại càng ít những ý đó thì bạn đã chọn sai nghề. Có người muốn sống với chính bản thân mình, làm việc gì mình đam mê, đó là động lực để họ làm việc. Còn công việc có thu nhập cao nhưng bạn không yêu thích cũng rất mệt mỏi và cũng rất khó tìm cơ hội của mình.
* Năm nay thi ĐH nếu thi đỗ em muốn bảo lưu kết quả để đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng gia đình em không đồng ý. Em muốn hỏi là sau khi đi bộ đội về thì việc nhập học có gặp khó khăn gì không?
- Th.S Phạm Như Nghệ: Theo quy chế tuyển sinh vào ĐH, cao đẳng nếu em thi đỗ mà có giấy gọi nghĩa vụ quân sự thì được phép bảo lưu để sau khi về em có thể học tập bình thường. Em có thể nghiên cứu rõ quy chế và làm các thủ tục bảo lưu. Em là một tấm gương cho các bạn học sinh khác học tập. Tôi làm quản lý giao dục nhiều năm cũng ít gặp trường hợp học sinh thi đỗ ĐH tình nguyện nhập ngũ. Đó là điều rất đáng quý.
Có những em vừa bước ra khỏi ghế nhà trường khi bước vào môi trường khác như môi trường quân đội đã trở nên chín chắn, am hiểu cuộc sống, vững vàng hơn. Nhưng cũng có chút khó khăn mà em nên tính là sau 3 năm trở về việc học tập, tiếp thu kiến thức của mình có thuận lợi hay không. Nhưng tôi tin rằng, với khuôn mặt thông minh và rạng ngời của em, tôi tin em sẽ làm được.
* Em đang học năm thứ 2 đại học một trường kinh tế và chán ngành này dù em học kết quả tốt. Em học ngành này theo nguyện vọng theo gia đình. Em muốn thi một ngành tâm lý. Theo thầy cô em có nên thi lại hay không?
- Em hãy mặc cái áo của người khác. Em có thích hay không, nếu em không thích thì hãy cởi bỏ nó. Nếu một công việc mà em không thích thì em hãy cân nhắc lại. Cái áo chúng ta chỉ mặc vài lần, không thích có thể bỏ được. Còn nghề nghiệp sẽ đi theo em suốt cuộc đời. Bố mẹ em khi thấy nguyện vọng tha thiết của em chắc sẽ cảm thông.
* Em muốn học ngành Tâm lý nhưng ngành này ở Việt Nam chưa phát triển. Cơ hội của ngành này như thế nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Cơ hội của ngành Tâm lý cũng không phải là ít. Ví dụ có thể làm chuyên gia trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý, đi giảng dạy hay làm trong các doanh nghiệp… Hiện nay, khoa Tâm lý đang đào tạo ngành Tâm lý học đường và tương lại ngành này sẽ phát triển tại các trường học. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nói là điều quan trọng là ngành này có phù hợp với năng lực tính cách của bạn hay không. Nếu bạn không phải là người có khả năng thấu cảm người khác, biết chia sẻ thì sẽ khó làm nghề Tâm lý.
* Cơ hội việc làm của ngành quản lý du lịch khách sạn như thế nào. Nhiều người nói ngành này đòi hỏi kĩ năng mềm nhiều hơn nên em nên thi Cao đẳng du lịch hay khoa du lịch khách sạn của ĐH Kinh tế quốc dân. Em muốn đi du học thì cơ hội như thế nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Việc học tập chia nhiều cấp độ khác nhau. Nếu học cao đẳng thì em có thể tham gia vào hoạt động du lịch khách sạn ngay. Còn nếu học ĐH thì em có thể tác nghiệp ở lĩnh vực tổ chức sự kiện, hoạt động du lịch. Dù học ngành nào thì cũng phải phù hợp với năng lực, tính cách của em. Nếu em là người hoạt bát, thích giao tiếp, yêu môi trường thiên nhiên thì em hoàn toàn có tố chất để làm du lịch. Đặc biệt, Việt Nam rất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Việc lựa chọn ĐH hay cao đẳng tùy thuộc vào sức học của em. Còn việc du học thì em hãy cân nhắc khả năng bản thân, khả năng tài chính và những ích lợi mang lại cho công việc của em sau này.
* Có một số trường trung cấp, cao đẳng liên kết với nước ngoài. Kiến thức đó có áp dụng được ở Việt Nam hay không?
- Th.S Phạm Như Nghệ: Không phải chúng ta bê y nguyên chương trình đào tạo của nước ngoài vào Việt Nam. Ở bất cứ trường nào, chương trình đào tạo phải được Bộ GD phê chuẩn. Có một điều hơn nữa là chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của nước ngoài để áp dụng cho Việt Nam.
* Trường Trung cấp chuyên nghiệp khác cao đẳng và trung cấp nghề như thế nào? Cơ hội của những ngành này ở Việt Nam?
- Th.S Phạm Như Nghệ: Hai hệ này có sự khác nhau: Trung cấp chuyên nghiệp đào tạo nhân lực bậc trung, cầu nối trình độ lao động bậc cao là ĐH và những lao động nghề. Cao đẳng nghề, trung cấp nghề thì tham gia trực tiếp lao động sản xuất. Ở bất kì quốc gia nào người ta cần kĩ sư trình độ cao thì cũng cần những lao động trực tiếp. Việt Nam vẫn tham gia sản xuất ở mức độ thấp, gia công là chủ yếu. Cho nên, chúng ta cần kĩ sư nhưng cần hơn những lực lượng tham gia trực tiếp lao động sản xuất . Ở những công ty may, các khu công nghiệp, người ta không bao giờ tuyển kĩ sư nhiều hơn những lao động tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp nghề.
* Em đang học ngành Công tác xã hội nhưng em muốn thi lại ngành Quan hệ công chúng. Nhiều người đó hai ngành đó giống nhau, vì vậy em có nên thi lại hay không?
- TS Phạm Mạnh Hà: Hai ngành đó không giống nhau, ngay từ tên gọi là đã rất khác. Điều quan trọng là em thích ngành công tác xã hội hay không, nếu không thích thì hãy dũng cảm lựa chọn lại. Em có xu hướng viết báo, tham gia các sự kiện truyền thông thì em hãy chọn ngành Quan hệ công chúng. Còn nếu em là người thích dấn thân, tham gia công tác xã hội, giúp đỡ người khác thì hãy ở lại với ngành Công tác xã hội. Em hãy tự lựa chọn cân nhắc, và sự chọn nào cũng có cái giá của nó. Hãy lấy tờ giấy, ghi ra điều chúng ta thực sự thích và không thích, tố chất của bản thân và yêu cầu của từng trường. Càng tìm thấy nhiều điểm chung với ngành học thì càng dễ quyết định.
* Em thấy anh chị em nói, học xong ĐH đa số nhiều người làm trái ngành nghề. Em băn khoăn không biết làm thế nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Nhiều sinh viên thất nghiệp, không tìm được việc làm, làm sai nghề… Nguyên nhân là chúng ta đã chọn một nghề chỉ đỗ đại học thôi chứ không hề yêu thích. Nếu chúng ta có đam mê với nghề nghiệp thì nguy cơ thất nghiệp rất cao. Vì vậy, điều quan trọng không phải chúng ta học ngành gì, hot không mà là ngành đó có phù hợp với năng lực cá nhân và sở thích hay không. Đó chính là nguyên nhân quyết định xem bạn thất nghiệp hay không!
* Ngô Ngọc Linh (THPT Chu Văn AN, Hà Nội): Em thích sư phạm. Bố mẹ em thích em học Luật. Còn bạn bè em thíc bảo em hợp với báo chí. Em nên lựa chọn ngành nào?
- Th.S Trần Hà Thu: Bố mẹ là người có kinh nghiệm, cũng có sự hiểu biết về con cái nhất định nên ý kiến của bố mẹ không hẳn là áp lực cho mình. Việc lựa chọn nghề nghiệp phụ thuộc vào 3 yếu tố: năng lực, sở thích; tính cách; cơ hội nghề nghiệp. Bạn hãy cân nhắc lại xem đặc điểm của mình như thế nào, xu hướng tính cách và nghề nghiệp.
* Em đang học ĐH Nông Nghiệp Hà Nội. Em muốn thi lại khoa Chính trị học của ĐH KHXH&NV. Cơ hội việc làm của ngành này thế nào. Học xong có được cấp bằng Cao cấp lý luận Chính trị như Học viên Báo chí tuyên truyền.
- TS Phạm Mạnh Hà: Cơ hội việc làm của ngành này đa dạng: trở thành phóng viên, nhà bình luận chính trị, các trường Đảng ở trung ương và địa phương, tham mưu trong các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội…
* Em muốn học ngành Tâm lý học tội phạm. Vậy ở Hà Nội em nên học ở đâu?
- TS Phạm Mạnh Hà: Ở VN chưa có ngành học này. Hiện nay, bên trường Học viện cảnh sát có một môn học về tâm lý học tội phạm. Nơi thứ hai là khoa Tâm lý học của ĐH KHXH&NV đào tạo Tâm lý học xã hội. Bạn nên cân nhắc giữa hai nơi này để đi đến quyết định cuối cùng tốt cho mình.
* Bạn Phạm Thị Bích Ngọc: Em có em trai sắp thi vào đại học. Em ấy khá trầm tính, thích thiết kế. Em sẽ phải hướng dẫn em ấy lựa chọn ngành nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Với những thông tin ít ỏi như vậy thì rất khó để có thể tư vấn cho em. Nhưng thiết kế là ngành đòi hỏi sự kiên nhẫn, trầm tính và có tư duy logic.
* Em là người hướng ngoại, thích tự do, em thích làm du lịch. Nhưng em hoàn toàn học không tốt, học được tiếng Anh và môn Toán kém?
- TS Phạm Mạnh Hà: Em đã có tìm hiểu sở thích của bản thân. Thực tế, ngành du lịch đang có nhiều trường mở rộng. Em có thể học ở trường công lập, dân lập, có tuyển sinh đầu vào phù hợp với bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập để có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng. Chúc em thành công.
* Bạn Trần Thu Trà: Em thích ngành kế toán nhưng nhiều người nói đang dư thừa nhân lực. Vậy em nên thi vào ngành nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Năm năm gần đây lượng người thi vào các ngành tài chính kế toán rất đông và như vậy sẽ xảy ra sự cạnh tranh gay gắt hơn. Nhưng điều quan trọng là, em có tìm việc được hay không lại không phụ thuộc mấy đến việc em học ngành gì mà là em có thuyết phục được nhà tuyển dụng hay không. Dù bạn học gì, nếu bạn có năng lực, có đam mê với nghề đó thì bạn sẽ thành công.
* Em muốn làm bác sĩ nhưng nhìn thấy máu em đã sợ rồi. Có thể nói em là người yếu tim, em có nên thi vào ngành này?
- Th.S Trần Hà Thu: Nếu bạn thực sự có những tính cách này thì sẽ rất khó để tham gia vào nghề Y. Còn nếu bạn theo ngành đa khoa mà yếu tim như bạn thì không biết bệnh nhân sẽ thế nào?
* Cơ hội tìm kiếm việc làm ngành Luật ở Việt Nam vì ở VN thì Luật chưa hoàn chỉnh và chưa phát triển?
- TS Phạm Mạnh Hà: Ngành Luật chưa hoàn chỉnh thì mới cần nhiều người làm Luật. Bạn hãy thực sự cố gắng để có thể thể hiện được năng lực của bản thân và tìm kiếm cơ hội cho mình.
* Em đang băn khoăn vào trường kinh tế và trường khoa học công nghệ. Em tìm kiếm một công việc có thu nhập cao. Còn nghe nói làm khoa học thì sẽ kiếm được ít tiền?
- TS Phạm Mạnh Hà: Rõ ràng, nhà tuyển dụng trả lương dựa theo năng lực của chúng ta chứ không phải theo bằng cấp. Khi chọn nghề, ngoài yếu tố thu nhập thì còn có yếu tố khác: thời gian dành cho gia đình, hứng thú trong công việc. Còn em làm khoa học nếu năng lực tốt thì em sẽ có cơ hội làm việc cho những doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài. Nếu thực sự em thích ngành khoa học công nghệ thì hãy mạnh dạn theo đuổi nó, khi có năng lực, có đam mê thì khi đó thu nhập cao sẽ đến với em.
* Em muốn thi Quan hệ công chúng. Bố mẹ em lo là làm công việc đó sẽ vất vả và áp lực. Em nên chọn gì?
- Th.S Trần Hà Thu: Sở thích nguyện vọng của em cũng đã có điểm chung. Tuy nhiên, ngành nào cũng có sự khó khăn, thuận lợi của nghề đó. Nếu em có đam mê, em có khả năng thì hãy theo đuổi chứ đừng sợ nó vất vả mà phải từ bỏ.
* Bạn Hoàng Thị Lan: Em muốn thi khoa mầm non vì em rất yêu trẻ em. Bạn bè và gia đình khuyên nếu thi mầm non thì nên thi cao đẳng, trung cấp còn dành cơ hội thi đại học. Nhưng nếu đỗ đại học thì em sẽ đi học ĐH chứ không học ngành mầm non yêu thích nữa. Em phải làm thế nào?
- TS Phạm Mạnh Hà: Đừng chỉ vì đỗ đại học thôi mà phải gắn bó với ngành mình không thích. Còn nếu em thích mầm non thì hãy chọn học ngành mình yêu thích. Đừng vì cái bằng đại học mà sai lầm cả cuộc đời. Em cũng không cần ngại cơ hội thăng tiến của mình bị hạn chế vì mình học cao đẳng. Mọi cơ hội sẽ đến nếu em có năng lực và thực sự đam mê công việc đó.
* Em thích thi Công an nhân dân. Gia đình em không cho vì sợ em nguy hiểm?
- TS Phạm Mạnh Hà: Nếu bảo với bố mẹ con sẽ ở nhà lấy vợ thì sẽ thế nào? Quan trọng là tâm nguyện của bạn. Đừng sống cuộc đời hộ người khác mà hãy sống cuộc đời của mình. Em hãy thuyết phục bố mẹ rằng mình có khả năng, cố gắng học võ, rèn luyện để hạn chế tối đa nguy hiểm cho bản thân. Điều quan trọng là tâm nguyện của bạn, mong ước của bạn, ngành nghề bạn có khả năng và yêu thích.
* Em trai em học tốt, bình thường làm bài kiểm tra điểm cao. Nhưng vào kì thi thì mất ngủ. Phải làm sao để khắc phục hiện tượng này?
- Th.S Trần Hà Thu: Chính vì các em đã tạo cho mình quá nhiều áp lực, về điểm số, phụ huynh, thầy cô. Có một số phương pháp nhỏ: trước ngày thi hãy làm những việc mình thích nhất để ngày hôm sau có một năng lượng lớn, tâm lý thoải mái. Hoặc nhiều bạn lựa chọn cách đi chùa để tâm lí thoải mái. Trước ngày thi cũng không nên xem các phim tâm lý nặng nề, đánh nhau khiến mình càng trở nên căng thẳng. Ngoài ra, nên tránh các chất kích thích như trà, cà phê.
* Tôi có con gái thi khối D. Nhưng hiện nay cũng chưa biết tư vấn cho con chọn ngành gì?
- Th.S Trần Hà Thu: Nhiều khi sở thích chỉ là ý thích đơn thuần, chưa hiểu bản chất của nghề nghiệp, cũng chưa tìm hiểu rõ năng lực của bản thân, phù hợp với xu hướng nghề nghiệp nào. Bố mẹ là người chăm sóc con cái từ bé cũng có thể biết được những sở thích, xu hướng của con cái. Chị có thể tư vấn cho con dựa trên sự hiểu biết.
- TS Phạm Mạnh Hà: Chị hãy trò chuyện cho con, gợi ý cho con chia sẻ là khi nói chuyện với bạn bè thì thích nói đến chuyện gì. Từ đó, chị có thể hiểu được xu hướng của con cái để định hướng cho con.
* Bố mẹ rất khó hướng cho con vào ngành gì. Tôi ở quân đội nhưng cũng không muốn cho con vào quân đội. Nhưng tôi rất lo vì con học bình thường, sức khỏe không tốt.
- TS Phạm Mạnh Hà: Đôi khi người lớn thường lo lắng cho con, mong con học ĐH tốt hơn trung cấp, cao đẳng, cơ hội việc làm của người học ĐH cao hơn. Điều này không thực sự đúng lắm. Vì học ĐH mà không đúng sở trường thì sẽ rất khó hòa nhập. Nhưng nếu lựa chọn trung cấp, cao đẳng mà đúng năng lực thì sẽ vẫn có hành trang đầy đủ để vào đời. Thế nên các vị phụ huynh đừng lo lắng rằng con cái mình năm nay trượt ĐH vì điều quan trọng là con cái mình chọn đúng con đường hay không chứ không phải là thi để có một tấm bằng Đại Học.
* Lúc vào phòng thi, áp lực thời gian. Khi đó sẽ mất bình tĩnh và rất là cuống. Khi đó mình phải làm thế nào để làm bài tốt hơn. Hơn nữa, các môn thi đầu tiên nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng không tốt đến phần thi khác. Em phải làm thế nào?
- Th.S Trần Hà Thu: Khi vào phòng thi bạn hay lên kế hoạch ngắn gọn để phân bố thời gian giải quyết các câu hỏi của mình. Lúc đó cũng có thể áp dụng phương pháp hít thở sâu, xoa thái dương, hay nắm chặt một vật gì đó. Các bạn cũng đừng nhìn ngang nhìn ngả mọi người, điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lí của thí sinh. Sau khi thì xong thì nên chia sẻ với người thân, chia bớt lo lắng căng thẳng để có thể bình tâm làm môn tiếp theo.
* Em bị mất phương hướng. Từ lớp 9 đến ĐH, em chạy vào vòng xoáy của thành tích. Khi thi ĐH thì em thi nhất một trường là trường Y và đứng đầu vào năm thứ nhất. Khi đó em nhận ra một điều: em không có cảm giác với người bệnh. Ra ngoài xã hội, em thấy bạn bè em rất nhiệt huyết và cố gắng còn em không có điều đó. Ngày xưa em thi Y là vì nhà em có người làm nghề Y và đó là trưởng điểm cao nên chỉ có vài bạn dám thi vào. Em nhận ra, em không có năng lượng, em không có đam mê, mình mất phương hướng, mình không muốn tham gia vào vòng danh lợi. Trong thời gian đó, em tìm hiểu một vài nghề và em thấy mình hợp với những ngành kết hợp cả khoa học và kinh doanh?
- TS Phạm Mạnh Hà: Tôi nghĩ bạn không mất phương hướng đâu, bạn đang đi đúng con đường mà bạn lựa chọn. Và bạn không phải là trường hợp duy nhất. Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hạn, học Y 7 năm rồi mới ra làm kinh doanh. Nếu không có Đặng Lê Nguyên Vũ thì sẽ không có cà phê Trung Nguyên. Tôi nghĩ, những năm tháng học Y sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm và giá trị sau này cho bạn. Tôi tin rằng với khả năng của bạn, với khát khao chinh phục của bạn, với trăn trở của bạn thì bạn sẽ thành công trong tương lai. Bạn hãy tự lựa chọn con đường mà mình muốn đi.
Đây là đoạn trắc nghiệp tâm lý ngắn của TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà với Ngô Ngọc Linh: - TS Phạm Mạnh Hà: Em thích làm việc độc lập hay làm với những người khác? - HS Ngô Ngọc Linh: Thích tập thể, không gian càng rộng càng tốt! - TS Phạm Mạnh Hà: Thích làm việc máy móc hay truyền đạt ý kiến của mình cho người khác? - HS Ngô Ngọc Linh: Em thích truyền đạt. - TS Phạm Mạnh Hà: Với mong muốn đó em phù hợp với nghề giáo viên. - HS Ngô Ngọc Linh: Em biết phù hợp với nghề giáo viên. Nhưng em đang mâu thuẫn với nguyện vọng gia đình. - TS Phạm Mạnh Hà: Nghề nghiệp sẽ là thứ theo em cả đời, phải phải có năng lực và đam mê với nó thì em mới hạnh phúc với công việc đó. Cho nên em hay trao đổi với bố mẹ và bày tỏ mong muốn. Tôi rất mong em lựa chọn đúng con đường đi của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận