11/02/2012 15:48 GMT+7

Tư vấn tâm lý - hướng nghiệp - sức khỏe mùa thi

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Làm sao để có sức khỏe tốt để học thi, nên chọn ngành nghề theo sở thích hay theo định hướng của cha mẹ, học bài thế nào cho mau thuộc, dễ nhớ, làm sao giữ được bình tĩnh khi làm bài thi. Các vấn đề này sẽ được các chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng giải đáp tại khu vực tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, sức khỏe.

m6M2DtEQ.jpgPhóng to
Ban tư vấn sức khỏe mùa thi - gỡ rối hướng nghiệp - tư vấn tâm lý - Ảnh: Như Hùng

* Xin hỏi về chế độ dinh dưỡng, ăn uống như thế nào để đạt hiệu quả tốt trong thi cử?

- TS BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Tuổi các em cần đủ năng lượng, đảm bảo bữa chính và bữa phụ. Các em lưu ý không bỏ ăn sáng, các bữa ăn phải đủ đạm, đặc biệt là cá, trong cá có chất Omega bổ cho não. Chất đạm từ thịt cá trứng sữa sẽ giúp tốt cho nào. Ngoài ra phải đảm bảo đủ tinh bột (cơm xôi, bắp khoai) giúp đường trong máu ổn định, tránh nguy cơ hạ đường huyết. Kế đó phải có rau và trái cây, lưu ý các thực phẩm có chất sắt (thịt cá trứng, các loại rau xanh và đậu).

Ăn đủ chất sẽ giúp học tốt. Ăn bỏ bữa sẽ thiếu dinh dưỡng, không tiếp thu bài tốt. Không nên uống các chất kích thích trà, cà phê.

* HS tụi em phải học rất nhiều bài. Làm thế nào ngủ khoảng 4-5 tiếng mà vẫn đảm bảo minh mẫn để học?

- TS BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Các em nhớ rằng giấc ngủ đủ phải đảm bảo đủ lượng và chất. Các em cần 6-8 tiếng để ngủ mỗi ngày. Nhưng quan trọng hơn nữa là chất lượng giấc ngủ. Một giấc ngủ chập chờn 8 tiếng cũng không bằng giấc ngủ sâu 6 tiếng. Do đó, phải đi ngủ ngay khi thấy mệt. Các em tự tập ngủ chợp mắt để tập trung trở lại. Nên đi ngủ sớm, không nên ngủ quá ít, ngủ chập chờn.

* Cha mẹ muốn em học ngành y, em muốn theo nghề sư phạm nhưng em không dám cãi cha mẹ. Vậy em phải làm sao?

- TS Nguyễn Thị Bích Hồng: Khi chọn nghề, nhiều em bị ảnh hưởng bởi cha mẹ, bạn bè. Trước tiên, nên lắng nghe cha mẹ vì cha mẹ có nhiều thông tin. Sau đó, em trình bày quan điểm của mình, vì sao em chọn nghề đó, mình có khả năng theo nghề đó không, có gắn bó nghề đó cả đời hay không. Cũng nên lưu ý điều kiện gia đình mình, giới tính có phù hợp ngành đó không nữa.

TS Nguyễn Toàn: Tôi thấy ở đây có mặt nhiều phụ huynh. Các anh chị muốn nghe để định hướng chọn nghề cho con mình. Cái sai lầm của chúng ta là HS lớp 12 chọn nghề theo sự ảnh hưởng của người khác. Chúng ta không nên quyết định thay con, nên trao quyết quyết định chọn nghề cho những HS lớp 12, chính các em sẽ chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

* Trường nào đào tạo sâu nghề về điện thoại di động?

- TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: Hiện nay không có trường ĐH, CĐ, trung cấp nào đào tạo chuyên sâu về ĐTDĐ. Liên quan đến lĩnh vực này là ngành điện tử. Khi có kiến thức về điện tử, em có thể học các khóa đào tạo sửa chữa ĐTDĐ, chương trình đào tạo khoảng 3 tháng.

* Hiện nay, nhiều bạn trẻ không biết làm thế nào chọn ngành nghề phù hợp với mình?

- Th.S Hà Thế Vinh, Trưởng Phòng đào tạo trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, TP.HCM: Chúng ta nên tham khảo, chia sẻ thông tin chọn nghề với cha mẹ và chọn trường theo điều kiện bản thân và gia đình. Nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khu dự thi. Lưu ý, mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh riêng. Do vậy, chúng ta không nên chọn nghề theo phong trào, theo sự rủ rê của người khác.

* Em yêu thích ngành y nhưng khả năng đậu ĐH Y của em không cao lắm. Vậy các thầy cô giới thiệu em vào trường nào?

- TS BS Trần Thị Minh Hạnh: Em có thể quan tâm đến các ngành trong lĩnh vực y tế nhưng điểm thấp hơn. Nếu lo lắng khả năng trung tuyển em có thể chọn ngành y tế cộng đồng. Nếu bạn thích làm trong bệnh viện, có thể chọn ngành điều dưỡng.

- Th.S Hà Thế Vinh: Xin hỏi bạn muốn thành bác sĩ hay thích ngành y? Nếu bạn thích ngành y nhưng chưa đủ năng lực học vào ngành y bậc ĐH, có thể học ngành điều dưỡng hoặc hệ trung cấp ngành y.

* Nữ nên chọn ngành nào ở hệ trung cấp?

- Th.S Hà Thế Vinh: Có nhiều ngành bậc trung cấp phù hợp nữ như ngành may, thiết kế thời trang, thẩm mỹ, điều dưỡng, các ngành nhóm công nghệ thực phẩm, tài chính ngân hàng và ngành kế toán.

- TS Nguyễn Toàn: trước nay, các ngành kỹ thuật ít có HS nữ. Nhưng hiện nay, lĩnh vực kỹ thuật ưu tiên tuyển nữ. Do đó, các em nên lưu tâm đến các nghề kỹ thuật bên cạnh các ngành nghề phù hợp với nữ theo quan điểm xưa nay.

* Làm sao mình biết có phù hợp ngành mình đã chọn. Em sợ sau khi vào học em lại phải chuyển sang ngành khác?

- TS BS Trần Thị Minh Hạnh: Tôi cũng gặp nhiều bạn sinh viên đã học ĐH nhưng không hiểu vì sao mình chọn ngành này. Nhiều người khó khăn lằm mới đậu vào trường y, vất vả học để thành bác sĩ nhưng ra trường lại bỏ hẳn đi làm kinh doanh. Vậy thật ra người đó thích ngành kinh doanh chứ không phải ngành y. Mình không nên học ĐH vì cái “ mác” ĐH. Nên tìm hiểu từ chính những người đang theo ngành nghề đó để có thông tin trước khi chọn ngành nghề.

- TS Nguyễn Toàn: Cũng tại ngày hội này, năm trước tôi đã nhận câu hỏi của một SV năm thứ ba ngành ngân hàng, bạn học rất tốt nhưng lại muốn bỏ để thi vào ngành thiết kế nội thất. Chọn nghề nên từ lòng say mê, quyết tâm mới theo ngành đó suốt đời. Một lưu ý nữa, người Việt Nam chúng ta thông minh, có kiến thức nhưng sức khỏe không tốt. Khi chọn nghề cũng nên lưu ý mình đủ sức khỏe theo nghề đó không.

* Em đã luyện thi lại một năm nhưng vẫn lo lắng cho kết quả năm nay. Vậy có nên theo đuổi vào ĐH hay không?

- TS Nguyễn Thị Bích Hồng: Bạn có một câu hỏi rất hay. Bạn luyện lại như vậy chuyện đậu, rớt sẽ áp lực. Tuy nhiên, đừng gây thêm áp lực cho bản thân. Bạn cứ cố gắng hết sức mình, nếu đã cố hết sức nhưng kết quả không được như ý, hãy thanh thản chấp nhận, đừng tự trách mình. Nếu bạn có ý chí quyết tâm và biết chọn con đường phù hợp bạn sẽ thành công.

* Em xin hỏi trường nào đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện?

- TS Nguyễn Toàn: Hiện nay, tại TP.HCM có 4 trường CĐ, trung cấp (CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, TC Kinh tế Kỹ thuật Nam Sài Gòn, TC Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh) đã tuyển sinh năm thứ ba ngành truyền thông đa phương tiện theo chương trình của trường Singapore Polytechnic. Đây là chương trình được UBND thành phố đầu tư. Đây là ngành rất hot, học trung cấp các em hoàn toàn có thể làm chủ doanh nghiệp lĩnh vực này.

* Em thích ngành sư phạm. Ngoài trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn trường nào đào tạo ngành này?

- Th.S Hà Thế Vinh: Chúng ta hay nghĩ chỉ có trường ĐH Sư phạm mới dạy ngành sư phạm. Hiện tại TP.HCM có trường ĐH Sài Gòn có ngành sư phạm. Ngoài ra, các bạn có thể học ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để trở thành GV dạy các môn kỹ thuật, dạy nghề.

* Em muốn vào ngành tài chính ngân hàng nhưng ngành này điểm chuẩn rất cao. Vậy nên chọn trường như thế nào, có nên chuyển sang ngành khác?

- TS Nguyễn Thị Bích Hồng: ngành này đang đào tạo ở nhiều trường với mức điểm khác nhau. Em nên cân nhắc giữa các trường và nên chọn trường nào phù hợp sức học của mình. Ngành này cũng tuyển nhiều khối thi. Nên chọn khối nào hợp với mình, thử làm đề thi để lượng sức mình. Nếu thấy quá sức cũng nên tính đến chuyện chuyển sang ngành khác. Tuy nhiên, chọn một nghề nên căn cứ theo điều kiện bản thân có phù hợp với ngành nghề đó hay không chứ không chỉ chọn theo điểm chuẩn.

* Em muốn biết thông tin ngành tâm lý học?

- TS Nguyễn Thị Bích Hồng: Em có thể tham khảo thông tin một số trường đào tạo ngành này: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM)…

* Em là nữ muốn chọn ngành CNTT, vậy có ổn không?

- TS Nguyễn Toàn: Hiện ngành CNTT có nhiều hướng đào tạo: phần ứng, phần mềm. Ứng dụng ngành CNTT rất rộng, người theo ngành này cũng rất nhiều. Tuy nhiên, 100 người tốt nghiệp ngành này, các nhà tuyển dụng chỉ tuyển được 40. Trong số 40 người đó, người ta phải đào tạo lại tiếng Anh và các kỹ năng khác đến 20 người. Tôi muốn lưu ý là, muốn theo ngành CNTT không dễ. Nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi theo ngành này.

Danh sách ban tư vấn

- TS tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

- TS Nguyễn Toàn, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức

- ThS Hà Thế Vinh, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm.

BannerVincom.png

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên