22/01/2011 10:21 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành kinh tế tại Đắk Nông

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO- * Em thi vào ĐH Kinh tế, em đủ điểm vào trường nhưng không đủ điểm vào ngành học mong muốn thì có thể chuyển điểm qua ngành khác không?

QrCeeQQA.jpgPhóng to

Th.s Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM đang tư vấn cho các thí sinh - Ảnh: T.B.Dũng

- Thạc sĩ Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH kinh tế TPHCM: ĐH kinh tế lấy điểm chuẩn chung đều hết cho tất cả các ngành và chuyên ngành. Sau khi học 1,5 năm cơ bản các bạn được xếp ngành.

Cái quan trọng nhất là năng lực, kết quả học tập của các bạn để chọn chuyên ngành. Ban đầu có thể các bạn đăng ký vào một ngành khác nhưng sau 1,5 năm học tập, thấy mình hợp với chuyên ngành nào có thể chọn học chuyên ngành đó. Các bạn hoàn toàn có thể thay đổi chuyên ngành đăng ký ban đầu.

Để cho các em suy nghĩ thêm một năm rưỡi nữa để có quyết định chắc chắn nhất, phù hợp nhất với mình sau khi đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về năng lực, thị trường lao động… Thực tế một số ngành rất "hot" như chứng khoán chẳng hạn, trước đó số SV đăng ký đông nhưng hiện nay thì số SV lại giảm do thị trường chứng khoán ảm đạm…

foLo5tSa.jpgPhóng to
Ths Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng Đào Tạo ĐH Tài chính Maketing - Ảnh: T.B.D.

* Em muốn học về tài chính ngân hàng. Nhưng học như thế nào để sau khi ra trường không tốn nhiều tiền xin việc vì nghe nói muốn xin việc vào ngành ngân hàng tốn cả trăm triệu.

- Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo ĐH tài chính makerting: Trong ngành tài chính ngân hàng còn có nhiều chuyên ngành như thuế, bảo hiểm, hải quan…Đối với những ngành nghề này, đào tạo cán bộ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngành và cho xã hội. Các em nghe nói muốn xin việc làm tốn cả trăm triệu nhưng theo tôi biết, đối với các SV ở TP.HCM, các em thường tham gia các ngày hội việc làm và được tuyển vào các doanh nghiệp nếu đủ tiêu chuẩn, hồ sơ…

Để được tuyển dụng, ngoài việc giỏi về chuyên môn, các trường hiện nay đều có đoàn thanh niên, hội sinh viên… giúp các em tạo được những kỹ năng mềm để các em có được phương pháp học tập, kỹ năng làm việc, sinh hoạt nhóm, kỹ năng phỏng vấn xin việc…, từ đó khi ra trường các em sẽ có thể tìm được một công việc phù hợp. Các em cố gắng học giỏi, có bảng điểm tốt, ngoại ngữ, tin học… là những phương tiện hỗ trợ các em tìm được một việc làm tốt.

* Ở ĐH kinh tế luật, có cần thuộc hết toàn bộ văn bản luật không? Có những ngành nào, nếu không đủ điểm ngành này thì có được chuyển sang ngành có điểm thấp hơn không?

- Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Kinh tế - luật TPHCM: Không nhất thiết phải học thuộc lòng tất cả các bộ luật. Các em sẽ được học những điều cơ bản như cách ban hành luật, giá trị các bộ luật… Khi các em chọn chuyên ngành thì sẽ tập trung các bộ luật liên quan đến công việc của mình. Nếu em không đủ điểm vào một ngành thì sẽ được chuyển qua ngành lấy điểm thấp hơn với điều kiện còn chỉ tiêu.

* Có ngành định phí bảo hiểm ở trường nào? Nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh mà vào các trường như kinh tế, tài chính makerting thì khi ra trường có được những chứng chỉ Anh ngữ đó không.

- Thạc sĩ Trần Thế Hoàng: Định phí bảo hiểm không phải một ngành mà chỉ là một trong những nghiệp vụ nằm trong nhóm ngành tài chính ngân hàng. Ví dụ kiểm toán không phải một ngành mà chỉ là chuyên ngành sâu trong một ngành cụ thể. Đầu vào không đòi hỏi chứng chỉ Anh ngữ quốc tế, trừ các chương trình liên kết. Nhưng khi ra trường, các bạn phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

* Điểm ưu tiên của trường công lập và dân lập có gì khác nhau không? Chế độ chính sách về học phí có khác nhau?

- ThS Trần Thế Hoàng: Không có gì khác nhau về điểm ưu tiên giữa các trường. Học phí cơ bản không cao ở các trường đại học và cao đẳng. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể xin chế độ miễn giảm, cầm giấy xác nhận sinh viên của trường về phòng lao động thương binh xã hội tỉnh nhà để được hỗ trợ về kinh phí. Ngoài ra ngân hàng chính sách xã hội cho các bạn vay vốn hỗ trợ học tập. Các quỹ trong nhà trường cũng có thể giúp các bạn trang trải học phí.

* Các ngân hàng bây giờ tuyển nhân viên có yêu cầu về ngoại hình và cân nặng, vậy thông tin này có chính xác không?

- Thạc sĩ Trần Thế Hoàng: Đây là một câu hỏi thú vị. Thật ra trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều khâu công việc chứ không chỉ đứng giao dịch với khách hàng. Sẽ có một số bộ phận đòi hỏi hình thức nhưng rất ít. Nói vui thôi nhưng nếu làm giám đốc hay trưởng phòng thì không ai nhìn chiều cao và cân nặng của em.

Một số lĩnh vực như như tài chính kế toán, hệ thống kiểm soát, công nghệ thông tin trong ngân hàng… ngồi làm việc trong phòng máy thì không ai yêu cầu về ngoại hình nên các em không cần quá băn khoăn về chuyện này.

Ban tư vấn nhóm ngành kinh tế

1. Th.S TRẦN THẾ HOÀNG, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM.

2. Th.S LÂM TƯỜNG THOẠI, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM)

3. Th.S HỨA MINH TUẤN, trưởng phòng đào tạo ĐH Tài chính marketing.

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên